Tuesday, January 21, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLý do khiến ông Zelensky chấp nhận đổi đất lấy hòa bình?

Lý do khiến ông Zelensky chấp nhận đổi đất lấy hòa bình?

Ông Trump, tên lửa Oreshnik, thành tích chiến trường bết bát… có thể là những lý do buộc giới chức Kiev chấp nhận nhường lãnh thổ để kết thúc chiến tranh.

Ngày 29-11, các tờ báo lớn tại Anh cùng trích dẫn tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong buổi phỏng vấn gần đây với Đài Sky News.

Khi ấy, ông Zelensky đề xuất nhanh chóng kết thúc chiến tranh bằng cách đưa các lãnh thổ vẫn do Ukraine kiểm soát về dưới “ô bảo vệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”. Với những lãnh thổ do Nga kiểm soát, Kiev sẽ tìm cách lấy lại bằng con đường ngoại giao sau.

Trong tuyên bố mới nhất, ông Zelensky ám chỉ “chiếc ô NATO” không phải là tư cách thành viên NATO đầy đủ, mà là sự bảo đảm an ninh riêng lẻ từ các nước lớn thuộc liên minh này.

Điều này cho thấy nhà lãnh đạo Ukraine đã từ bỏ hai điều kiện lớn nhất để Kiev ngồi vào bàn đàm phán chiến tranh: Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea, và Ukraine được gia nhập NATO.
“Quay xe” quan điểm

Thực tế hai điều kiện trên được giới chức Ukraine kiên quyết theo đuổi từ sau khi những đàm phán ban đầu đổ vỡ hồi đầu cuộc chiến.

Trong buổi phỏng vấn với một số cơ quan báo chí Pháp hôm 31-7, đích thân ông Zelensky đã khẳng định: “Ukraine sẽ không bao giờ từ bỏ lãnh thổ của mình vì điều đó đi ngược Hiến pháp. Những người cầm quyền không có thẩm quyền từ bỏ lãnh thổ”.

Hai yêu sách trên tiếp tục xuất hiện trên bản “kế hoạch chiến thắng” được ông Zelensky mang đi “chào mời” với lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Không chỉ tổng thống, nhiều quan chức cấp cao Ukraine cũng liên tục đề nghị NATO gửi lời mời gia nhập khối này cho Kiev.

Mới hôm 29-11, Hãng tin Reuters đăng nội dung một bức thư mà trong đó Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha lại thúc giục các đối tác NATO gửi lời mời tại cuộc họp của khối vào tuần tới.

Với Ukraine, lời mời của NATO không giúp nước này gia nhập khối nhưng vẫn là chiến thắng ngoại giao mang tính biểu tượng.


Đấu trí Trump – Zelensky

Có nhiều lý do để các nhà lãnh đạo Ukraine nói chung và ông Zelensky nói riêng phải đổi ý. Hầu hết trong đó xuất phát từ thắng lợi của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Chiến thắng của ông Trump mở ra một cục diện chính trị hoàn toàn mới. Tân tổng thống đắc cử Mỹ lâu nay liên tục chỉ trích những khoản viện trợ chính quyền ông Biden rót cho Ukraine, thậm chí từng tuyên bố thẳng thừng Ukraine cần chấp nhận đổi đất để lấy hòa bình.

Những tuyên bố trên đều được xem là tin xấu đối với ông Zelensky. Tuy nhiên, tổng thống Ukraine vẫn phải “làm việc với tổng thống Mỹ mới” và thực tế đã điện đàm với ông Trump ngay sau khi cục diện bầu cử Mỹ ngã ngũ.

Ông Trump và ông Zelensky có thứ mà người kia mong muốn. Ông Zelensky có thể cho ông Trump một thắng lợi đầu nhiệm kỳ để chứng minh ông có thể nhanh chóng làm điều mà ông Biden chật vật suốt bốn năm cũng không thể.

Thỏa thuận ngừng bắn sớm tại Ukraine trước ngày ông nhậm chức tổng thống còn có thể cho thấy ông Trump làm được những gì mình từng hứa hẹn trong quá trình tranh cử.

Ngược lại, ông Trump có thể cung cấp cho Ukraine những bảo đảm quan trọng về an ninh, cũng như những khoản viện trợ toàn diện để giúp Kiev bảo vệ và tái thiết đất nước.

Trên bàn cờ đấu trí đó, ông Trump vẫn được đánh giá là người cửa trên và nhiều khả năng ông Zelensky đã phải chấp nhận những đề nghị từ nhà lãnh đạo Mỹ.


Cục diện chiến trường nghiêng về Nga

Một lý do khác cho sự thay đổi quan điểm là cục diện chiến trường. Bất chấp những nỗ lực vô cùng lớn, Ukraine vẫn đang thất thế trên tiền tuyến.

Kiev đang để mất quyền kiểm soát đất đai với tốc độ nhanh bậc nhất cuộc chiến. Dù đã được Mỹ cho dùng tên lửa tầm xa ATACMS tấn công mục tiêu trong lòng Nga, Ukraine vẫn không được kỳ vọng tạo ra nhiều sự khác biệt.

Quyết định của Washington về ATACMS thậm chí còn có phần gây tác dụng ngược. Đòn trả đũa của Matxcơva bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Oreshnik khiến thế giới choáng ngợp và phần nào nhớ ra các nước phương Tây vẫn đi sau Nga về công nghệ tên lửa.
Người Ukraine cũng mất hy vọng

Không chỉ giới lãnh đạo, người dân Ukraine cũng đã phần nào cho thấy sự rệu rã. Theo khảo sát được Viện Xã hội học quốc tế Kiev công bố hồi tháng 7, có đến 32% người dân Ukraine sẵn sàng nhường một phần lãnh thổ cho Nga để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Cho đến tháng 5-2023, con số này luôn dưới mốc 10%.

Tạp chí Economist ngày 20-11 dẫn khảo sát của Gallup cũng cho thấy có đến 52% người Ukraine sẵn sàng đàm phán kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt và chỉ 38% quyết tâm chiến đấu “đến ngày thắng lợi”.

Những con số trên cho thấy không chỉ lãnh đạo, người dân Ukraine cũng đang lung lay hy vọng về việc bảo toàn lãnh thổ.

Tuy nhiên, vẫn không loại trừ khả năng ông Zelensky tuyên bố như trên chỉ để “hù dọa” các nước phương Tây nếu không tăng cường viện trợ thì Ukraine sẽ bỏ cuộc.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới