Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKế hoạch chiến thắng của Ukraine: Yêu sách viện trợ hay bước...

Kế hoạch chiến thắng của Ukraine: Yêu sách viện trợ hay bước đi cuối cùng?

Trước nguy cơ thất bại ngày càng lộ rõ của Ukraine, Tổng thống nước này, ông Volodymyr Zelensky đã đưa ra 5 điểm cho cái mà ông gọi là “Kế hoạch chiến thắng”. Nhưng liệu đây có thực sự là một bản kế hoạch hay chỉ là yêu sách nhằm đòi thêm viện trợ từ các nước đồng minh?

Lực lượng Nga bắn lựu pháo về phía các vị trí của Ukraine ở vùng Kursk vào thứ tháng 9/2024.

Ngày 6/8/2024, lực lượng vũ trang Ukraine đã bất ngờ tấn công vào tỉnh Kursk, Liên bang Nga. Với lực lượng khoảng 1.000 binh sĩ và nhiều xe cơ giới, tại đây chỉ hai ngày, lực lượng Ukraine đã tiến sâu hơn 10km và nắm quyền kiểm soát một số khu định cư ở quận Sudzansky. Ukraine tạo được một số thành công ban đầu và gây bất ngờ lớn cho phía Nga. Ngay lập tức chính quyền Nga đã ban bố tình trạng khẩn cấp “chống khủng bố” tại các tỉnh Kursk, Belgorod và Bryansk Oblast. Trong tuần đầu của cuộc chiến, quân đội Ukraine đã chiếm được 1.036km2 lãnh thổ Nga và 28 khu định cư. Sau chiến thắng đầu, Ukriane tiếp tục mở rộng khu vực lấn chiếm tới nhà máy điện hạt nhân của thành phố.

Mục tiêu đánh chiếm của Ukraine là nhằm nhằm gây sức ép với Nga và chuyển hướng nguồn lực quân sự của nước này khỏi các mặt trận phía Đông và phía Nam. Việc đánh thành công vào Kursk còn để thể hiện cho Mỹ, phương Tây và người dân Ukraine về một chiến thắng, nhằm khích lệ, vực dậy tinh thần cũng như củng cố niềm tin với các nước đồng minh để tiếp tục nhận được viện trợ. Mỹ và NATO cam kết hỗ trợ cho cuộc chiến và đồng thời triển khai lực lượng sẵn sàng tấn công Nga. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố đây là cuộc tấn công hợp pháp của Ukraine để đảm bảo an toàn cho lãnh thổ và công dân của mình. Tuy nhiên trước lời kêu gọi Mỹ, Anh, Đức cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tấn công sâu vào nội địa Nga, Tổng thống đương nhiệm Mỹ Joe Biden đã thẳng thắn không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí bởi lo ngại điều này sẽ làm cuộc chiến leo thang.

Sau hơn 2 tháng giao tranh, tình hình đã thay đổi. Phía Nga không rút quân mà trái lại chiếm nhiều thành phố có tính quan trọng chiến lược ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Bên cạnh đó, Nga tiến hành tăng cường chiến lược quân sự của mình, tập trung vào các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái với quy mô lớn vào các cơ sở hạ tầng năng lượng, kho vũ khí, đường vận tải của Ukraine nhằm phá vỡ hậu cần và làm suy yếu khả năng phòng thủ của nước này. Cuộc tấn công đã gây ra các thiệt hại đáng kể, 40% lưới điện của Ukraine bị ảnh hưởng, các kho quân sự và tuyến đường tiếp tế đều bị tê liệt. Tính đến nay Nga đã tạo ra một cuộc phản công lớn, chiếm lại hàng chục ngôi làng và khu định cư, đẩy Ukraine vào thế phòng thủ. Nga cũng tuyên bố sẽ chiếm lại tỉnh Kursk trong thời gian ngắn.

Để cứu vãn tình thế, Tổng thống Zelensky đã nêu ra kế hoạch chiến thắng 5 điểm tại Quốc hội Ukraine và ngay sau đó đưa bản kế hoạch này tới trình bày với EU và NATO tại hội nghị ở Brussels ngày 17/10/2024. Nội dung bản kế hoạch bao gồm:

Thứ nhất, Ukraine phải có được lời mời gia nhập NATO trước khi chiến tranh kết thúc.

Thứ hai, tiếp tục các hoạt động tấn công trên lãnh thổ Nga và yêu cầu phương Tây gỡ bỏ các hạn chế tấn công tầm xa. Cùng với đó là yêu cầu các đồng minh và láng giềng phải bắn hạ các máy bay Nga, mở rộng vùng sử dụng máy bay không người lái và tên lửa của Ukraine, truy cập vào dữ liệu tình báo.

Thứ ba, triển khai gói răn đe phi hạt nhân chiến lược của NATO trên lãnh thổ Ukraine.

Thứ tư, Ukraine phát triển tiềm năng chiến lược về kinh tế và tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Thứ năm, sau khi chiến tranh kết thúc, quân đội Ukraine có thể sử dụng kinh nghiệm của mình để tăng cường khả năng phòng thủ của NATO và châu Âu. Quân đội Hoa Kỳ ở châu Âu có thể sẽ được thay thế bằng quân đội Ukraine.

Ngoài việc giới thiệu “kế hoạch chiến thắng”, Tổng thống Zelensky còn đưa ra nhiều tuyên bố khác nhằm thúc giục các nước đồng minh hành động dứt khoát trước những đe dọa từ phía Nga. Ông cảnh báo việc hoãn hỗ trợ quân sự sẽ làm giảm khả năng phòng thủ của Ukraine và việc chậm trễ viện trợ sẽ chỉ kéo dài khả năng chiến thắng mà thôi.

Ông Zelensky cũng nói thêm việc các nước phương Tây không chấp nhận kế hoạch này, đồng nghĩa với việc các nguồn tài nguyên chiến lược trị giá hàng nghìn tỷ đô la của Ukraine như uranium, titan, lithium, than và chì sẽ thuộc về Nga và điều này chỉ góp phần tăng cường sức mạnh cho nước Nga. Thay vào đó hãy để cho nguồn tài nguyên này củng cố Ukraine và phương Tây.

Từ những gì Tổng thống Ukraine phát biểu tại Hội nghị có thể thấy bản thân ông Zelensky cũng đã nhìn thấy sự thất bại và gia nhập NATO là con đường duy nhất. Ông liên tục nhấn mạnh việc chấp nhận Ukraine gia nhập NATO sẽ kích hoạt được tiềm năng và Ukraine sẽ sử dụng kinh nghiệm của mình để tăng cường khả năng phòng thủ của khối như những gì ông đã nêu tại điểm năm của bản kế hoạch. Ngoài ra tuyên bố phát triển hạt nhân cũng để nhằm tạo sức ép tới Nga và cả các nước đồng minh. Tổng thống Zelensky đã nhắc lại bản ghi nhớ Budapest 1994, trong đó ghi rằng Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lại cam kết bảo vệ chủ quyền từ các cường quốc trong đó có Nga, Mỹ và Anh. Việc đề cập lại bản ghi nhớ như một lời nhấn mạnh tới các nước phương Tây rằng, Ukraine cần sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ hơn và các cam kết dài hạn hơn, như việc được gia nhập vào NATO. Tuy nhiên, ông ưu tiên gia nhập NATO hơn là theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Tại hội nghị, Tổng thống Zelensky cũng cảnh báo về sự tham gia của 10.000 lính Triều Tiên vào quân đội Nga và cho rằng đó là mối đe dọa mới tới châu Âu và các nước phương Tây nhằm kêu gọi phía NATO đưa thêm quân vào tham chiến trực tiếp với quân đội Nga. Thông tin này sau đó đã bị phía Triều Tiên lên tiếng bác bỏ. Có vẻ đây chỉ là thông tin một chiều từ Ukraine đưa ra khi đứng trước nhiều tình thế bất lợi, đặc biệt là tình trạng thiếu binh lính của quốc gia này.

Như vậy có thể thấy, Ukraine, Mỹ và NATO đang hết sức lúng túng. NATO đã có động thái tăng cường phòng thủ, triển khai các cuộc tập trận lớn tại biển Baltic với sự tham gia của nhiều nước thành viên và đồng minh bao gồm Thụy Điển và Phần Lan. Những hoạt động này nhằm khẳng định sức mạnh phòng thủ của khối và đảm bảo phản ứng nhanh trước xung đột. Ngoài việc kiềm chế Nga, các nước phương Tây và Mỹ còn gây áp lực gián tiếp lên Ukraine và Tổng thống Zelensky, buộc nước này đi đến đàm phán ngừng bắn để hạn chế leo thang xung đột và để tạo điều kiện cho Ukraine có thời gian phục hồi, củng cố lực lượng.

Dù vậy, việc chấp nhận Ukraine gia nhập NATO trong tình hình hiện tại sẽ là một rủi ro lớn và giới phương Tây đều có phản ứng khá tiêu cực về kế hoạch chiến thắng của Tổng thống Zelensky. Các nước đều cho rằng đã đến lúc Ukraine phải chấp nhận đàm phán, đặc biệt bao gồm việc đồng ý nhượng bộ lãnh thổ. Tất nhiên phía Ukraine không đồng tình, ông cho biết việc giữ lại Ukraine cũng chính là giữ lại cho cho Mỹ và châu Âu. Vậy nên phương Tây và Mỹ phải có trách nhiệm tiếp tục viện trợ và ủng hộ Ukraine. Tổng thống Zelensky tỏ ý phàn nàn khi các nước phương Tây đang ngày càng thảo luận về việc đàm phán chứ không phải về việc đòi lại công lý cho Ukraine như ban đầu.

Trước hàng loạt động thái và tuyên bố từ Tổng thống Zelensky, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra những đáp trả cứng rắn. Ông tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Nga bằng mọi giá kể cả phải sử dụng vũ khí hạt nhân, cảnh báo Mỹ và các nước phương Tây không nên manh động. Tổng thống Putin cũng nêu rõ trong một cuộc cuộc phỏng vấn trước thềm hội nghị BRICS rằng “ Việc tạo ra vũ khí hạt nhân trong thế giới hiện đại không phải là điều khó. Không rõ Ukraine hiện có khả năng làm điều này hay không, nhưng nhìn chung điều này không đơn giản với Ukraine ngày nay. Tuy nhiên, việc tuyên bố như vậy là rất nguy hiểm và sẽ nhận được phản ứng thích hợp từ Nga” và “Nga sẽ không cho phép điều này xảy ra trong bất kỳ trường hợp nào”. Tổng thống Putin bày tỏ sự thất vọng về việc phía Ukraine chưa thể hiện sự nghiêm túc trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình. Ông khẳng định Nga sẵn sàng quay trở lại đàm phán, nhưng mọi nỗ lực phải dựa trên các cam kết đã được xác nhận trong quá trình đàm phán trước đó.

Thái độ của Zelensky trong thời gian gần đây đã có xu hướng cởi mở hơn đối với khả năng đàm phán với Nga, nhưng có vẻ như Tổng thống Zelensky vẫn giữ tư tưởng phải giành chiến thắng. Theo đó ông sẽ ngồi vào bàn đàm phán chỉ khi các điều khoản tuân theo lợi ích của Ukraine. Thực tế, những đánh giá gần đây của Mỹ và cả các nước châu Âu đều cho thấy họ ít lạc quan hơn về khả năng giành thắng lợi của Ukraine trong cuộc chiến kéo dài này. Do vậy sự nhiệt tình và tần suất viện trợ cũng có xu hướng giảm khi chi phí và rủi ro tăng cao.

Tuy nhiên vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là tình hình chính trị nước Mỹ. Tổng thống Ukraine lo ngại về cuộc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng viện trợ. Nếu Đảng Dân chủ Mỹ giành chiến thắng, khả năng cao Ukraine sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Washington, đồng thời tình hình chiến sự có thể chuyển biến theo hướng khác, khi đó có thể theo hướng duy trì áp lực lâu dài và vẫn giữ mục tiêu chiến lược là làm suy yếu Nga cả về mặt quân sự lẫn kinh tế. Tuy nhiên, nếu Đảng Cộng hòa thắng cử với đại diện là ông Donald Trump, thì khả năng viện trợ cho Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đồng nghĩa với việc NATO cũng có thể sẽ phải điều chỉnh lập trường của mình để phù hợp với chính sách mới của nước Mỹ. Trong bối cảnh đó, triển vọng đàm phán nhằm chấm dứt xung đột sẽ được nhắc đến nhiều hơn và một thỏa thuận hòa bình sẽ là giải pháp được ưu tiên.

Bên cạnh đó việc NATO có thay đổi lập trường hay không cũng phụ thuộc vào quan điểm của các nước thành viên. Hiện tại, một số quốc gia châu Âu như Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc đã công khai kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình thay vì tiếp tục hỗ trợ kéo dài cuộc chiến. Như vậy, động thái này cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ khối, một số quốc gia cho rằng cần nhanh chóng kết thúc cuộc chiến nhằm tránh kéo dài sự bất ổn tại khu vực, trong khi các thành viên khác vẫn giữ lập trường ủng hộ chiến lược tạo áp lực lên Nga.

Tóm lại, những yêu cầu từ phía Ukraine chỉ đơn thuần là một “danh mục mong muốn” nhằm kêu gọi sự ủng hộ từ phương Tây, đồng thời tạo áp lực với Nga. Theo đó ngầm ám chỉ rằng, nếu các quốc gia phương Tây không tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ thì Ukraine sẽ buộc phải chấp nhận các thỏa thuận bất lợi hoặc thậm chí phải nhượng bộ xung đột. Điều này đồng thời cũng sẽ tạo ra những hậu quả không nhỏ tới uy tín và an ninh châu Âu. Nếu Ukraine suy yếu và buộc phải đầu hàng thì điều này sẽ giúp gia tăng sức ảnh hưởng của Nga tại Đông Âu và có thể đe dọa tới sự ổn định của khu vực. Với những lập luận trên, Tổng thống Zelensky đã tạo một áp lực tới Mỹ và NATO buộc họ phải có những chính sách nhanh chóng và cân nhắc duy trì viện trợ dài hạn, tiếp tục ủng hộ Ukraine trên mọi phương diện trước rủi ro phải đối mặt với mối đe dọa an ninh mới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới