Thủ tướng Hungary hôm 22/11 cho biết sẽ mời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến thăm nước này, đảm bảo “không tuân thủ” lệnh bắt giữ của tòa hình sự quốc tế.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hôm 21/11 ban hành lệnh bắt giữ đối với ông Netanyahu và cựu bộ trưởng quốc phòng Israel, cũng như một thủ lĩnh Hamas, Mohammed Deif, vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột ở Gaza.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói với đài phát thanh nhà nước rằng lệnh bắt giữ của ICC là sai và cho biết nhà lãnh đạo Israel sẽ có thể tiến hành các cuộc đàm phán tại Hungary “trong điều kiện an toàn đầy đủ”.
“Hôm nay, tôi sẽ mời thủ tướng Israel, ông Netanyahu, đến thăm Hungary và trong lời mời đó, tôi sẽ đảm bảo rằng nếu ông ấy đến, phán quyết của ICC sẽ không có hiệu lực ở Hungary và chúng tôi sẽ không tuân theo nội dung đó”, ông Orban nói.
Kể từ khi ông Orban và đảng Fidesz nắm quyền vào năm 2010, nhà lãnh đạo Hungary và ông Netanyahu xây dựng mối quan hệ chính trị chặt chẽ. Ông Netanyahu đã đến thăm Budapest vào năm 2017.
Các nhà lãnh đạo Israel và Nhà Trắng lên án mạnh mẽ quyết định của ICC, trong khi người đứng đầu về chính sách đối ngoại EU, ông Josep Borrell cho biết các lệnh bắt giữ không mang tính chính trị và tất cả các quốc gia thành viên EU nên tôn trọng và thực hiện quyết định của tòa án.
Trong EU, Hungary và Cộng hòa Séc là những nước ủng hộ mạnh mẽ Israel, trong khi các quốc gia như Tây Ban Nha và Ireland nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với người Palestine.
Bộ Ngoại giao Séc, phản hồi về quyết định của ICC, cho biết Prague sẽ tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình. Tuy nhiên, Thủ tướng Séc Petr Fiala gọi quyết định của ICC là “đáng tiếc”.
124 quốc gia, bao gồm tất cả 27 thành viên Liên minh Châu Âu, trong đó có Hungary, đều tham gia Quy chế Rome – hiệp ước của Liên hợp quốc thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế. Nếu một người bị ICC ban hành lệnh bắt giữ, việc người đó nhập cảnh vào các quốc gia tham gia Quy chế Rome sẽ khiến họ có nguy cơ bị bắt.
Lệnh bắt giữ của ICC là một động thái quan trọng của tòa án quốc tế trong việc tìm cách bắt giữ một nhà lãnh đạo thế giới.
“Việc này gửi đi một tín hiệu rất mạnh mẽ chống lại các ngoại lệ, một tín hiệu rất mạnh mẽ tới tất cả các bên về tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, luật hình sự quốc tế và trên hết là bảo vệ quyền và sự an toàn của thường dân”, ông David Scheffer, cựu đại sứ lưu động về các vấn đề tội ác chiến tranh trong chính quyền Clinton và là thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói với NPR.
T.P