Monday, December 23, 2024
Trang chủQuân sựHải quân các nướcÝ nghĩa của việc Hải quân Pháp triển khai nhóm tàu sân...

Ý nghĩa của việc Hải quân Pháp triển khai nhóm tàu sân bay ở khu vực

Từ đầu năm 2024 tới nay, Pháp có nhiều hoạt động thể hiện sự can dự mạnh mẽ hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với việc thúc đẩy ký kết một thoả thuận quốc phòng mới với Philippines, Pháp gia tăng các hoạt động hợp tác quân sự với nước này để qua đó can dự sâu hơn vào Biển Đông.

Mới đây, Hải quân Pháp thông báo Paris đang chuẩn bị triển khai tàu sân bay chỉ huy Charles de Gaulle trong đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào cuối năm nay.

Trong thông cáo báo chí Hải quân Pháp cho biết, các thuyền viên trên tàu sân bay Charles de Gaulle đã thực hiện khoá huấn luyện ba tuần từ ngày 04 đến 25/10/2024 hoạt động sau một thời gian ngưng hoạt động kỹ thuật để tái trang bị kéo dài gần bốn tháng. Các thuỷ thủ giờ đây bước vào việc chuẩn bị hoạt động và hậu cần bốn tuần cuối trên bờ trước đợt triển khai mới của tàu trong nhóm tàu tác chiến bao gồm tàu sân bay. Trước đó, một sĩ quan cấp cao của Pháp tuyên bố rằng, nhóm tàu sân bay sẽ sớm bắt đầu một nhiệm vụ kéo dài nhiều tháng mang tên Clemenceau 25, bao gồm khu vực phía đông Địa Trung Hải, Biển Đỏ, Ấn Độ Dương “và có thể vươn xa tới Thái Bình Dương”, trong đó có Đông Nam Á; đợt triển khai sẽ bao gồm các chuyến thăm cảng đến Philippines và Nhật Bản.

Một nguồn tin từ Paris cho biết, nhóm tàu tấn công bao gồm tàu sân bay có thể sẽ có chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới Nhật Bản và Philippines. Nhóm tàu tác chiến dự kiến sẽ có tàu sân bay Charles de Gaulle, 1 tàu khu trục phòng không, 2 khinh hạm, 1 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 1 tàu hậu cần. Phi đội không quân có thể bao gồm 24 máy bay chiến đấu Rafale Marine, 4 trực thăng và 2 máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye AEW. Khoảng 3.000 thuỷ thủ và phi công sẽ tham gia vào nhiều cuộc tập trận trong lần triển khai này, bao gồm cả một cuộc tập trận chung quốc tế “tập trung vào chủ đề an ninh biển ở eo Indonesia”.

Nhiệm vụ có thể bao gồm các cuộc tập trận chung với Hải quân Ấn Độ và các cuộc tập trận với một số đối tác Thái Bình Dương, bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Australia và Nhật Bản. Một quan chức quân sự Pháp nhấn mạnh rằng nhiệm vụ này không đặt ra “bất kỳ giới hạn nào cho trí tưởng tượng” và có ý định “huấn luyện xa nhất và thực tế nhất có thể”.

Ông Benjamin Blandin, người điều phối của Hội đồng Yokosuka nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương, nhận định: “Kể từ sau thông báo về Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Pháp vào năm 2019, sự hiện diện quân sự của Pháp trong khu vực đã thực sự gia tăng và đa dạng hoá. Lần triển khai này có ý nghĩa lớn vì nó đánh dấu một sự mở rộng quan trọng sự hiện diện của Pháp ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Đáng chú ý, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, cuối tháng 10 vừa qua một tàu của hải quân Pháp đã đi qua Eo biển Đài Loan từ phía nam lên phía bắc. Tàu khu trục hạng Floreal là Prairial (F731) của Hải quân Pháp đã đi qua phần phía tây của đường ranh giới gần với Trung Quốc, không giống như các tàu của Mỹ và Canada thường chỉ đi qua phần phía đông của đường ranh giới gần với Đài Loan. Bắc Kinh không đưa ra phản đối ngay lập tức với chuyến đi này nhưng tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc có bài viết lên án việc triển khai nhóm tàu sân bay Charle d Gaulle đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Sau qua đi qua Eo biển Đài Loan, tàu khu trục Prairial của Pháp đã thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn để giám sát và can thiệp vào các nỗ lực của Triều Tiên trong việc thực hiện các chuyến vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp trên biển. Ngày 5/11 ghé thăm cảng Maizuru thuộc tỉnh Kyoto của Nhật Bản. Chuyến thăm cho Nhật Bản thấy rằng Pháp đang tham gia vào khu vực này và đây cũng là một thông điệp gửi đến Mỹ với sự trở lại của Trump. Ông chuyên gia về các vấn đề quân sự và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka nói: “Các cường quốc châu Âu đang chỉ ra rằng họ không chỉ can dự vào Ukraine mà còn cam kết bảo vệ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và bảo vệ nguyên trạng khu vực”.

Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời các nhà phân tích nói rằng việc triển khai này là “một nỗ lực của NATO nhằm mở rộng vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, phá hoại hoà bình và ổn định khu vực”. Ông Zhang Junshe (Trương Quân Xã), một chuyên gia quân sự của Trung Quốc nói với Hoàn Cầu Thời Báo rằng dù Pháp là nước duy nhất ngoài Mỹ có tàu sân bay chạy bằng hạt nhân, sức mạnh của Pháp trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Zhang Junshe cảnh báo rằng “không có quốc gia hay người dân nào ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương muốn các lực lượng từ bên ngài vào xây dựng sự hiện diện quân sự trong khu vực để gieo bất đồng và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Pháp đã có một lịch sử can thiệp lâu dài vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có hơn 60 năm đô hộ Việt Nam và thay mặt nhà nước phong kiến Việt Nam quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Sau một giai đoạn khá yên lặng, dường như nước này đang thực hiện một sự quay lại chiến lược. Pháp có nhiều thoả thuận về vũ khí ở châu Á – Thái Bình Dương, với Indonesia và Singapore, và gần đây nhất là dự án trợ giúp trị giá 438 triệu đô la nhằm cung cấp 40 tàu tuần duyên và trợ giúp hậu cần cho Tuần duyên Philippines. Ông Benjamin Blandin nhận định: “Philippines có thể coi đây là bước quan trọng trong sự hiện diện chiến lược của Pháp ở khu vực”.

Pháp và Philippines đã đồng ý sẽ tăng cường hợp tác vào tháng 12/2023, và vị trí tham tán quân sự của Pháp đã được thiết lập ở Philippines vào tháng 5 năm nay. Tàu khu trục Vendémiaire đã tham gia cuộc tập trận Balikatan (Vai Kề Vai) vào tháng 4 và khu trục hạm Bretagne đã ghé cảng ở Manila từ ngày 31/5 đến ngày 4/6 vừa qua. Tàu khu trục Prairial trước khi đi qua Eo biển Đài Loan cũng đã thực hiện một chuyến thăm thiện chí đến Cebu (Philippines) từ ngày 22 đến 25/10. Quân đội Pháp đang trong quá trình đàm phán về một thoả thuận cho các chuyến thăm tới Philippines, hy vọng sẽ hoàn tất vào quý đầu năm 2025. Ông Benjamin Blandin nhận định: “Paris muốn đặt tên của mình trở lại vào bản đồ khu vực”.

Chuyên gia Garren Mulloy nhận định động thái mới này của Pháp thể hiện cam kết của Pháp đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và là thông điệp quan trọng gửi đến các đối tác. Ông Mulloy nói với chuyên mục “châu Á tuần này” của báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” rằng: “Thông điệp đằng sau đợt triển khai mới nhất này của Pháp không chỉ nhằm vào một quốc gia, mặc dù ưu tiên có thể là Trung Quốc, mà còn cả các quốc gia khác nữa”.

Ông Mulloy nhận định ngoài việc cải thiện khả năng tương tác và tăng cường năng lực với các quốc gia đồng minh, đợt triển khai này được thiết kế “để gửi nhiều lớp thông điệp” đến các đối tác và đối thủ. Ông Garren Mulloy nói: “Khuôn mẫu triển khai của các quốc gia châu Âu đã thay đổi trong khoảng 5 năm trở lại đây và những chuyến thăm Nhật Bản diễn ra thi thoảng trước đây đã trở thành những chuyến thăm khá thường xuyên hiện nay, ngày càng tăng về quy mô và phạm vi tương tác với lực lượng Nhật Bản”. 

Giáo sư Mulloy lưu ý rằng hạm đội Pháp có thể tham gia các cuộc tập trận với quân đội các nước đang vướng vào tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền các đảo ở Biển Đông. Một số thành phần hạm đội cũng có thể đi qua Eo biển Đài Loan để củng cố sự ủng hộ của quốc tế đối với quyền tự do hàng hải. Ngoài ra, ông Mulloy tin rằng các tàu chiến của Pháp sẽ tham gia vào các hoạt động gần Bán đảo Triều Tiên liên quan đến lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên vì phát triển hạt nhân và tên lửa.  Tóm lại, việc Hải quân Pháp triển khai nhóm tàu sân bay tới khu vực không chỉ là dấu môc quan trọng triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh Biển Đông. Động thái này của Paris rõ ràng là nhằm vào những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực. Giới phân tích nhận định trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực còn nhiều yếu tố chưa được xác định khi Donal Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 2 thì việc nhóm tàu sân bay của Hải quân Pháp đến châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng cổ vũ chính quyền của tân Tổng thống Donal Trump cùng các nước châu Âu khác tiếp tuc đóng góp vào việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông và trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới