Wednesday, December 25, 2024
Trang chủQuân sựCựu quan chức Mỹ nói Nga có "mọi quyền" tấn công các...

Cựu quan chức Mỹ nói Nga có “mọi quyền” tấn công các mục tiêu của NATO

Tass dẫn lời một Đại tá Mỹ, từng là Chánh văn phòng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cho biết Nga có “mọi quyền” tấn công các mục tiêu của NATO.

Lawrence Wilkerson, một Đại tá đã nghỉ hưu từng là Chánh văn phòng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell.


Lawrence Wilkerson, một Đại tá đã nghỉ hưu từng là Chánh văn phòng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, đã đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Washington cung cấp để tấn công vào bên trong nước Nga. Theo ông Wilkerson, việc Ukraine phóng tên lửa ATACMS sẽ không thể thực hiện nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ.

Trong nhiều tháng, Ukraine hối thúc chính quyền Tổng thống Biden cho phép sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ông Wilkerson nhận định với Tass rằng: “Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov đã nói rõ ràng và chính xác về vấn đề này. Sẽ cần có nguồn dữ liệu vệ tinh và nhân sự Mỹ cũng như NATO để phóng các tên lửa này, do đó, NATO đã tham chiến. Vì vậy, Nga có mọi quyền theo luật pháp quốc tế để tấn công các mục tiêu của NATO ngay bây giờ”.

Bình luận của ông Wilkerson hưởng ứng quan điểm của Điện Kremlin về vấn đề trên. Vào tháng 10/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa, điều đó chẳng khác nào “sự tham gia trực tiếp của NATO vào cuộc xung đột”.

Nga cũng đã đưa ra cảnh báo cho Ukraine về việc sử dụng tên lửa ATACMS và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết: “Tất nhiên đây là tín hiệu cho thấy họ muốn leo thang. Chúng tôi sẽ coi đây là giai đoạn mới về chất trong cuộc chiến phương Tây chống lại Nga. Và chúng tôi sẽ phản ứng tương xứng”.

Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định: “Rõ ràng chính quyền sắp mãn nhiệm ở Washington có ý định thực hiện các bước để tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa và kích động leo thang hơn nữa”. Theo ông: “Nếu một quyết định như vậy thực sự được đưa ra và thông báo cho chính quyền Kiev thì dĩ nhiên, đó là một vòng xoáy leo thang căng thẳng mới và là một diễn biến mới về chất xét trên quan điểm về sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột”.

Tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất có tầm bắn hơn 300km và được phóng từ pháo phản lực HIMARS mà Ukraine đã sử dụng.

Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên sử dụng ATACMS vào trong lãnh thổ Nga hôm 19/11, nhắm vào một cơ sở lưu trữ đạn dược gần thành phố Karachev ở vùng Bryansk ở phía Tây nước Nga.

Tổng thống Putin gần đây đã hạ thấp ngưỡng tấn công hạt nhân và ký một học thuyết hạt nhân mới thành luật để chia sẻ khả năng răn đe hạt nhân với các đồng minh. Học thuyết mới của ông Putin thay thế các sắc lệnh trước đó và khẳng định rằng mục tiêu chính của Nga là thực hiện khả năng răn đe hạt nhân “chống lại kẻ thù tiềm tàng”, đồng thời nhận định, Moscow coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là “biện pháp cực đoan”.

Học thuyết mới cũng khẳng định Nga cam kết “thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân” và khi làm vậy, mục tiêu là ngăn chặn căng thẳng leo thang giữa các quốc gia có thể dẫn đến “xung đột quân sự, bao gồm cả xung đột hạt nhân”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới