Cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông và trong khu vực ngày càng trở nên gay gắt bởi lẽ Trung Quốc luôn tìm cách vươn lên ngang hàng, thậm chí vượt Mỹ. Bắc Kinh đã không ngần ngại sử dụng các chiến thuật cưỡng bức để phục vụ những tham vọng đó. Trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc đã sử dụng các chiến lược hỗn hợp để tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng ở Biển Đông – vùng biển có tầm quan trọng chiến lược.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc coi thường, bất chấp các yêu sách lãnh thổ của các nước láng giềng ven Biển Đông và phớt lờ sự quan tâm của thế giới đối tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông. Philippines và Việt Nam đã thường xuyên phải đối mặt với những hành vi hung hăng của Bắc Kinh chẳng hạn như phong tỏa, các hành động đâm húc, tấn công bằng vòi rồng và thậm chí cả các cuộc tấn công bằng rìu, búa hay các vũ khí sắc nhọn của tàu Trung Quốc.
Các hoạt động năng lượng ngoài khơi thường xuyên bị quấy rối, uy hiếp. Chỉ cần đánh cá trong vùng biển mà Trung Quốc tự cho là của họ cũng có thể khiến ngư dân bị lực lượng Trung Quốc tấn công bằng gậy sắt. Những cuộc đối đầu bạo lực như vậy đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và làm suy yếu sự ổn định ở một hành lang quan trọng nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Dư luận từng hy vọng Mỹ sẽ hành động để kiềm chế hành vi của Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh nước này có hiệp ước phòng thủ chung với Philippines. Tuy nhiên, 3 chính quyền liên tiếp ở Mỹ – chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden – đã không có bất kỳ hành động mạnh mẽ nào ngoài việc đưa ra những tuyên bố ủng hộ (Philippines) và hành động mang tính biểu tượng. Năm 2012, chính quyền Tổng thống Obama khi đó đã “nhắm mắt làm ngơ” trước việc Trung Quốc trắng trợn chiếm giữ Bãi cạn Scarborough tranh chấp từ tay Philippines mà không buộc Trung Quốc phải hứng chịu bất kỳ sự trừng phạt nào.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ không thực hiện đúng cam kết quốc phòng với Philippines. Năm 1995, Philippines yêu cầu Mỹ giúp ngăn chặn lực lượng Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn, chỉ cách đảo Palawan của Philippines 129 hải lý. Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton do tức giận về việc Mỹ bị chấm dứt quyền duy trì các căn cứ quân sự ở Philippines cách đó 3 năm nên đã từ chối. Trung Quốc đã chiếm và đẩy mạnh quân sự hoá Đá Vành Khăn biến thực thể này thành căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc.
Càng không bị trừng phạt, Trung Quốc càng trở nên táo bạo và lộng hành hơn. Sau khi chiếm được Bãi cạn Scarborough, Tập Cận Bình ráo riết bắt tay vào công cuộc cải tạo đất, tạo ra 1300 ha đất ở Biển Đông, bao gồm 7 đảo nhân tạo hiện đóng vai trò là căn cứ hoạt động tiền phương của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh đã xây dựng 27 tiền đồn quân sự trên các thực thể tranh chấp, hiện được trang bị tên lửa tầm ngắn, thiết bị trinh sát, hệ thống radar, laser và thiết bị gây nhiễu. Các hòn đảo lớn hơn có nhà chứa máy bay, đường băng và bến cảng nước sâu. Bằng cách đơn phương vẽ lại bản đồ địa chính trị của Biển Đông, Trung Quốc đang đảm bảo rằng nước này có vị trí độc tôn để triển khai sức mạnh trong khu vực.
Khi Trung Quốc dần xói mòn an ninh của Philippines, bao gồm cả quyền kiểm soát của Philippines đối với các khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, Mỹ vẫn tiếp tục nhấn mạnh cam kết phòng thủ “sắt đá” của mình với đồng minh. Cuối năm ngoái, chính quyền Biden khẳng định rằng theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines, Mỹ có trách nhiệm bảo vệ Philippines trước bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào của bên thứ ba nhằm vào quân đội, lực lượng bảo vệ bờ biển, máy bay hoặc tàu của Philippines “ở bất kỳ nơi nào trên Biển Đông”. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không bị trừng phạt – và vì thế, Bắc Kinh không hề nản lòng (khi thực hiện các hành động tấn công Philippines ở Biển Đông).
Mỹ nên tuyên bố rõ ràng rằng Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ với Philippines có trách nhiệm bảo vệ Philippines trước mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy sự thay đổi ở các khu vực hiện nằm dưới sự kiểm soát hành chính của Philippines, bao gồm cả Bãi Cỏ Mây, mà Trung Quốc đang cố gắng bao vây, phong toả.
Để ủng hộ lập trường này, Mỹ có thể viện dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài quốc tế rằng các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý và các hành động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines đã vi phạm chủ quyền của Philippines. Việc Trung Quốc công khai coi thường, bác bỏ phán quyết năm 2016 đã làm xói mòn giá trị của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, điều này xua tan mọi hy vọng rằng tương lai của Biển Đông sẽ được quyết định bởi luật pháp quốc tế. Đó là lý do tại sao Mỹ phải sẵn sàng hỗ trợ Philippines thúc đẩy tôn trọng thực thi phán quyết 2016 bằng hành động cụ thể.
Nếu đứng lên bảo vệ đồng minh hiệp ước của mình, Mỹ có thể tận dụng 9 căn cứ hải quân và không quân của Philippines mà Mỹ đã tiếp cận trong thập kỷ qua, 2 trong số đó nằm ngay đối diện Đài Loan và miền Nam Trung Quốc. Nếu không, Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sự kiểm soát, thống trị ở Biển Đông, từ đó chiếm đoạt nguồn tài nguyên năng lượng và thủy sản dồi dào của khu vực, đồng thời đạt được khả năng phá vỡ chuỗi cung ứng và trừng phạt các nước vì những hành động mà Bắc Kinh cho là không thân thiện.
Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ không dừng lại ở Biển Đông. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã sử dụng một sự kết hợp tương tự giữa lừa dối, bắt nạt, ép buộc và bất ngờ để mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ của mình ở những nơi khác, từ Biển Hoa Đông đến dãy Himalaya, thậm chí không chừa cả quốc gia nhỏ bé Bhutan. Giống như đối với bất kỳ kẻ bắt nạt nào, cách duy nhất để ngăn chặn Trung Quốc là phải có một quốc gia hùng mạnh và đáng tin cậy đứng ra thách thức và đối đầu với Bắc Kinh. Mỹ chính là quốc gia đó, và Washington nên bắt đầu bằng việc bảo vệ Philippines ở Biển Đông. Đó sẽ là nhiệm vụ quan trọng của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trong nhiệm kỳ sắp tới của ông.
Tuy nhiên, có thể thấy nhiệm vụ ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông đối với Trump sẽ khó khăn hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu của ông. Biển Đông – vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố là của riêng họ, trong khi đó Mỹ cho rằng Biển Đông không thuộc về bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào – đã ngày càng trở thành một khu vực nhiều rủi ro trong những năm Trump rời chính quyền.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chính quyền Trump đã có đường lối cứng rắn chống lại Trung Quốc, tăng cường tuần tra và tập trận trong khu vực, đồng thời ra tuyên bố về lập trường pháp lý của Mỹ trên các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên kể từ đó, Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực, ngày càng sẵn sàng đối đầu với các quốc gia khác, bao gồm cả Philippines – một đồng minh hiệp ước của Mỹ. Ông Hunter Marston, nhà nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định: “Không gian để có thể xảy ra sai sót đã thu hẹp đáng kể sau với giai đoạn 2016-2020. Giờ đây, chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể gây ra một cuộc giao tranh hoặc va chạm, dẫn tới xung đột liên quan đến tất cả các bên”.
Trong chiến dịch tranh cử ông Trump tuyên bố sẽ tiếp tục tăng thuế nhập khẩu lên tới 60% hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, bãi bỏ Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Trung Quốc gia tăng cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc. Sau khi thắng cử, ông Trump đã tuyên bố bổ nhiệm những nhân vật “diều hâu” với Trung Quốc vào những vị trí quan trọng trong chính quyền mới, điều này báo hiệu một chính sách cứng rắn hơn của chính quyền Trump 2.0 đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay ông Trump chưa cho biết ông sẽ xử vấn đề Biển Đông và khu vực châu Á – Thái Bình Dương như thế nào trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
Trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Biden, Mỹ đã có nhiều động thái gia tăng quan hệ an ninh, quốc phòng với đồng minh Philippines như đạt thoả thuận về việc quân đội Mỹ có quyền tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines; tiến hành tuần tra chung song phương với Philippines và đa phương với các nước Nhật, Australia, Canada… ở Biển Đông; mở rộng các cuộc tập trận chung với đồng minh cả về số lượn, quy mô lẫn phạm vi ở Biển Đông, song chưa ngăn chặn được sự hung hăng của Bắc Kinh. Trái lại, Trung Quốc lại lợi dụng điều này để vu cáo Mỹ “gây bất ổn” ở Biển Đông để gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông bởi trên thực tế hành vi bắt nạt, cưỡng ép các nước láng giềng ven Biển Đông của Bắc Kinh chưa nhận phải bất cứ sự trừng phạt nào. Do vậy, một số chuyên gia mong đợi chính quyền mới của Tổng thống Trump có những biện pháp đáp trả cụ thể để ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông hiệu quả hơn.
Các nhà quan sát Biển Đông cho rằng chính quyền mới sẽ tiếp tục chính sách của chính quyền Biden (đối với khu vực này), theo đó Mỹ sẽ cố gắng tăng cường các nỗ lực ngoại giao và củng cố các liên minh cũng như quan hệ đối tác an ninh của Mỹ. Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng Trump khó đoán hơn Biden “nhưng không có lý do gì để mong đợi bất kỳ thay đổi lớn nào đối với chính sách của Mỹ về mặt này”. Mặc dù Trump chưa vạch ra kế hoạch cụ thể về Biển Đông, nhưng ông có thể theo đuổi “câu thần chú” chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của mình là “hòa bình thông qua sức mạnh”. Điều đó có những rủi ro riêng bởi một số nhà phân tích cho rằng việc quân sự hóa không kiềm chế của Mỹ chính là nguyên nhân khiến Bắc Kinh mất an ninh và sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm căng thẳng ở Biển Đông.