Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga

Thông điệp ‘4 không’ từ tên lửa Oreshnik của Nga

Sự kiện Nga lần đầu tiên tấn công Ukraine bằng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Oreshnik có tốc độ siêu vượt âm vào ngày 21-11 đã truyền tải một chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).

Việc triển khai tên lửa Oreshnik cũng đã hiện thực hóa tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm đáp trả tương xứng quyết định của Mỹ và Anh cho phép lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) triển khai hai đợt tấn công sử dụng tên lửa ATACMS và Storm Shadow vào lãnh thổ của Nga trong hai ngày 19 và 20-11.

“4 không” gồm răn đe nhưng không leo thang

Cuộc chiến Ukraine lúc này đã từ quy mô khu vực chuyển thành một xung đột “có yếu tố toàn cầu”, theo lời ông Putin. Tuy nhiên dường như phía Nga vẫn đang “giơ cao đánh khẽ” khi quyết định dùng đến Oreshnik – một loại tên lửa có tính năng vượt trội nhưng chỉ vừa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm.

Thông điệp đầu tiên mà tên lửa Oreshnik mang đến chính là tốc độ tối đa được phía Ukraine ghi nhận hơn 13.000km/h (gấp 10 lần tốc độ âm thanh, hay Mach 10) cùng khả năng thay đổi hướng sau khi phóng khiến cho chúng gần như “không thể đánh chặn”.

Thông điệp này càng được củng cố khi Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) cho biết Oreshnik còn được trang bị sáu đầu đạn, mỗi đầu đạn này còn mang theo sáu đầu đạn nhỏ.

Tương tự như Ukraine khi viện dẫn điều 51 trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền tự vệ, Tổng thống Putin cũng khẳng định quân đội Nga có quyền tấn công đáp trả vào căn cứ quân sự của các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine tấn công Nga.

Với phạm vi hoạt động hiệu quả được giới chuyên gia nhận định trong khoảng từ 3.000km đến hơn 5.000km, có thể thấy “không có quốc gia thành viên EU” nào nằm ngoài tầm bắn của Oreshnik.

Không quân Ukraine cho biết Oreshnik được phóng từ vùng Astrakhan của Nga, chỉ cách thủ đô Brussels (Bỉ) chưa đến 3.500km và đến thủ đô London (Anh) chỉ hơn 4.000km.

Điều này đồng nghĩa với phạm vi răn đe mà Nga hiện thực hóa đã chính thức “tăng tầm” hoạt động của các loại tên lửa siêu vượt âm từ Zircon (tầm 1.000km) và Kinzhal (tầm 2.000km) bao phủ toàn bộ lãnh thổ Ukraine, đến Oreshnik đã chính thức bao phủ toàn bộ lãnh thổ EU.

Sau đó dường như phía Nga cũng muốn cho phương Tây thấy rằng họ sẽ “không đủ thời gian phản ứng” trước sự quyết đoán đáp trả của quân đội Nga.

Cuộc tấn công sử dụng Oreshnik được triển khai gần như ngay lập tức sau khi Tổng thống Putin xác nhận AFU có dùng đến tên lửa tầm xa do Mỹ và Anh viện trợ. Và theo xác nhận của GUR thì tên lửa tiếp cận chính xác mục tiêu ở thành phố Dnipro chỉ trong vòng 15 phút sau khi rời khỏi bệ phóng.

Nhưng ở chữ “không” cuối cùng, ông Putin vẫn muốn chứng tỏ lập trường “răn đe nhưng không leo thang”.

Phía Nga đã sử dụng các đầu đạn thông thường trong khi Oreshnik có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đồng thời cũng báo trước cho phía Mỹ thông qua việc giữ duy trì các cảnh báo tự động của Trung tâm Giảm thiểu rủi ro hạt nhân quốc gia Nga (NTCUN).


Điều gì chờ đợi Nga?

Có thể thấy sự xuất hiện của tên lửa Oreshnik đã phần nào giúp Nga giải tỏa được áp lực phải sử dụng đến “biện pháp cuối cùng” là vũ khí hạt nhân trong bối cảnh Ukraine đã sử dụng vũ khí viện trợ từ các cường quốc hạt nhân là Mỹ và Anh tấn công vào lãnh thổ Nga.

Mặc dù AFU chỉ tấn công một số căn cứ quân sự nhất định theo cách “đánh điểm” nên không thỏa đủ các điều kiện tiên quyết trong học thuyết hạt nhân của Nga vừa được điều chỉnh ngày 19-11 yêu cầu cuộc tấn công phải được thực hiện “trên diện rộng” nhưng việc Nga răn đe “hạ ngưỡng” đáp trả hạt nhân nhưng không có bất kỳ biện pháp nào cụ thể cũng sẽ tạo nên một bất lợi lớn cho chính quyền ông Putin.

Và Oreshnik chính là giải pháp tối ưu lúc này.

“Hiệu ứng lan tỏa” từ việc sử dụng tên lửa Oreshnik cũng đang được các quốc gia thành viên khối NATO tận dụng theo hướng “nước đôi”.

Trong đó Chính phủ Anh chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy sẽ viện trợ mới tên lửa tầm xa Storm Shadow cho Ukraine viện dẫn lý do cạn kiệt nguồn cung, còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn giữ quan điểm không gửi tên lửa tầm xa Taurus đến Ukraine bất chấp áp lực bất thường đòi đảo ngược chính sách này từ Quốc hội Đức.

Ở chiều ngược lại, khối NATO đang cân nhắc cho phép không quân Ukraine tiếp cận thông tin tình báo thời gian thực thông qua hệ thống Link 16 có thể tích hợp trên máy bay F-16 được viện trợ.

Động thái này sẽ giúp không quân Ukraine có thể linh hoạt thực hiện các hoạt động xâm nhập tầm thấp và dùng hệ thống Link 16 thay thế sóng ra đa để tăng khả năng tàng hình khi hoạt động ở các vùng có mật độ phòng không dày đặc, có thể là khu vực không phận của Nga ở vùng Kursk.

Để đổi lại, việc triệu tập khẩn cấp Hội đồng NATO – Ukraine ở Brussels vào ngày 26-11 cũng hứa hẹn sẽ cung cấp thêm nhiều hệ thống phòng không mới, trong đó có thể bao gồm cả Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hoặc hệ thống Patriot nâng cấp của Mỹ mà phía Ukraine đang vận động Mỹ chuyển giao.

Vì vậy dường như các bên đều đang cùng hướng đến sự củng cố năng lực phòng thủ, nghĩa là ủng hộ xu hướng “không leo thang” lan tỏa từ thông điệp mà ông Putin gửi gắm vào “hiệu ứng Oreshnik” vừa qua.
Oreshnik vừa hoàn thành thử nghiệm

Tổng thống Putin cũng không ngần ngại thừa nhận Oreshnik chỉ vừa hoàn thành thử nghiệm vào ngày 22-11 và sẽ có kế hoạch sản xuất hàng loạt trong tương lai gần chứ chưa có sẵn với số lượng lớn.

Điều này cũng cho thấy phía Nga cũng không phủ nhận thông tin từ giới tình báo quân sự phương Tây rằng số lượng tên lửa Oreshnik hiện có vẫn rất ít, chưa đủ cho một hoạt động răn đe toàn diện và không nên phóng đại bất kỳ thông tin tình báo nào quá mức.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới