Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho rằng châu Âu cần phải gánh vác vai trò chính trong việc hỗ trợ Ukraine và quản lý lệnh ngừng bắn trong tương lai.
Báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời các quan chức thạo tin ngày 12/12 cho biết, tại cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 7/12 ở Paris, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nói ông “không ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine trong NATO, nhưng muốn thấy một Ukraine mạnh mẽ, được vũ trang tốt”.
Theo ông, châu Âu nên đóng vai trò chính trong việc bảo vệ và hỗ trợ Ukraine. Ông ủng hộ quân đội châu Âu giám sát lệnh ngừng bắn ở Ukraine, song loại trừ khả năng Mỹ triển khai lực lượng tới Ukraine.
Ngoài ra, ông Trump kêu gọi châu Âu làm nhiều hơn để gây áp lực buộc Trung Quốc thúc đẩy Nga chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga – Ukraine trong vòng 24 giờ, song không nêu chi tiết biện pháp giải quyết.
Đội ngũ của ông Trump nói với WSJ rằng, Tổng thống đắc cử hiện thiếu một kế hoạch cụ thể cho Ukraine. Các quyết định quan trọng sẽ được đưa ra sau khi thành lập nhóm an ninh quốc gia và tiến hành đàm phán thêm với các đồng minh, và có thể là với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước đó, theo nhiều nguồn tin, đội ngũ của ông Trump đã thảo luận một số kế hoạch nhằm chấm dứt xung đột Nga – Ukraine. Tuy có những khía cạnh khác nhau, song các kế hoạch này đều đề cập đến khả năng đóng băng xung đột theo chiến tuyến hiện tại, lập một vùng phi quân sự do quân đội châu Âu giám sát lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, nhưng Mỹ sẽ không tham gia sứ mệnh đó.
Hiện không rõ liệu các đồng minh châu Âu có đủ nguồn lực binh sĩ hay sự hỗ trợ chính trị cho một nhiệm vụ như vậy hay không.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte được cho là đã mời các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Italy và Ba Lan gặp gỡ, trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Brussels để thảo luận về việc đảm bảo an ninh cho Kiev.
Xung đột Nga – Ukraine sắp bước sang năm thứ tư và Nga hiện chiếm ưu thế trên chiến trường với tốc độ tiến công nhanh nhất từ trước đến nay.
Giới chức Nga cho biết, nước này sẵn sàng xem xét các đề xuất của ông Trump, song điều đó không có nghĩa là Moscow chấp nhận. Moscow nhấn mạnh, bất cứ đề xuất hòa bình nào đều phải dựa trên các thỏa thuận đạt được tại Istanbul năm 2022 và tình hình thực tế chiến trường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 nêu ra các điều kiện nhằm chấm dứt xung đột với Ukraine, trong đó có yêu cầu Ukraine trung lập, không gia nhập NATO và công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập Nga.
T.P