Thursday, January 23, 2025
Trang chủQuân sựMOSSAD: Sử dụng phương tiện thông tin liên lạc làm vũ khí...

MOSSAD: Sử dụng phương tiện thông tin liên lạc làm vũ khí chống các tổ chức Hồi giáo

Trong hai ngày 17 và 18/9/2024, một loạt máy nhắn tin và máy bộ đàm của các thành viên Hezbollah ở Libăng phát nổ, làm chết hàng chục người và làm bị thương hàng trăm người. Hezbollah ngay lập tức tuyên bố cuộc tấn công này là do Israel thực hiện, tuy nhiên cho đến tận bây giờ Israel đã không bình luận gì. Theo nhiều nguồn tin, cuộc tấn công này là hoạt động phối hợp giữa tình báo và quân đội Israel.

Khoảnh khắc một chiếc máy nhắn tin phát nổ trong một siêu thị ở thủ đô Beirut của Li-băng ngày 17/9/2024.

Theo mô tả của một nhân chứng thì cuộc tấn công “giống như phim khoa học viễn tưởng… Hầu như chính xác cùng một lúc… máy nhắn tin nổ ở khắp Li Băng, làm máu chảy ra nhiều và gây những vết thương ở đầu, tay và phía dưới lưng của chủ nhân”. Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại Li Băng gọi cuộc tấn công là “hành động leo thang rất đáng lo ngại trong một tình thế đã rất dễ bùng nổ”.

Vì lo sợ Israel có thể lấy được thông tin của mình, Hezbollah đã yêu cầu các thành viên của mình sử dụng máy nhắn tin do mình mua. Nhiều người cho rằng giải thích gần đúng nhất là Israel đã xâm nhập được vào chuỗi cung ứng sản xuất và chuyển giao các máy thông tin này. Tuy vậy, việc Israel tấn công máy thông tin của Hezbollah không phải là điều gì mới. Một nhà báo của tờ Thời báo Tài chính đã viết: “Gián điệp Israel đã có hàng chục năm sử dụng điện thoại và máy thông tin để lần theo vết, theo dõi và thậm chí ám sát địch (các tổ chức Hồi giáo chống Israel)”.

Lần đầu tiên chúng ta biết đến điều này là năm 1972. Như chúng ta đã biết, tại Thế vận hội Olympic ở Munich năm đó, quân Palestine đã sát hại 11 vận động viên Israel. Để trả thù, Cơ quan tình báo Israel Mossad đã tiến hành một loạt cuộc ám sát quan chức Palestine trực tiếp liên quan đến vụ sát hại này. Một trong những quan chức Palestine đó là Mahmoud Hamshari, đại diện PLO tại Paris. Mossad cho rằng Hamshari còn là lãnh tụ của tổ chức Tháng Chín đen ở Paris và trực tiếp chỉ đạo vụ sát hại vận động viên Israel.

Điệp viên của Mossad đã đóng giả làm nhà báo người Italia liên hệ với Hamshari để xin phỏng vấn. Trong khi Hamshari trả lời phỏng vấn, một nhóm điệp viên khác của Mossad từ Ban Đột nhập đã đến nhà của Hamshari và đặt chất nổ vào lõi điện thoại để bàn. Sáng ngày 8/12/1972, Hamshari bị thương nặng ở căn hộ của ông trên phố d’ Alésia khi thuốc nổ được kích hoạt bằng một cuộc gọi điện thoại. Ông bị mất một chân và được điều trị tại bệnh viện Cochin. Ông vẫn có thể kể lại từng chi tiết của cuộc tấn công bằng điện thoại. Ngày 9/1/1973, ông qua đời và được chôn cất tại nghĩa trang Père Lachaise ở Paris.

Sự kiện tiếp theo là vụ Yahya Ayyash, kỹ sư chế tạo bom của Hamas, bị giết khi điện thoại di động của ông phát nổ ngày 5/1/1996. Theo quan chức Israel, Ayyash là người trực tiếp chế tạo ra bom gây ra cái chết của hơn 70 người Israel.

Ngày hôm đó là ngày định kỳ Ayyash phải gọi điện cho bố mình sống ở Bờ Tây. Sau này chúng ta được biết Shin Bet, tổ chức an ninh nội địa của Israel đã sát hại Ayyash. Shin Bet đã lần theo dấu vết và xác định được số điện thoại Ayyash đang dùng. Tổ chức này cho rằng tấn công trên bộ hay bằng máy bay sẽ gây thiệt hại cho dân thường và quyết định sử dụng vũ khí là điện thoại di động. Shin Bet đã thuê một thành viên Hamas giúp đưa điện thoại di động của Ayyash ra khỏi Gaza để có thể gắn thuốc nổ vào đó.

Hàng ngàn người dân sống ở Dải Gaza đã dự lễ tang của Ayyash. Chủ tịch PLO, ông Yasser Arafat, và các lãnh đạo của Chính quyền Palestine đều bầy tỏ lòng thương tiếc. Palestine đã mở nhiều cuộc tấn công để trả thù. Nhiều đường phố và quảng trường ở các thành phố Palestine được đặt tên ông.

Vụ ám sát Ayyash là bước ngoặt trong việc sử dụng phương tiện liên lạc làm vũ khí của Israel. Từ đó đến nay, chưa có vụ ám sát bằng phương tiện liên lạc được phát hiện. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng những vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah và Hamas gần đây đều có thể liên quan đến phương tiện liên lạc. Họ nghi ngờ rằng Israel đã theo dõi và xác định vị trí của các thủ lĩnh này bằng phương tiện thông tin liên lạc của chính những thủ lĩnh này.

Việc sử dụng máy nhắn tin và bộ đàm làm vũ khí đã tạo một bước ngoặt trong cuộc chiến âm ỉ lâu nay giữa Israel và các nhóm Hồi giáo. Trước khi Israel tấn công bằng máy bộ đàm, tạp chí Nhà Kinh tế của Anh đã viết: “Vài ngày tới sẽ rất căng thẳng… Israel có thể sẽ cảm thấy Hezbollah đang choáng váng và quyết định đánh lớn hơn, ngay cả khi kế hoạch ban đầu không có điểm này. Hezbollah sẽ phải cân nhắc phản ứng của mình. Cũng như nhiều hành động của Israel, cuộc tấn công bằng máy nhắn tin là một thành công về sách lược – nhưng hậu quả chiến lược của nó cho đến nay vẫn chưa rõ”.

Điều gì nhiều người cho rằng sẽ đến đã đến. Ngày 23 – 24/9, Israel đã tấn công 1.600 cứ điểm của Hezbollah ở miền Nam Li Băng, giết chết 492 người và làm bị thương hàng nghìn người. Cuộc tấn công này được coi là cuộc tấn công lớn nhất của Israel vào Li Băng kể từ cuộc chiến tranh 1975 – 1990.

Trước cuộc tấn công, quan chức quân sự Israel đã gửi cảnh báo qua điện thoại cho người dân ở Nam Li Băng và một số vùng ở thủ đô Beirut rời khỏi làng và khu phố đang ở. Điều này gây lo ngại rằng Israel đã đột nhập vào mạng viễn thông của Li Băng.

Có người nhận được cuộc gọi với lời nhắn thoại, nhiều người khác nhận được tin nhắn cùng nội dung là “Nếu bạn đang ở trong toà nhà có chứa vũ khí của Hezbollah, hãy rời khỏi khu vực đó chờ thông báo sau”. Đài phát thanh Li Băng cũng bị xâm nhập và phát đi thông điệp cùng nội dung.

Theo các chuyên gia thì việc chuyển lời cảnh báo qua điện thoại là một biện pháp chiến tranh tâm lý – nhắc nhở cách thành viên của Hezbollah và Hamas rằng An ninh Israel biết chính xác họ ở đâu vào bất cứ thời điểm nào. Đây cũng là cách Israel điều chỉnh mục tiêu của tên lửa của mình. Ngày 23/9 là ngày đầu tiên Israel sử dụng cách điều chỉnh này ở Li Băng.

Để làm được như vậy, Israel chắc chắn đã tiếp cận được thông tin thời gian thực của kẻ địch của mình là Hezbollah và của người dân Li Băng. Nhiều chuyên gia tin rằng Israel đã xâm nhập được vào mạng lưới viễn thông của Li Băng trước ngày 7/10/2023. Một chuyên gia thậm chí còn cho rằng Israel “tiếp cận được đường dây điện thoại cố định, số biển số ô tô, điện thoại di động đến mức Israel có thể liên hệ với bất kỳ ai ở Nam Li Băng như họ đã làm ở Bờ Tây hay Dải Gaza”.

Công nghệ và thiết bị phần mềm gián điệp tinh vi cho phép Mossad có thể định vị nhà ở của bất kỳ người Li Băng nào, người đó dùng số điện thoại nào và ai hay đến nhà người đó. Một khi cơ quan tình báo Israel phát hiện ra một địa điểm nào đó có nhiều điện thoại di động hơn bình thường, họ có thể đi đến kết luận là có sự kiện bất bình thường ở đó, có thể là cuộc họp của Hezbollah và sẽ nhằm bắn tên lửa vào địa điểm đó.

Israel có đủ khả năng xâm nhập vào các phương tiện thông tin liên lạc bằng phần mềm. Nhiều nước hiện nay đang dùng phần mềm Pegasus của công ty NSO (Israel) để theo dõi công dân mình. Do vậy, không có gì khó để Mossad có được những phần mềm này.

Với Li Băng, Israel đã thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng điện thoại di động từ đầu những năm 2000. Sau cuộc chiến tháng 7/2006, Li Băng đã phát hiện ra điều này. Từ đó đến nay, Mossad chắc chắn còn có những hoạt động khác nữa.

Trong tháng Tám và Chín vừa qua, báo chí Li Băng đã đưa nhiều tin về các vụ xâm nhập ứng dụng WhatsApp. Người sử dụng nhận được tin nhắn yêu cầu vào một mã hay đường kết nối đáng nghi ngờ và sau đó nhận được cảnh báo là WhatsApp của họ bị mở ở một máy khác. Điều này có nghĩa là ai đó đã dùng số điện thoại của bạn và lấy mã đăng ký của bạn.

Như vậy, trong cuộc chiến hiện tại Israel đã chứng tỏ rằng mình có ưu thế về công nghệ bên cạnh ưu thế về số lượng vũ khí sử dụng. Hezbollah và các nhóm kháng chiến Hồi giáo cần rất cảnh giác trước những gì sẽ có thể xảy ra trong cuộc chiến hiện tại vì họ đã thua về công nghệ trong những ngày vừa qua.

Những sự việc trên đây mới chỉ phản ánh một phần việc lực lượng Mossad sử dụng công nghệ vào cuộc chiến tranh chống Hezbollah ở Li Băng. Thực tế, công nghệ cao đã được ứng dụng từ lâu vào cuộc chiến giữa các quốc gia. Các cuộc chiến tranh mạng, lượng tử… đã được nhiều nước nhắc tới và phải hứng chịu, nhưng không biết nó xuất phát từ đâu. Vì vậy, chiến lược an ninh quốc gia của nhiều quốc gia ngày nay đều phải quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ an ninh của nước mình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới