Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNgừng viện trợ quân sự: Con đường để kết thúc cuộc chiến...

Ngừng viện trợ quân sự: Con đường để kết thúc cuộc chiến ở Ukraine

Cuộc giao tranh Nga – Ukraine cho đến nay đã kéo dài gần 3 năm kể từ ngày 24/2/2022. Chiến tranh đã đem lại nhiều đau thương cho người dân cùng hậu quả tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/9/2024.

Cuộc chiến này không phản ánh ý nguyện của người dân hai nước mà là kết quả của những toan tính chính trị của mỗi cá nhân và quốc gia. Thế giới đã trải qua 2 cuộc chiến tranh thảm khốc với sự tàn phá không thể tưởng tượng nổi và cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine có nguy cơ làm nổ ra cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 3 nếu chiến sự còn leo thang. Dự báo cuộc chiến này sẽ còn có thể tàn khốc hơn nữa. Vậy cần phải làm gì để chấm dứt chiến tranh?

Trong bối cảnh Thế chiến thứ hai, Liên Xô và các nước phương Tây đã tạm gác mâu thuẫn và cùng nhau hợp tác hình thành Liên minh chống Phát xít để đẩy lùi kẻ thù chung là Đức Quốc xã. Tuy nhiên sau chiến thắng, các nước ngay lập tức bước vào thời kỳ Chiến tranh lạnh. Sau thế chiến, Liên Xô mở rộng ảnh hưởng của mình sang các nước Đông Âu và Đông Đức, thiết lập các chế độ cộng sản tại các quốc gia này. Phía Liên Xô cho rằng điều này là cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia và ngăn chặn mối đe dọa từ phương Tây. Tuy nhiên các nước phương Tây lại nhìn nhận nó như một hành động xâm chiếm và áp đặt ý thức hệ cộng sản lên các quốc gia độc lập. Điều này đã làm gia tăng cẳng thẳng giữa hai khối Đông – Tây và đẩy thế giới vào một giai đoạn đối đầu kéo dài.

Tình hình hiện tại giữa Nga và Ukraine cũng phản ánh những diễn biến phức tạp tương tự trong lịch sử. Nhưng cuộc chiến này không đơn thuần là chiến tranh khu vực giữa hai quốc gia, mà còn chứa đựng những tính toán chính trị sâu xa với sự can thiệp rõ ràng từ Mỹ và các nước phương Tây.

Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Ukraine, nước này cung cấp viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo lớn trị giá hàng chục tỷ USD. Mỹ dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao và phối hợp với các đồng minh NATO để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên việc tiếp tục viện trợ gặp nhiều thách thức chính trị trong nội bộ nước Mỹ với một số ý kiến cho rằng cần xem xét lại quy mô hỗ trợ cho Ukraine. Trước tình hình này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc hỗ trợ không mệt mỏi cho Ukraine, ông phát biểu ngày 24/9 vừa qua tại cuộc họp Hội đồng Liên hợp quốc như sau: “Thế giới cần đưa ra một sự lựa chọn nữa. Liệu chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ để giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến này và bảo vệ quyền tự do của mình, hay chúng ta sẽ rời bỏ họ và cho phép sự xâm lược tiếp tục và hủy diệt đất nước? Tôi biết câu trả lời của mình. Chúng ta không thể mệt mỏi, chúng ta không thể bị xao nhãng và chúng ta sẽ không từ bỏ sự ủng hộ dành cho Ukraine”.

Vai trò của phương Tây trong cuộc chiến này không phải là thúc đẩy đàm phán hòa bình mà lại tập trung vào triển khai viện trợ quân sự và quân đội cho Ukraine. Mỹ và các nước phương Tây thấy đây là “cơ hội ngàn năm có một” để tạo áp lực làm suy yếu và khiến Liên bang Nga tan rã. Sự viện trợ này đã khiến cho cuộc chiến tranh kéo dài, gây thiệt hại nặng nề cho đời sống của người dân hai quốc gia. Theo thống kê, cuộc giao tranh đã gây thương vong cho hơn 30.000 dân thường, với ít nhất 10.582 người thiệt mạng và 19.875 người bị thương. Tuy nhiên con số này không hoàn toàn chính xác và thực tế có thể còn cao hơn. Có thông tin cho rằng, hơn 71.000 binh sĩ Nga và khoảng 31.000 binh sĩ Ukraine được báo cáo thiệt mạng trong cuộc chiến, ngoài ra còn có số lượng binh sĩ bị thương hoặc mất tích chưa được công khai. Theo ước tính, cuộc chiến đã gây thiệt hại cho Ukraine khoảng 100 tỷ USD cơ sở hạ tầng. Nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá, điện nước, y tế và giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khoảng một nửa các doanh nghiệp ở Ukraine đã phải ngừng hoạt động hoàn toàn, nửa còn lại hoạt động dưới mức công suất.

Như vậy có thể thấy Ukraine hiện giờ hoàn toàn phải dựa vào sự hỗ trợ từ các nước phương Tây để tiếp tục cuộc chiến với Nga. Một nghị quyết “ủng hộ Ukraine” đã được đa số bỏ phiếu thông qua trong cuộc họp Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 7 vừa qua đã cho thấy lập trường không khoan nhượng và tiếp tục hướng tới chiến tranh của các nước phương Tây. Nghị quyết này yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên EU dành một sự ủng hộ kiên định cho Ukraine đến khi nước này giành được chiến thắng tuyệt đối, nhưng không nội dung nào đề cập đến các cuộc đàm phán hay những nỗ lực ngoại giao khác. Các quốc gia thành viên châu Âu và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được kêu gọi dành 0,25% GDP của mỗi nước để ủng hộ Ukraine cho mục đích quân sự. Theo tính toán, số tiền này lên tới 127 tỷ euro mỗi năm, cao hơn gấp 2 lần ngân sách quốc phòng của Đức trong năm và vượt quá số tiền viện trợ quân sự đã dành cho Ukraine từ trước đến nay. Nghị quyết cũng kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt về tội ác chiến tranh của Nga và tịch thu toàn bộ tài sản bị phong tỏa của đất nước này.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng Ukraine có thể sụp đổ về mặt quân sự và chính trị nếu chiến tranh tiếp diễn. Việc châu Âu và các nước thành viên tiếp tục can thiệp và cung cấp vũ khí cho nước này sẽ không đem lại chiến thắng nào cho Ukraine mà chỉ có nguy cơ phá hủy toàn bộ châu Âu trong trường hợp Nga phản ứng bằng vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy, đa số người dân châu Âu không ủng hộ, dư luận các nước đều lên tiếng phản đối và ủng hộ các giải pháp thương lượng.

Bản thân Ukraine cũng cho thấy sự mệt mỏi khi ngày càng có nhiều báo cáo về lính đào ngũ do căng thẳng và điều kiện khắc nghiệt, sự thiếu thốn vũ khí và mệt mỏi kéo dài. Nhiều dự báo cho rằng dân số Ukraine sẽ còn giảm mạnh trong tương lai. Nhiều người đã tử vong, khoảng 10 triệu người di cư sang các nước khác, trong đó nhiều người có thể không quay trở lại ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc, đặc biệt khi các điều kiện kinh tế và xã hội sẽ không được cải thiện đáng kể trong thời gian tới. Trước đó Ukraine cũng đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp và dân số già, sau khi cuộc chiến xảy ra đất nước sẽ chỉ còn lại chủ yếu là người già và người nghèo.

Hiện nay, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Mỹ cũng đã rút khỏi cuộc chiến và trong nhiệm kỳ của Tổng thống tương lai Mỹ cũng sẽ ngày càng tập trung nhiều hơn vào các vấn đề nội bộ và dành nhiều quan tâm hơn đến cuộc xung đột ở Trung Đông cũng như các cuộc đối đầu với Trung Quốc. Như vậy, Mỹ sẽ tìm cách chuyển gánh nặng kinh tế quân sự và trách nhiệm cho châu Âu.

Tuy nhiên, nội bộ châu Âu đang có những rạn nứt khi một số nước có lập trường khác và ủng hộ hòa bình thông qua đàm phán. Có thể sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, xu hướng ủng hộ một giải pháp hòa bình để chấm dứt xung đột sẽ còn trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng thách thức lớn nhất hiện nay lại đến từ khối các nước Nam bán cầu, cụ thể là nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) khi vượt xa EU về cả dân số và sản lượng kinh tế toàn cầu. Thành viên của khối này không ủng hộ lập trường chiến đấu của châu Âu, bởi họ đặt sự an toàn và lợi ích an ninh của đất nước lên trên. Do vậy, nhiều nước đã hoan nghênh một giải pháp thương lượng trong tương lai.

Có thể thấy, chiến tranh kéo dài gây thiệt hại khổng lồ về kinh tế cho không chỉ Nga và Ukraine mà còn ảnh hưởng tiêu cực, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực và các chuỗi cung ứng toàn cầu. Vậy tại sao các nước phương Tây vẫn ngoan cố trong chính sách của mình? Cuối cùng thì chính họ cũng sẽ đánh mất ảnh hưởng đối với một thỏa thuận hòa bình trong tương lai ở châu Âu. Nếu Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục thực hiện ủng hộ Ukraine theo nghị quyết của mình và kéo dài chiến tranh, thì sẽ không chỉ gây ra những hậu quả to lớn đối với người dân Ukraine mà còn đối với chính các công dân châu Âu. Thực tế chính hành động quân phiệt hiện tại có thể sẽ khiến Liên minh này tan rã trong tương lai.

Trước động thái bảo thủ và gây hấn từ đối phương, bao gồm sự mở rộng của NATO và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phương Tây cho Ukraine, Nga cho thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài sử dụng biện pháp quân sự. Sự can thiệp sâu rộng của phương Tây đã làm suy yếu an ninh quốc gia của Nga, buộc họ phải đưa ra biện pháp để bảo vệ lãnh thổ chủ quyền của mình. Trước đó Nga đã đề cập đến việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dừng viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng đề xuất đã không được lắng nghe.

Tình hình hiện tại cho thấy đã đến lúc các nước cùng ngồi vào bàn đàm phán và đặt câu hỏi “Liệu các thiệt hại về người và kinh tế có thực sự xứng đáng với mục tiêu chính trị của họ hay không?”. Liên minh châu Âu (EU) sẽ cần phải đánh giá lại chiến lược hỗ trợ quân sự của mình. Họ được lợi gì và thiệt hại gì khi đổ tiền và vũ khí cho Ukraine để kéo dài chiến tranh. Có thể dễ dàng nhận thấy nếu thiếu đi sự hỗ trợ của các nước phương Tây, Ukraine sẽ phải ngồi xuống và chấp nhận đàm phán. Việc ngừng viện trợ vũ khí quân sự được cho là bước đi quan trọng và cần thiết để tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao. Đã đến lúc các bên phải lựa chọn một giải pháp tốt hơn để chấm dứt cuộc chiến và trả lại hòa bình cho người dân Ukraine và Nga.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới