Friday, January 24, 2025
Trang chủĐiểm tinNgoại giao kênh 2 của Philippines trên vấn đề Biển Đông

Ngoại giao kênh 2 của Philippines trên vấn đề Biển Đông

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông không ngừng gia tăng, từ tháng 7/2024 đến nay, Philippines đã 2 lần tiến hành trao đổi ngoại giao ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao để thảo luận những tranh chấp ở Biển Đông, song xem ra những cuộc trao đổi này không đưa ra được những biện pháp hữu hiệu giảm căng thẳng ở Biển Đông.

Cuộc họp tháng 7/2024 hai bên nhất trí về một “thoả thuận tạm thời” giảm căng thẳng, nhưng chẳng được bao lâu những sự va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu công vụ Philippines lại liên tiếp xảy ra ở khu vực Bãi cạn Sabin. Thứ trưởng Ngoại giao Philippines và Trung Quôc lại ngồi vào trao đổi, nhưng không đạt được kết quả.

Bên cạnh những cuộc họp ngoại giao chính thức, giữa hai còn có các diễn đàn ngoại giao kênh II nhằm hỗ trợ chính phủ tìm kiếm biện pháp giảm cằng thẳng. Cuộc thảo luận bàn tròn do Viện Ngoại giao Nhân dân Trung Quốc và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Philippines (PCFR) tổ chức thường niên, được xếp vào loại “Đối thoại ngoại giao Kênh II” hoặc nỗ lực giải quyết xung đột của các tổ chức phi nhà nước. “Ngoại giao kênh II” nhằm mục đích cho phép người tham gia khám phá các vấn đề nhạy cảm mà không chịu áp lực của các cuộc đàm phán chính thức, thúc đẩy giao tiếp cởi mở mà sau này có thể cung cấp thông tin cho các cuộc đàm phán chính thức cấp chính phủ.

Mới đây nhất, cuộc thảo luận bàn tròn “Đối thoại ngoại giao kênh II” giữa Philippines và Trung Quốc đã diễn ra hôm 14/10 tại Bắc Kinh. Một thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông (Chen Xiaodong) đã gặp phái đoàn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Philippines, hai bên đã “trao đổi quan điểm về quan hệ Trung Quốc-Philippines và các vấn đề hàng hải, cùng nhiều vấn đề khác”. Một thành viên của phái đoàn Manila tại cuộc thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã tiết lộ những bất đồng sâu sắc về các vấn đề hàng hải tiếp tục gây căng thẳng cho các cuộc đàm phán song phương, đồng thời bày tỏ hy vọng hợp tác trong tương lai.

Ông Chester Cabalza, Chủ tịch tổ chức cố vấn Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế Philippines, đồng thời là thành viên của phái đoàn, thừa nhận cuộc thảo luận bàn tròn ở Bắc Kinh ngày 14/10 vừa qua không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Ông mô tả các cuộc thảo luận này là thẳng thắn nhưng đầy thách thức, với việc cả hai bên đều giữ vững lập trường về yêu sách lãnh thổ của mình. Ông Cabalza nói cho biết: “Cả hai phái đoàn đều dành không gian để bộc lộ sự khác biệt nhưng vẫn bất đồng. Nói cách khác, hai bên vẫn chưa hiểu rõ về lập trường của nhau”. Đoàn Philippiens tham gia cuộc họp bàn tròn gồm 11 thành viên đến từ Philippines, trong đó bao gồm các đại sứ đã nghỉ hưu, các tướng lĩnh, giám đốc điều hành và các học giả.

Theo ông Cabalza, tại cuộc họp bàn tròn phía Philippines cũng nêu lên những lo ngại về an ninh đối với hoạt động khai thác ngoài khơi, suy thoái môi trường và tầm quan trọng đặc biệt của phán quyết trọng tài năm 2016 đối với tính toàn vẹn hàng hải của nước này. Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), đã vô hiệu hóa các yêu sách của Trung Quốc dựa trên “Đường 9 đoạn” ở Biển Đông, ra phán quyết có lợi cho Philippines. Trung Quốc bác bỏ phán quyết và tiếp tục khẳng định quyền lãnh thổ của mình tại tuyến đường thủy đang tranh chấp vốn được cho là thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Cuộc thảo luận trên diễn ra sau vụ việc ngày 11/10 vừa qua, trong đó Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản Philippines cáo buộc một tàu Trung Quốc “có hành động nguy hiểm”, cố tình lấn sang một bên và chặn đường đi của một trong các tàu của Philippines gần đảo Thị Tứ đang do Manila quản lý thuộc quần đảo Trường Sa, gây thiệt hại cho con tàu.

Căng thẳng xung quanh Bãi Cỏ Mây đang tranh chấp (được Philippines gọi là Ayungin) cũng là chủ đề được đưa ra tại cuộc thảo luận bàn tròn. Manila đã bố trí một con tàu từ Chiến tranh Thế giới thứ hai ở đó như một “tiền đồn” của Philippines, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Ông Cabalza lưu ý Bắc Kinh nói rằng họ đã tự thực hiện kiềm chế với hy vọng cả hai bên sẽ giải quyết vấn đề một cách lặng lẽ. Tuy nhiên, “nếu Manila nhất quyết chiếm bãi cạn Ayungin, Bắc Kinh sẽ buộc phải chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines”. Ông Cabalza cũng nói thêm rằng Philippines đã “phủ nhận” tuyên bố tự kiềm chế của Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây.

Theo ông Cabalza, tại cuộc thảo luận bàn tròn các đại biểu Trung Quốc cũng khẳng định rằng nước họ có những yêu sách lịch sử mạnh mẽ đối với Biển Đông, cho rằng “Tuyên bố Cairo” năm 1943 là cơ sở cho “Đường 9 đoạn”, theo đó Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ tuyến đường thủy đang tranh chấp. “Tuyên bố Cairo” năm 1943 viết rằng Nhật Bản sẽ trả lại các lãnh thổ bị chiếm giữ trong quá trình bành trướng (bao gồm Đài Loan và Mãn Châu) cho Trung Quốc. Bắc Kinh lập luận rằng tuyên bố này ủng hộ yêu sách của họ đối với các đảo ở Biển Đông, khẳng định rằng những tổn thất lãnh thổ sau chiến tranh của Nhật Bản bao gồm cả các đảo (mặc dù không được đề cập rõ ràng trong tuyên bố).

Liên quan tới lập luận kể trên của Bắc Kinh, giới phân tích quốc tế khẳng định Tuyên bố chung được đưa ra khi kết thúc Hội nghị Cairo ngày 27/11/1943 (gọi tắt là Tuyên bố Cairo) hoàn toàn không có câu chữ nào đề cập tới việc trao trả các vùng lãnh thổ ở Biển Đông cho Trung Quốc. Trong Tuyên bố Cairo viết rất rõ ràng: “Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất năm 1914, và tất cả những lãnh thổ Nhật đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Trung Hoa Dân quốc”.

Với nội dung rất cụ thể trong Tuyên bố Cairo 1943, chỉ có 3 vùng lãnh thổ là Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ được Nhật Bản trao trả về cho Trung Quốc. Như vậy, có thể thấy những lý lẽ của giới chuyên gia Trung Quốc trong cuộc họp bàn tròn với Philippines hôm 14/10 là hoàn toàn xuyên tạc, bóp méo sự thật bởi Tuyên bố Cairo không có chữ nào đề cập tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và càng không có chuyện nguyên thủ 3 nước Anh – Mỹ – Trung đề cập đến cái gọi là “Đường 9 đoạn” tại Hội nghị Cairo năm 1943 (mà nhiều sử gia gọi là Hội nghị tam cường). Tựu chung lại, việc các chuyên gia Trung Quốc nói rằng Tuyên bố Cairo là cơ sở cho “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn bịa đặt.

Ông Matteo Piasentini, nhà phân tích và là giảng viên khoa học chính trị của Đại học Philippines, cho biết Tòa Trọng tài năm 2016 đã kết luận rằng cái gọi là “yêu sách về quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không phù hợp với UNCLOS; Trung Quốc với tư cách là một bên tham gia UNCLOS có trách nhiệm tuân thủ công ước. Phán quyết 2016 cũng khẳng định quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ông Matteo Piasentini nhấn mạnh rằng: “Đó là việc duy trì hiệu lực của các quy tắc chung của luật pháp quốc tế để xây dựng và duy trì trật tự hàng hải ổn định… (Trung Quốc) không thể đơn giản viện dẫn các quyền sở hữu hoặc yêu sách lịch sử đã có từ trước khi các quy tắc đó không còn phù hợp với lợi ích của họ nữa”.

Theo ông Cabalza, trong cuộc họp bàn tròn Trung Quốc nói rằng cả hai nước “không nên để khó khăn chi phối mối quan hệ của mình” và bày tỏ sự quan tâm đến việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế đồng thời nói thêm rằng họ sẵn sàng tham gia vào các cuộc tranh luận lịch sử và pháp lý quan trọng hơn. Ông Cabalza nói: “Trong khi có một trục trặc hiện hữu ở Biển Tây Philippines (cách Manila gọi Biển Đông), rõ ràng là Philippines phải thể hiện hình ảnh như một đối tác kinh tế tiềm năng của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc có khả năng cạnh tranh trên toàn thế giới cao đến mức họ nhạy cảm với các vấn đề chính trị và an ninh”. Ông Cabalza nói thêm rằng Bắc Kinh cũng kêu gọi Manila đánh giá cao sự kiềm chế của họ ở Biển Đông vì nước này “lớn hơn và hùng mạnh hơn Philippines”. Ông Cabalza nhắc lại lập trường của Manila rằng thương mại và an ninh có mối liên hệ sâu sắc với nhau, ngay cả khi phán quyết của Tòa Trọng tài vẫn là trở ngại lớn trong mối quan hệ chiến lược của Philippines với Trung Quốc. 

Tại cuộc họp bàn tròn Chuyên gia phân tích Piasentini nhấn mạnh: “Philippines đã liên tục thể hiện ý định tăng cường quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, vốn thường mang lại lợi ích chung và không đòi hỏi những thỏa hiệp chiến lược tốn kém”, đồng thời cho biết thêm rằng Manila không muốn có mâu thuẫn gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng liên kết với Washington vì “cần thiết”. Ông Piasentini cho biết các Tổng thống Philippines nhìn chung đã tìm kiếm “sự can dự tích cực với Trung Quốc” và Bắc Kinh phải “thực hiện lời hứa của mình”; mặt khác Trung Quốc cần hiểu rằng “việc yêu cầu một nước láng giềng từ bỏ quyền chủ quyền của mình là không hợp lý”.

Giới phân tích nhận xét qua các cuộc đàm phán ngoại giao và các cuộc thảo luận bàn tròn kênh hai giữa Philippines và Trung Quốc có thể thấy sự khác biệt về quan điểm lập trường giữa hai bên là quá lớn. Tuy nhiên, để giảm căng thẳng ở Biển Đông không có con đường nào khác là tìm kiếm đối thoại cả ở kênh ngoại giao chính thức lẫn kênh 2. Ngoại giao kênh 2 sẽ giúp hai bên hiểu rõ thêm lập trường của nhau và được coi là một kênh trao đổi bổ ích hỗ trợ cho ngoại giao chính thức của nhà nước. Bất đồng quan điểm giữa Manila và Bắc Kinh càng lớn thì ngoại giao kênh 2 qua các cuộc thảo luận bàn tròn lại càng cần thiết. Kết thúc cuộc họp bàn tròn hôm 14/10, chuyên gia Piasentini nói thêm rằng Manila có thể theo đuổi nhiều cuộc đối thoại hơn. Với việc Trung Quốc vẫn sẵn sàng thảo luận thêm, Chủ tịch tổ chức cố vấn Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế Philippines Cabalza cho biết Manila nên coi đây là “cơ hội vàng” để mở đường cho sự gắn kết giữa người dân với người dân mạnh mẽ hơn. Ông Cabalza nói: “chỉ Trung Quốc và Philippines mới có thể giải quyết những khác biệt về hàng hải và chiến lược, thậm chí cả các đối tác đồng minh của họ cũng không thể giải quyết được”.

RELATED ARTICLES

Tin mới