Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnThông tin mới về Biển Đông

Thông tin mới về Biển Đông

Các nhà lãnh đạo quốc phòng ASEAN nhóm họp trong bối cảnh đặc biệt.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á – Liên Hợp Quốc tại Lào vào tháng 10 năm 2024.

Theo trang business-standard.com (Ấn Độ) ngày 20/11, các nhà lãnh đạo quốc phòng hàng đầu của các nước Đông Nam Á nhóm họp tại Lào để thảo luận về tình hình an ninh trong bối cảnh gia tăng tranh chấp hàng hải với Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương. Dự kiến, nhiều nhà lãnh đạo sẽ tìm kiếm sự trấn an từ Mỹ, trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại nắm quyền vào tháng 1/2025.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã sẵn sàng tham gia các cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Viêng Chăn. Ông Austin vừa kết thúc các cuộc họp tại Australia với các quan chức Australia và Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản. Các bên đã cam kết tiếp tục ủng hộ ASEAN và bày tỏ “mối quan ngại về các hành động gây mất ổn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, bao gồm cả hành vi nguy hiểm của Trung Quốc đối với Philippines và tàu/thuyền của các nước ven biển khác”.

Ngoài Mỹ, tham dự các cuộc họp của ASEAN còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và Trung Quốc.

Hiện vẫn chưa rõ Chính quyền Trump 2.0 sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông như thế nào. Sau các cuộc họp của ông Austin tại Australia, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ, Australia và Nhật Bản đã nhất trí mở rộng các cuộc tập trận chung trong khu vực và công bố một cơ quan tham vấn quốc phòng giữa lực lượng của ba nước để tăng cường hợp tác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm cứ quân sự Philippines, gửi tín hiệu đến Bắc Kinh

Theo trang militarytimes.com (Mỹ) ngày 19/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm căn cứ quân sự của Philippines đặt trên hòn đảo chỉ cách Biển Đông vài dặm, một động thái cho thấy quyết tâm chống lại hành vi quấy rối của Trung Quốc trên vùng biển này.

Căn cứ Không quân Antonio Bautista là điểm dừng chân cuối cùng của Bộ trưởng Austin trong chuyến thăm Philippines lần này, sau khi có cuộc thảo luận với các quan chức từ Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines (cơ quan bảo vệ các yêu sách của Philippines tại Biển Đông).

Ông Austin đến thăm Philippines nhiều hơn bất kỳ bộ trưởng quốc phòng Mỹ nào. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro cho biết ông Austin là người khởi xướng chuyến thăm này: “Động cơ khiến liên minh Mỹ-Philippines trở nên mạnh mẽ như vậy chính là vì hành vi hung hăng của Trung Quốc”.

Bộ trưởng Teodoro ám chỉ đến hành vi của Trung Quốc quanh các đảo ở Biển Đông, đặc biệt là Bãi Cỏ Mây, nơi có binh sĩ Philippines đồn trú.

Ông Austin không phải là bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Mỹ đến thăm Palawan, nhưng ông là người đầu tiên đến thăm Philippines trong giai đoạn Biển Đông đang căng thẳng.

Để giúp Philippines bảo vệ lãnh thổ, Mỹ vừa viện trợ an ninh dài hạn cho Manila với số tiền lên tới 500 triệu USD, nhiều hơn 12 lần so với năm 2023. Trong khi đó, Manila cũng đang tăng cường năng lực cho quân đội – đầu tư 35 tỷ USD trong 10 năm. Khoản viện trợ của Mỹ sẽ là sự khởi đầu cho nỗ lực trên, chủ yếu là mua thiết bị để giúp Manila giám sát Biển Đông. Khi thăm căn cứ ở Palawan vào ngày 19/11, ông Austin đã chứng kiến màn trình diễn thiết bị bay không người lái trên biển, vốn được chuyển giao cho Philippines thông qua sự hỗ trợ của Mỹ. Những hệ thống này, trông giống như thuyền chèo có gắn camera xoay ở nóc, đã được triển khai đến Vịnh Oyster, một phần khác của Palawan. Bộ trưởng Austin cho biết Philippines sẽ đặt mua thêm thiết bị bay không người lái bằng khoản viện trợ này.

Căn cứ mà ông Austin đến thăm là 1 trong 9 địa điểm quân sự mà Mỹ có thể luân phiên sử dụng thiết bị riêng. Một số căn cứ được phát triển hơn những căn cứ khác. Dù Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua ngân sách quốc phòng năm 2024, nhưng Lầu Năm Góc đã đề nghị phân bổ 128 triệu USD để xây dựng hạ tầng quân sự trên 9 căn cứ. Con số này cao gấp 2 lần so với năm 2023.

Những dự án như vậy sẽ giúp Lầu Năm Góc đưa ngày càng nhiều thiết bị tiên tiến hơn đến Philippines như bệ phóng tên lửa có tầm bắn xa Typhon và sẽ khiến Trung Quốc chú ý. Mỹ đã triển khai một trong những bệ phóng này đến Philippines vào mùa Xuân năm 2024 và Manila đã tìm cách mua một bệ phóng riêng. Các quan chức quốc phòng Mỹ ghi nhận ý định trên của Philippines, nhưng cho biết vũ khí này vẫn đang trong quá trình phát triển và chưa được bán.

Mỹ cung cấp cho Philippines nhiều USV để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

Theo Navalnews, trong cuộc họp báo tại Palawan ngày 19/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Philippines Gilberto Teodoro tiết lộ việc Mỹ cung cấp cho Hải quân Philippines một số phương tiện mặt nước không người lái (USV) thông qua nguồn tài trợ quân sự nước ngoài nhằm giúp bảo vệ Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và chủ quyền của Manila ở Biển Đông.

Theo ông Austin và Lầu Năm Góc, các phương tiện này là những USV MANTAS T-12 do Maritime Tactical Systems (MARTAC) phát triển. Lầu Năm Góc tuyên bố “T-12 là vũ khí then chốt mà lực lượng Philippines sử dụng để bảo vệ chủ quyền và hoạt động trên toàn bộ EEZ của mình ở Biển Đông”.

MANTAS T-12 dài 3,6 m và có thể mang theo tới 64 kg. Các nhiệm vụ của MANTAS T-12 bao gồm giám sát, hoạt động theo nhóm và tác chiến điện tử. Một tính năng của USV được MARTAC nêu bật là “chế độ cá sấu” – khả năng bán ngầm giúp MANTAS T-12 thực hiện các nhiệm vụ tàng hình. Mặc dù thông số kỹ thuật chính xác của các biến thể dành cho Hải quân Philippines vẫn chưa rõ ràng, nhưng hình ảnh gần đây cho thấy có vẻ như một hệ thống EO/IR và thiết bị đầu cuối Starlink được gắn trên những phương tiện này.

Ông Austin xác nhận các USV đã được chuyển đến Philippines trong năm nay thông qua một chương trình hỗ trợ an ninh. Mỹ dự kiến tài trợ thêm nhiều USV cho Philippines thông qua khoản tài trợ quân sự nước ngoài trị giá 500 triệu USD đã cam kết trước đó cho Manila hồi tháng 7.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới