Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNước cờ nào cho Trung Đông sau khi Al-Assad sụp đổ?

Nước cờ nào cho Trung Đông sau khi Al-Assad sụp đổ?

Chỉ trong vòng 12 ngày, chế độ độc tài Al-Assad, tồn tại vững chắc trong suốt hơn nửa thế kỷ, đã sụp đổ nhanh chóng. Kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên, mà là hệ quả của một quá trình xuống dốc bắt đầu từ năm 2011, thời điểm nổ ra cuộc cách mạng “Mùa Xuân Ả Rập”.

Cần khẳng định, chế độ Bachar Al-Assad mặc dù bị suy yếu do các cuộc biểu tình, cũng như do số lượng đáng kể các nhóm Hồi giáo cực đoan hay ôn hòa và kể cả những nhóm vũ trang phi tôn giáo, nhưng vẫn trụ được cho đến nay là nhờ vào sự chống lưng của Nga và Iran.

Về nguyên nhân bên trong, Bachar Al-Assad bị lật đổ cũng vì ông không còn được quân đội hậu thuẫn. Lực lượng trung thành với chế độ kêu gọi sĩ quan không chiến đấu và trong một động thái hiếm có, “Bộ Tổng tham mưu ra thông cáo nói rằng chế độ Bachar Al-Assad đã kết thúc”.

Trên thực tế, đó là một đội quân yếu kém, trang bị tồi, không còn tinh thần chiến đấu. Đã có quá nhiều thiệt hại về người. Có tới 30% số đàn ông của cộng đồng, trong độ tuổi từ 20 đến 45,đã chết trong cuộc chiến này .

Rồi nguồn hậu thuẫn từ Nga và Iran cũng bị suy giảm. Năm 2015, Nga can thiệp vào cuộc nội chiến Syria để bảo vệ đồng minh Bachar Al-Assad, trong bối cảnh chưa có xung đột Ukraina, Iran chưa kiệt sức như hiện nay. dải Gaza cũng chưa có biến cố 7/10/2023. Xung đột Israel – Hamas nổ ra ở Dải Gaza ngày càng trầm trọng, số người chết đã lên đến hơn 41nghìn. Con đường hòa bình vẫn chìm trong bóng tối.

Kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, gần ba năm qua, theo ước tính, Nga đã điều sang Ukraina khoảng từ 75-80% lực lượng mà trước đây họ bố trí ở Syria. Trong tình thế này, Nga đành “nằm ngửa đấm với”, không thể ứng cứu Bachar Al-Assad.

Chế độ Iran chưa bao giờ bị đe dọa cả từ bên trong lẫn bên ngoài như hiện nay.

Chế độ độc tài Damas sụp đổ không phải là sự bất ngờ. Rõ ràng đây là thất bại chiến lược của Nga, bởi vì chính Nga đã hậu thuẫn Iran. Chính Nga hỗ trợ tất cả các nhóm vũ trang ủy nhiệm của Iran trong vùng Cận Đông, châm ngòi cho cuộc tấn công khủng bố 7/10 chống Israel nhằm mở ra một mặt trận thứ hai để đánh lạc mục tiêu liên quan đến Ukraine.

Gậy ông đập lưng ông. Cuối cùng Nga cũng bị liên đới với hiệu ứng như một vụ nổ có công suất lớn, dẫn đến sụp đổ chế độ Damas. Từ đó, Nga có nguy cơ mất hai căn cứ chiến lược tại Syria, cửa ngõ cho Nga mở ra vùng Địa Trung Hải và triển khai sức mạnh quân sự ra châu Phi (căn cứ hải quân Tartous và căn cứ không quân Hmemmim). Khi bị mất hai cánh tay, Nga sẽ mất ảnh hưởng tại vùng Trung Đông.

Mặc dù Nga chóng váng, nhưng đau nhất, thất bại lớn nhất là Iran. Kế đến là Syria cũng như Irac là một trong những mắc xích quan trọng trong “Trục kháng chiến”. Đây là con đường để Teheran vận chuyển vũ khí chi viện cho phe Hezbollah Liban, và gây áp lực lên đối thủ lớn của mình là Israel. Nay Damas sụp đổ đã khiến cho Iran như rắn mất đầu. Iran mất đi một công cụ để gây sức ép với Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời làm suy yếu Irac, một mắt xích quan trọng trong “Trục Kháng chiến” của Iran.

Những mắt xích Irac, Liban, giờ là Syria, vốn dĩ trước đây khá ổn định và tương đối vững mạnh. Nay thì đã bị chặt đứt. Phe Hezbollah Liban hoàn toàn bị cô lập. Rất đáng lo khi sắp tới Irak có thể sẽ là mục tiêu của phe thánh chiến, và cũng là của một liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út. Người Irac đã chuẩn bị. Họ khẳng định, hãy chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh để giữ hòa bình.

Chiến thuật “cắt vòi bạch tuộc” của Israel đã bước đầu thành công, thế nhưng Israel có nguy cơ đối diện với một hiểm họa mới. Đó là, một chính quyền Hồi giáo cực đoan có thể hình thành ngay sát biên giới Israel. Để ngăn chặn một “con dao đâm vào sườn”, Israel đã có những biện pháp phòng ngừa để bảo đảm rằng các lực lượng nổi dậy hay nhiều nhánh vũ trang cực đoan khác không thể tấn công. Quân đội và không quân Israel đã liên tục oanh tạc các trại lính và nhiều vị trí quân sự, đặc biệt là các đơn vị tinh nhuệ của Bachar Al-Assad.

Đục nước béo cò. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, nước này đã đạt được các mục tiêu chiến lược: Tạo ra một vùng đệm quân sự ở phía bắc Syria. Bachar Al-Assad bị hạ bệ sẽ giúp hồi hương hàng triệu người tị nạn Syria trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Đây còn là một thông điệp gởi đến đối thủ cạnh tranh Iran nhằm khẳng định vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình Astana để giải quyết xung đột tại Syria.

Tiến trình hòa bình Astana được khởi động từ năm 2017 theo sáng kiến của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran. Astana được coi như một diễn đàn thảo luận về các nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài ở Syria. Cuộc chiến kéo dài khiến hàng trăm nghìn dân thường thiệt mạng, hàng triệu người dân nước này phải rời bỏ nhà cửa đi tị nạn. Đất nước Syria chìm sâu vào khủng hoảng trước các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và phương Tây.

Sự sụp đổ của chế độ độc tài Al-Assad là một tất yếu như đã phân tích. Vấn đề là ở chỗ đánh giá và tận dụng sự kiện này như thế nào để đem lại hòa bình, để ngăn chặn cảnh đầu rơi máu chảy, đừng để biến thành nơi ngã giá về vũ khí và tính mạng con người.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới