Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChiến lược cuối cùng của ông Biden

Chiến lược cuối cùng của ông Biden

Trong những ngày cuối cùng tại Nhà Trắng, ông Joe Biden đang cố gắng làm nốt phận sự của người đứng đầu, đó là việc đưa ra các chiến lược mới, cũng là chiến lược cuối cùng nhằm giải quyết các mối quan hệ ngày càng sâu sắc và nguy hiểm.

Cụ thể, Tổng thống Joe Biden thúc đẩy các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, đưa ra các chiến lược mới trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Hôm 11/12, Hãng AP cho hay, Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã thông qua một Bản ghi nhớ an ninh quốc gia bí mật mới.

Tin rò rỉ tiết lộ, Chiến lược bí mật này đã được chuẩn bị từ mùa hè. Nó được thiết kế để giúp chính quyền của ông Donald Trump phát triển cách tiếp cận ngay từ đầu, nhằm ứng phó với sự xấu đi trong mối quan hệ của Mỹ với các đối thủ chính, bao gồm Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và Nga.

Bản tài liệu mật đưa ra 4 khuyến nghị chính: Một, tăng cường hợp tác liên ngành trong chính phủ Mỹ; hai, đẩy nhanh việc chia sẻ thông tin với các đồng minh về 4 đối thủ chính; ba, điều chỉnh việc áp dụng các biện pháp trừng phạt; bốn, các công cụ kinh tế để có tác động tối ưu và tăng cường sự chuẩn bị để giải quyết các cuộc khủng hoảng liên quan đến các đối thủ.

Ông Biden nhận định, Moscow đã tìm mọi cách để “câu nhử” 4 nước đồng minh. Để đổi lấy sự giúp đỡ của Iran cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, Moscow đã không ngần ngại cung cấp cho Iran máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ phi đạn và công nghệ vũ trụ. Không dừng ở đó, Moscow còn cung cấp nhiên liệu, tiền bạc và công nghệ cho Triều Tiên và công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân trên thực tế.

Đối với ông bạn lớn, Nga tổ chức tuần tra chung với Trung Quốc ở Bắc Cực. Khi Nga đã thâu tóm được Trung Quốc, Iran và Triều Tiên, họ đồng loạt phản đối Mỹ can dự vào công việc nội bộ của các nước khác, cáo buộc Washington có hành vi sen đầm, gây bất ổn an ninh khu vực.

Đáng lưu ý, Bản ghi nhớ của Tổng thống Biden chỉ thị cho nhiều nhánh khác nhau của chính phủ Mỹ tiến hành tái cơ cấu các nhóm hiện được tổ chức theo khu vực. Làm như vậy là nhằm tập trung tốt hơn vào các vấn đề liên kết 4 quốc gia trải dài khắp Châu Âu và Châu Á.

Mặc dù ông Biden nói rằng, họ muốn đề ra những sự lựa chọn mới để chính quyền mới của ông Trump và Quốc hội có thể bắt tay vào làm việc nhanh chóng. Nói vậy nhưng Tổng thống mãn nhiệm chưa dám kê cao gối ngủ, vì các chiến lược và đề xuất chính sách trong bản ghi nhớ này có thể được thực hiện, song cũng có thể bị ông Trump bác bỏ hoàn toàn sau khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025.

Những thách thức vẫn còn đó, bao gồm việc đảm bảo rằng mọi lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu áp đặt lên bốn quốc gia đều được áp dụng một cách phối hợp để không có nguy cơ bị các quốc gia đó phản đòn. Đồng thời phải tạo điều kiện cho Mỹ xử lý tốt hơn các cuộc khủng hoảng cùng lúc liên quan đến các nước trong nhóm này (chẳng hạn như việc quân đội Triều Tiên hiện đang phục vụ ở Nga).

Trong một thế giới mà kẻ thù và đối thủ đang học hỏi chính đối phương rất nhanh thì cái Chiến lược bí mật để trừng phạt liên quân Nga-Trung-Triều-Iran không dễ dàng gì. Nhận ra điều này Washington sẽ tận dụng triệt để, khai thác những điểm khúc mắc giữa nhóm nước này, tạm gọi là “chia để trị”. Chẳng hạn việc vừa qua Nga và Iran đã “chết đứng” khi không hỗ trợ được cho đồng minh là ông Bashar al-Assad, cựu Tổng thống Syria vừa bị lật đổ cuối tuần qua.

Bắc Kinh đã “ngửi thấy” cái mùi bất ổn. Tương lai đích thực nào mà họ muốn nhìn thấy phù hợp với giấc mơ bá chủ? Liệu Bắc Kinh có thực sự muốn hợp tác toàn diện với các nước trong nhóm. Hay đó chỉ là mối quan hệ ngoại giao bóng bàn?

Hơn ai hết dù là Đảng Dân chủ hay Cộng hòa nắm quyền, họ đều phải hướng đến mục tiêu vì nước Mỹ. Nước Mỹ chứ không phải ai khác nắm quyền thống trị thế giới.

H Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới