Đại biểu Quốc hội chia sẻ, đời sống, thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút rất nhiều, vì vậy đề xuất cần giảm thuế thu nhập đối với báo chí xuống 10%.
Tại buổi thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho rằng, báo chí là hoạt động chính trị xã hội, có vai trò định hướng dư luận xã hội hết sức quan trọng.
“Việc tác nghiệp của báo chí hiện nay đang hết sức khó khăn. Đời sống, thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút rất nhiều và hoạt động của các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiều khó khăn, nhiều bài toán phải giải quyết”, đại biểu nói và cho biết thêm, ngay cả các cơ quan báo chí lớn cũng giảm nguồn thu, trong khi nhiệm vụ nhiều hơn.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng đứng trước sức ép phải cạnh tranh thông tin trên mạng xã hội, từ các nguồn thông tin khác, đòi hỏi chất lượng thông tin báo chí phải tốt hơn rất nhiều, đầu tư công sức nhiều hơn.
“Đặc thù của phóng viên là lao động đêm hôm, sớm tối, chỉ giảm thu một chút thôi là ảnh hưởng đến tinh thần, nỗ lực của anh chị em. Mặc dù anh chị em rất yêu nghề, say sưa với nghề nghiệp, nhưng những áp lực này “dội vào” không nhỏ trong đời sống hàng ngày, vì phóng viên cũng phải lo cho gia đình, con cái đi học và nhiều nhu cầu khác của đời sống thường nhật”, đại biểu bày tỏ.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc giảm thuế lần này là cơ hội để hỗ trợ cơ quan báo chí làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đang dự kiến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các loại hình báo chí từ 20% xuống 15%, riêng báo in vẫn giữ nguyên 10%.
Cho rằng đây là sự quan tâm, nhưng đại biểu nói cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa, bởi thực tế, trước đây phát hành báo in rất nhiều, nhưng hiện nay phát hành rất ít; các cơ quan báo chí đang thực hiện đa nền tảng, đa phương tiện, chi phí, công sức cũng bỏ ra nhiều hơn.
“Lần trước Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã nói sẽ đề nghị Quốc hội cho giảm thuế với tất cả các loại hình báo chí xuống 10% sẽ rất là tốt, động viên mạnh mẽ đến các cơ quan báo chí”, đại biểu nhắc lại và cho biết thêm, nếu giảm thêm 5% ngân sách Nhà nước cũng “không mất đi bao nhiêu” vì doanh thu của báo chí hiện nay rất thấp, nhưng sự động viên rất quan trọng.
“Đặc biệt khi giảm thuế thì tăng được giá trị thông tin, tăng giá trị tinh thần để anh chị em làm nghề tốt hơn”, địa biểu chia sẻ.
Điều này cũng góp phần ổn định tinh thần của các cơ quan báo chí, phóng viên báo chí. Bởi khi giảm thuế, chất lượng báo chí sẽ tốt hơn và công chúng đều hưởng lợi trong việc được cung cấp thông tin, tiếp cận giá trị văn hóa chất lượng cao, đấu tranh với các thông tin xấu độc, góp phần định hướng giá trị thông tin xứng tầm với vị thế của đất nước.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, ông Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đối với các cơ quan báo chí, mong Quốc hội áp mức thuế đối với báo in và các loại hình báo khác là 10%.
“Nếu Quốc hội đồng ý thì chúng tôi đề xuất là 10%. Chúng tôi đã trao đổi với Ủy ban Tài chính, Ngân sách nội dung này để giúp các cơ quan báo chí”, Phó Thủ tướng nói.
T.P