Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThế giới…nín thở

Thế giới…nín thở

Cuộc xung đột ở Ukraine đã vượt qua ngày thứ 1000. Không chỉ là một cuộc đối đầu giữa hai quốc gia, nó còn là một cuộc đối đầu chiến lược toàn cầu, với sự tham gia của các thế lực lớn như Mỹ, các thành viên NATO, và Nga.

ATACMS là loại tên lửa đạn đạo có thể tấn công mục tiêu cách xa 305km

Một động thái mới: Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công vào các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Trước đó, dù cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự với nhiều loại vũ khí hiện đại giúp Kyiv chống lại Moscow, nhưng Mỹ chỉ được sử dụng tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, do lo ngại rằng, nếu “tháo khoán” vũ khí hoàn toàn sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện hơn, thậm chí là đối đầu hạt nhân giữa các cường quốc – như Moscow đã từng cảnh báo.

Sau những thay đổi trong chiến lược quân sự và tình hình thực tế trên chiến trường, đặc biệt là sau chiến thắng vang dội của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, giữa tháng 11 năm 2024, Chính quyền Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS có khả năng tấn công các mục tiêu xa tới 300 km sâu trong lãnh thổ Nga. Theo giới quan sát, động thái phản ảnh thay đổi lớn tư duy chiến lược của phương Tây về vấn đề Ukraine trước khi ông Trump – người luôn đe dọa sẽ “thiến” viện trợ cho Ukraine – chính thức nhận chuyển giao quyền lực.

Cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS sẽ có tác động đáng kể đến chiến trường Ukraine. Trước đó, quân đội Ukraine chủ yếu tập trung vào các chiến thuật phòng thủ và phản công gần biên giới. Nay, với sự trợ giúp của các tên lửa tầm xa, Ukraine sẽ có khả năng gây áp lực lên các mục tiêu quan trọng, đẩy lùi chiến tranh vào lãnh thổ Nga, gây tổn thất lớn, làm suy yếu khả năng chiến đấu của quân đội Nga, và làm giảm khả năng kiểm soát của Moscow đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng…

Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ từ Nga. Thứ nhất, Moscow sẽ tăng cường các cuộc tấn công trả đũa vào Ukraine. Thứ hai, gia tăng căng thẳng và kéo dài chiến tranh.

Đặc biệt, việc “tháo khoán” của Mỹ cũng có tác động lớn đối với mối quan hệ quốc tế. Nó có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga, đồng thời làm leo thang mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia phương Tây. Nga đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả của quyết định này, cho rằng đây là một hành động có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột toàn diện và kéo theo sự tham gia của Washington vào cuộc chiến một cách trực tiếp, chứ không thể duy trì trạng thái vô danh, ủy nhiệm, núp bóng…

Giới phân tích quốc tế cũng cho rằng, quyết định Washington còn tác động đến các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Nga hoặc có liên quan đến an ninh toàn cầu, như các thành viên NATO và các nước khu vực Đông Âu: hoặc thúc đẩy họ can dự sâu hơn cuộc xung đột; hoặc tạo ra những mối quan ngại về khả năng đối đầu toàn diện giữa các cường quốc…

Nhiều nhà quan sát còn nói nhiều về tác động tiêu cực của việc “tháo khoán” vũ khí của phương Tây có thể tác động đến quan hệ giữa các quốc gia hạt nhân, đặc biệt là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về việc can thiệp quân sự của các cường quốc bên ngoài vào xung đột Ukraine, và sự leo thang của cuộc chiến có thể tạo ra một tình huống căng thẳng mới giữa các nước lớn, nhất là một khi Nga cảm thấy bị ép buộc phải sử dụng các biện pháp quyết liệt hơn, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tiếp theo các cảnh báo trước đó, ngày 19/11/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt phiên bản sửa đổi của học thuyết hạt nhân quốc gia, với điểm nhấn hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Việc “hạ thấp” này thực chất là gia tăng, mở rộng các trường hợp mà Nga có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân, trong đó bao gồm cả việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Chưa hết, trong sửa đổi học thuyết hạt nhân, Nga còn mở rộng danh sách các mối đe dọa cần vô hiệu hóa, bao gồm cả các quốc gia và liên minh quân sự có khả năng đe dọa an ninh quốc gia…

Ngày 19/11, lần đầu tiên, quân đội Ukraine đã phóng một loạt tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất, sâu vào vùng Bryansk của Nga. Tiếp đó, ngày 20/11, Ukraine cũng khai hỏa hàng chục tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh viện trợ, vào mục tiêu tại làng Maryino ở tỉnh Kursk, miền tây Nga…

Quan tâm đến tuyên bố của Nga rằng, họ đã đánh chặn thành công các tên lửa đạn đạo của Ukraine, tuy nhiên, thời điểm này, như nhận định của các nhà phân tích chính trị quốc tế, những ai quan tâm đến an ninh chính trị thế giới đều đang trong tâm trạng lo lắng, hoang mang, thậm chí…nín thở, chờ đợi những điều khủng khiếp có thể xảy ra ở phía trước…

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới