Từ ngày 8 – 10/11/2024, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã chọn Bắc Kinh nơi đầu tiên đến thăm trên cương vị Tổng thống nhằm thể hiện sự coi trọng cao nhất quan hệ với quốc gia này. Ngày 9/11, Trung Quốc và Indonesia đã đưa ra tuyên bố chung, đề cập rằng hai nước đã “đạt được sự hiểu biết chung quan trọng về khai thác chung ở những khu vực có các yêu sách chồng lấn”.
Tuyên bố còn cho biết hai bên đã nhất trí thành lập một Ủy ban chỉ đạo chung liên chính phủ để quản lý hoạt động khai thác, “chiểu theo các luật pháp và quy định hiện hành của mỗi bên”.
Từ lâu nay, các bên có yêu sách đối địch với Trung Quốc ở Biển Đông nhìn chung đã tránh bất kỳ thỏa thuận khai thác chung nào với Bắc Kinh. Nỗi lo sợ ở đây chính là điều này có thể được hiểu là sự công nhận chính thức các yêu sách mở rộng của Trung Quốc đối với tuyến đường thủy quan trọng này.
Trong khi Trung Quốc khẳng định rằng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia chồng lấn với “Đường 9 đoạn”, thì Bộ Ngoại giao Indonesia lâu nay đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và không thừa nhận rằng họ có bất kỳ quyền tài phán chồng lấn nào với Trung Quốc. Vì lý do này, Indonesia chính thức coi mình là một quốc gia không có yêu sách ở Biển Đông và theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), họ có quyền chủ quyền đối với EEZ của mình xung quanh quần đảo Natuna và quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên nằm trong đó. Việc ngầm thừa nhận “các yêu sách chồng lấn” dường như đang hủy hoại lập trường này.
Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam đã viết trên X ngày 11/11 rằng thỏa thuận này dường như đánh dấu việc Indonesia rút lại lập trường rằng họ không phải là bên có yêu sách ở Biển Đông. Ông cho rằng điều này “chẳng khác gì một chiến thắng lịch sử dành cho Bắc Kinh”. Ông Aristyo Rizka Darmawan thuộc Đại học Indonesia cho rằng bằng cách đồng ý với tuyên bố chung với Trung Quốc, chính quyền mới của Indonesia đã trở thành “quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đầu tiên ngầm công nhận ‘Đường 9 đoạn’ của Bắc Kinh”. Khi làm như vậy, Indonesia dường như đã “phản bội lợi ích quốc gia của nước này” và trao cho Bắc Kinh một “thắng lợi lớn”.
Trong một tuyên bố ngày 11/11/2024, Bộ Ngoại giao Indonesia đã nhanh chóng làm rõ rằng lập trường của họ không thay đổi và tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Indonesia hôm 9/11 sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền của họ đối với khu vực mà họ gọi là Biển Bắc Natuna. Tuyên bố nêu rõ: “Indonesia nhắc lại lập trường của mình rằng yêu sách của [Trung Quốc] không có cơ sở trong luật pháp quốc tế và không phù hợp với UNCLOS 1982. Sự hợp tác này không ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán của Indonesia tại Biển Bắc Natuna”. Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố rằng thỏa thuận hợp tác được đề xuất với Trung Quốc sẽ bao gồm “nhiều khía cạnh khác nhau của hợp tác kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực ngư nghiệp và bảo tồn nghề cá trong khu vực”. Sự tin tưởng được tạo ra từ đó sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông giữa ASEAN-Trung Quốc bị trì hoãn lâu nay.
Tuy nhiên, ông Aristyo Rizka Darmawan lại không đồng ý với tuyên bố nêu trên của Bộ Ngoại giao Indonesia. Ông Aristyo lập luận rằng thay vì giúp ASEAN đàm phán COC với Trung Quốc, thỏa thuận này có thể làm phức tạp tiến trình đó vì rõ ràng đã phá vỡ chính sách lâu đời của Jakarta rằng mọi yêu sách trong COC phải dựa trên yêu sách hợp pháp chiểu theo UNCLOS.
Một số nhà quan sát còn cho rằng với nội dung về Biển Đông trong Tuyên bố chung Trung Quốc – Indonesia ngày 9/11/2024 nhân chuyến thăm Bắc Kinh của tân Tổng thống Prabowo Subianto, Jakarta đã rơi vào cái “bẫy Đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Đây là một tuyên bố quan trọng, “phản bội” chính sách Biển Đông của Indonesia trong nhiều thập kỷ qua. Bằng tuyên bố này, Indonesia dường như là quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đầu tiên ngầm công nhận cái gọi là “Đường 9 đoạn” của Bắc Kinh – một tập hợp các đường hết sức mơ hồ trên bản đồ của Trung Quốc phản ánh yêu sách của Bắc Kinh đối với các khu vực trên Biển Đông.
Các chuyên gia nhận định Tuyên bố chung Trung Quốc – Indonesia hôm 9/11 có thể gây nguy hiểm cho Indonesia và tạo hệ luỵ xấu cho các nước ven Biển Đông khác, thể hiện trên một số điểm sau:
Thứ nhất, mặc dù Bộ Ngoại giao Indonesia hiện đã đưa ra một tuyên bố mơ hồ để giải thích rằng Indonesia vẫn không công nhận “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, tuy nhiên, điều này mâu thuẫn với tuyên bố chung và được đơn phương đưa ra, trong khi tuyên bố chung được Indonesia và Trung Quốc cùng đưa ra nên có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ nguyên cách giải thích được trình bày trong tuyên bố trước đó. Như vậy, Tuyên bố chung Indonesia – Trung Quốc ngày 9/11 có thể đem lại những hệ luỵ xấu cho lợi ích quốc gia của Indonesia, bao gồm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Indonesia ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, nơi lâu nay có sự tròng lấn với yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Kể từ khi Trung Quốc đưa ra “Đường 9 đoạn”, Indonesia đã kiên quyết bác bỏ vì nó chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, một yêu sách chính đáng theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông năm 2016 đã nêu rõ rằng yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Việc công nhận yêu sách này có nghĩa Indonesia đã đồng ý với một điều gì đó trái pháp luật quốc tế. Tệ hơn nữa, Indonesia sẵn sàng chia sẻ quyền chủ quyền của mình trong việc thăm dò và khai thác thủy sản và dầu mỏ với quốc gia đưa ra yêu sách này.
Thứ hai, bằng cách thừa nhận yêu sách chồng lấn với Trung Quốc, Indonesia có nghĩa vụ đàm phán về ranh giới trên biển. Trước sự công nhận này, Indonesia có ranh giới trên biển với 10 quốc gia gồm Australia, Timor-Leste, Papua New Guinea (PNG), Palau, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Ấn Độ. Về mặt địa lý, tất cả các quốc gia này đều là láng giềng của Indonesia, nghĩa là theo UNCLOS, Indonesia có quyền đàm phán về phân định ranh giới trên biển đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hoặc lãnh hải. Tuy nhiên, xét đến vị trí của Trung Quốc nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa 350 hải lý, Indonesia không có cách nào đàm phán về phân định ranh giới biển với Trung Quốc. Đây là một mất mát lớn đối với khả năng quản lý tài nguyên thiên nhiên của Indonesia.
Việc Indonesia thừa nhận yêu sách chồng lấn của Trung Quốc mâu thuẫn với Hiệp định phân định thềm lục địa giữa Indonesia – Việt Nam được ký kết năm 2003, có hiệu lực tháng 7/2007 và Thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế giữa Indonesia và Việt Nam đã được hai bên nhất trí tháng 12/2022. Indonesia vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận và tuyên bố gần đây thừa nhận yêu sách chồng lấn của Trung Quốc có thể tạo ra sự không chắc chắn về việc phê chuẩn. Hiệp định năm 2003 và Thỏa thuận 2022 được coi là có ý nghĩa quan trọng vì nó cho thấy các nước ASEAN có khả năng giải quyết các tranh chấp phân định ranh giới biển chồng lấn thông qua đàm phán hòa bình. Hơn nữa, điều này cho thấy rõ rằng cả Indonesia và Việt Nam đều không công nhận yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh sau khi các văn kiện này được ký kết.
Thứ ba, việc thừa nhận yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc cũng có tác động đối với quá trình đàm phán đang diễn ra về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong quá trình đàm phán COC, Indonesia đã nói rõ rằng mọi yêu sách trong COC phải dựa trên yêu sách chính đáng theo UNCLOS. Vì vậy, tuyên bố vừa qua dường như đã “phản bội” lập trường của chính Indonesia, từng được Bộ Ngoại giao nước này ủng hộ trong nhiều năm qua.
Vì vậy, Tuyên bố chung Indonesia – Trung Quốc ngày 9/11 có tác động không nhỏ đối với quá trình đàm phán về COC, đồng thời bộc lộ rằng các nước ASEAN không có lập trường thống nhất trong đàm phán với Bắc Kinh. Các quốc gia có yêu sách khác trong ASEAN có thể cảm thấy bị phản bội trước việc Indonesia công nhận yêu sách “Đường 9 đoạn”, điều mà họ đã kiên quyết và cùng nhau bác bỏ cho đến thời điểm này. Nói cách khác, Tuyên bố chung này có thể ảnh hưởng xấu tới tình đoàn kết của các quốc gia ASEAN có yêu sách ở Biển Đông.
Giới phân tích nhận định với những giải thích của Bộ Ngoại giao Indonesia trong tuyên bố hôm 11/11 có thể lý giải nội dung liên quan tới hợp tác trên biển trong Tuyên bố chung Indonesia – Trung Quốc có thể là một lỗi không cố ý của một chính quyền thiếu kinh nghiệm và chưa được kiểm chứng. Sau khi Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto nhậm chức vào tháng 10, ông đã bổ nhiệm ông Sugiono, Phó Chủ tịch Đảng Gerindra của mình, làm Bộ trưởng Ngoại giao. Là một chính trị gia mới vào nghề và chỉ mới tham gia chính trường quốc gia vào năm 2019, người đàn ông 45 tuổi này đã đảm nhiệm vị trí này với rất ít kinh nghiệm thực tế về các vấn đề đối ngoại. Về mặt này, ông Sugiono khác biệt đáng kể so với người tiền nhiệm Retno Marsudi, người có thâm niên gần 2 thập kỷ trong đoàn ngoại giao trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao vào năm 2014. Ông Bill Hayton của Chatham House, Vương quốc Anh, tác giả của một cuốn sách năm 2014 về Biển Đông, đã nói trong một bài đăng trên X rằng tuyên bố chung này “bắt đầu giống như một sai lầm lớn của một bộ trưởng ngoại giao rất thiếu kinh nghiệm”.
Dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa, xem ra các nhân viên Bộ Ngoại giao Indenesia đang phải đối mặt với một mớ hỗn độn khủng khiếp từ Tuyên bố chung trong chuyên thăm Trung Quốc của tân Tổng thống Prabowo Subianto và đang phải dọn dẹp những hệ luỵ xấu có thể xảy ra vì Tuyên bố chung này. Tuyên bố chung gây hoang mang và sự bất bình từ giới chuyên gia, học giả của Indonesia, đồng thời gây sự ngỡ ngàng đối với giới chuyên gia quốc tế. Một số ý kiến cho rằng Tuyên bố chung chưa phải là “dấu chấm hết” đối với chính quyền Jakarta, vấn đề quan trọng nhất vẫn là lập trường chính thức của chính quyền mới ở Indonesia trên vấn đề Biển Đông ra sao thì cần tiếp tục theo dõi. Hôm 12/11/2024, một nhà quan sát đã lưu ý rằng hiện vẫn chưa rõ điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lập trường của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna vì “luật pháp và quy định hiện hành” có thể dẫn đến việc thỏa thuận bị chặn tại cơ quan lập pháp Indonesia, nhưng ít nhất thì nó đã tạo ra một loạt các rắc rối không mong muốn đối với Bộ Ngoại giao.