Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTổng thống Biden củng cố thế trận châu Á trước khi rời...

Tổng thống Biden củng cố thế trận châu Á trước khi rời Nhà Trắng

Khi chỉ còn 2 tháng sẽ kết thúc nhiệm kỳ, chính quyền của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tăng cường củng cố thế trận hợp tác ở châu Á, bao hàm cả vấn đề Biển Đông.

Mới đây, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Lima (Peru), Tổng thống Biden đã có cuộc gặp 3 bên với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba.
Siết chặt quan hệ đồng minh

Kể từ khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản hồi tháng 10, đây là lần đầu tiên ông Ishiba gặp mặt trực tiếp Tổng thống Mỹ. Sau cuộc gặp, ba nước tuyên bố thành lập Ban thư ký ba bên được thiết kế để chính thức hóa mối quan hệ và đảm bảo rằng việc hợp tác không chỉ “họp hành, gặp gỡ” mà sẽ có những hành động cụ thể. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định điều này khi nói chuyện với các nhà báo cùng ông Biden trên chuyên cơ Air Force One.

Việc Hàn Quốc và Nhật Bản hợp tác với nhau được coi là một trong những thành tựu ngoại giao của chính quyền Tổng thống Biden. Bởi trong suốt nhiều năm, Seoul và Tokyo liên tục hục hặc do những bất đồng về lịch sử. Washington xem quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ – Nhật – Hàn đóng vai trò quan trọng để cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính vì thế, việc ông Biden gặp lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản vừa qua được đánh giá nhằm củng cố hợp tác ba bên, đồng thời việc thành lập Ban thư ký ba bên là nhằm thể chế hóa mối quan hệ này.

Không chỉ với hai đồng minh Đông Bắc Á, chính quyền của ông Biden cũng vừa củng cố hợp tác với Philippines – một đồng minh ở Đông Nam Á.

Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến công du đến Philippines. Tại Manila, ông Austin và người đồng cấp sở tại đã ký kết Thỏa thuận chung về an ninh thông tin quân sự (GSOMIA) song phương. Thỏa thuận này không chỉ trao đổi thông tin tình báo quân sự, mà còn cho phép Philippines tiếp cận kỹ thuật quân sự hiện đại và công nghệ quân sự tiên tiến của Mỹ. Washington và Manila ký kết thỏa thuận trên trong bối cảnh Philippines gần đây liên tục căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông.
Tăng cường thế trận ở Biển Đông

Nhận xét về việc Mỹ và Philippines ký kết GSOMIA khi trả lời Thanh Niên ngày 21.11, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá: “Chính quyền của ông Biden đang cố gắng hết sức để thể chế hóa chặt chẽ các thỏa thuận với các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) như Philippines. Điều này giúp đảm bảo tính liên tục trong cách tiếp cận đầu tiên của các đồng minh đối với chính sách đối ngoại Indo-Pacific. Chia sẻ thông tin tình báo là ví dụ mới nhất để tối đa hóa hợp tác của Mỹ và Philippines để tăng cường phối hợp thông tin giá trị cao trước các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Cũng trả lời tương tự với Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản) phân tích: “Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa Mỹ và Philippines đã hoàn thiện các chi tiết cần thiết trong hiệp ước liên minh vốn có từ trước. Trước đây, năng lực tình báo của quân đội Philippines chủ yếu tập trung vấn đề nội địa. Gần đây, căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan khiến cho Philippines cần nâng cấp năng lực tình báo”.

“Việc chia sẻ thông tin tình báo cho phép Washington và Manila phối hợp các hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, kết hợp cùng mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo sâu rộng từ các thành viên “Bộ tứ” (gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ) thì thỏa thuận mới với Philippines cũng giúp Washington nâng cao mạng lưới hợp tác thông tin hàng hải ở khu vực. Điều này cho phép Washington và các đồng minh phối hợp chống lại chiến lược vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông”, GS Sato nhận định thêm.

Trong một diễn biến liên quan, hôm qua (21.11), Reuters dẫn lời người phát ngôn Kanishka Gangopadhyay của Đại sứ quán Mỹ ở Manila cho hay quân đội Mỹ đang hỗ trợ các hoạt động của Philippines ở Biển Đông thông qua một lực lượng đặc nhiệm. Sự hỗ trợ này nằm trong sáng kiến hợp tác tình báo, giám sát và trinh sát.

“Lực lượng đặc nhiệm trên tăng cường sự phối hợp và khả năng tương tác của liên minh Mỹ – Philippines bằng cách cho phép các lực lượng Mỹ hỗ trợ các hoạt động của Lực lượng Vũ trang Philippines ở Biển Đông”, phát ngôn viên Gangopadhyay thông tin.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới