Tên lửa chiến lược Sarmat của Nga được đặt trong tình trạng báo động cao sau những động thái gần đây của NATO.
Hãng tin TASS trong tuần này cho biết, Nga đặt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat, một phần của kho vũ khí hạt nhân chiến lược, trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu.
Lần đầu tiên trong lịch sử, loại vũ khí này đã sẵn sàng để sử dụng. Bước đi đó cho thấy Moscow sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình trong điều kiện căng thẳng leo thang.
Động thái này gửi tín hiệu tới NATO và phương Tây trong bối cảnh các nước này tăng cường tập trận sát biên giới Nga.
Một số nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ, tháng trước đã dỡ bỏ hạn chế, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do các nước này viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
RS-28 Sarmat hay còn gọi là Satan II, là vũ khí được Nga ca ngợi là “tên lửa uy lực nhất thế giới”. Đây là hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới của Nga do Trung tâm Tên lửa quốc gia Makeev thiết kế và Nhà máy chế tạo Krasnoyarsk sản xuất.
Tên lửa RS-28 Sarmat được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân tới 750 kiloton.
Tầm bắn của tên lửa lên tới 18.000km, cho phép tấn công hầu hết mọi vị trí trên thế giới. Sarmat có công nghệ siêu vượt âm cho phép nó vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.
Quá trình phát triển RS-28 Sarmat bắt đầu từ năm 2009 và được ra mắt vào tháng 8/2019 tại Diễn đàn kỹ thuật quân sự. Đến tháng 2/2021, Nga tiến hành sản xuất tên lửa đạn đạo này và thực hiện vụ phóng thử đầu tiên vào tháng 4/2022 từ sân bay vũ trụ quân sự Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, miền Bắc nước Nga.
Quá trình phát triển của tên lửa Samart bị cản trở bởi sự chậm trễ và các cuộc thử nghiệm thất bại. Hồi tháng 9, các chuyên gia vũ khí cho biết Nga dường như đã gặp thất bại thảm hại trong vụ thử tên lửa mới nhất, để lại một hố sâu tại hầm phóng.
T.H