Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHà Nội khó bảo

Hà Nội khó bảo

Ngày 20/11, Việt Nam đã tiếp nhận 5 máy bay máy bay huấn luyện T-6C với sự chứng kiến của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper; Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ, Đại tướng Kevin B. Schneider; và Trung tướng Nguyễn Văn Hiền – tư lệnh Quân chủng phòng không Không quân Việt Nam.

Lễ bàn giao 5 máy bay huấn luyện T-6C cho Việt Nam hôm 20/11 tại Phan Thiết

Giới quan sát nhận định, sự kiện này đánh dấu bước đi mới trong chiến lược phát triển lực lượng quân sự của Việt Nam. Không chỉ phản ánh sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa quốc gia đã nâng tầm bang giao lên mức cao nhất, nó còn phản ảnh nỗ lực nâng cao năng lực quốc phòng, nhất là lực lượng không quân, nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế biến động và phức tạp.

Câu chuyện về việc Việt Nam tiếp nhận T-6C Texan II thực tế đã bắt đầu từ khá lâu. Năm 2018, Việt Nam đã cử hai phi công tham gia khóa đào tạo dài 52 tuần với máy bay T-6 Texan II trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ. Cả hai đã hoàn tất chương trình. Vào tháng 6/2021, tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) thuộc Không quân Mỹ, thông báo Việt Nam đã đặt mua máy bay huấn luyện T-6 để cải thiện chương trình huấn luyện phi công của mình. Tháng 12/2022, có mặt tại Hà Nội tham dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam, chuẩn tướng Sarah Russ thuộc lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết, Mỹ sẽ chuyển giao 12 máy bay huấn luyện T-6 cho Việt Nam trong giai đoạn 2024-2027.

Máy bay huấn luyện T-6C của Mỹ là một biến thể cải tiến của chiếc T-6 Texan II, được sử dụng chủ yếu trong huấn luyện cơ bản cho phi công quân sự. Nhờ trang bị động cơ Pratt & Whitney Canada PT6A-68C, công suất 1.100 mã lực, giúp máy bay có khả năng bay với tốc độ tối đa lên đến 320 hải lý/giờ (593 km/h). Tầm bay khoảng 1.100 hải lý (2.037 km) cùng trọng lượng cất cánh tối đa là khoảng 3.900 kg. Ngoài huấn luyện phi công, T-6C còn có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu nhẹ, trong các cuộc xung đột có cường độ thấp…

Việc Việt Nam quyết định chọn T-6C Texan II cho chương trình huấn luyện phi công cũng phản ánh một tư duy quân sự thực tế và chiến lược. Tiếp nhận máy bay T-6C không chỉ có tác động lớn đối với việc huấn luyện phi công, mà còn mang đến một ý nghĩa chiến lược quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và thiết bị quân sự của Hà Nội. Trước đây, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các trang thiết bị quân sự từ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, sau này là Nga. Gần đây, quốc gia này đã mở rộng các mối quan hệ quốc phòng và tìm kiếm các đối tác mới như Mỹ, Pháp và một số quốc gia phương Tây khác.

T-6C Texan II, dù không phải là máy bay chiến đấu tầm xa, nhưng với những tính năng huấn luyện tiên tiến, sẽ giúp tăng cường khả năng chiến đấu của phi công, chuẩn bị cho các tình huống quân sự phức tạp. Việc Việt Nam chủ trương đầu tư và huấn luyện phi công bằng máy bay T-6C, theo các nhà phân tích, báo trước một điều rằng, hợp tác quân sự Việt Nam – Mỹ sẽ không dừng lại ở những gì đã thấy và đã biết. Trong tương lai không xa, không quân Việt Nam, ngoài các máy bay chiến đấu chủ yếu do Nga cung cấp, sẽ được bổ xung thêm các loại máy bay chiến đấu do Mỹ và phương Tây chế tạo.

Một khi điều đó thành sự thật, không quân Việt Nam chắc chắn sẽ là lực lượng không thể coi thường…

Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông, nơi Việt Nam và các quốc gia ven biển, nhiều năm nay, phải đối mặt với các hành động gây hấn quyết liệt từ Bắc Kinh; cũng là nơi họ đã quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ cưỡng chiếm trái phép, phục vụ mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Dư luận quốc tế và khu vực không thể không chú ý đến việc tiếp nhận máy bay T-6C của Việt Nam – một sự kiện mà họ cho là sẽ có những tác động không nhỏ đến tình hình khu vực. Các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia, dù không nói ra, nhưng hẳn đều ngầm ủng hộ Việt Nam. Bởi điều đó ít nhiều sẽ kiềm chế sự lộng hành của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi mà chính các quốc gia này cũng nhiều lần là nạn nhân của Trung Quốc.

Còn Trung Quốc, ngược lại, dù chưa lên tiếng chính thức, những chắc chắn đang theo dõi và không thể hài lòng. Vì sao? Vì bất kỳ sự gia tăng hợp tác quân sự nào giữa Việt Nam và Mỹ đều có thể bị Trung Quốc xem là một phần của chiến lược kiềm chế sự ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Bắc Kinh có thể tạo sức ép với Hà Nội bằng nhiều cách. Tuy nhiên, buộc Hà Nội thay đổi theo ý Trung Nam Hải là điều không chỉ khó mà còn vô vọng. Bởi lâu nay, dù mềm dẻo như cây tre cây trúc, nhưng động đến chủ quyền, độc lập, lợi ích quốc gia, Hà Nội…khó bảo lắm.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới