Sau khi chế độ Assad sụp đổ nhanh chóng tại Syria đã tạo sức ép lớn, buộc Nga phải giành chiến thắng quyết định ở Ukraine, để bù đắp những tổn thất không nhỏ của Moscow tại Tây Á và những nơi khác.
Thất bại của “người khổng lồ chân đất sét”được coi là một thảm họa không chỉ của Syria mà nó làm bộc lộ thế khó của Nga về quân sự cũng như về ảnh hưởng toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Một nhà dân tộc chủ nghĩa cực đoan người Nga, ông Zakhar Prilepin đã gọi Syria là “thảm họa của chúng ta”.
Các chấn động sẽ là hiệu ứng dây chuyền, dẫn chấn động khác thành một hiệu ứng. Trong rủi có may và ngược lại. Cơn địa chấn tại Syria không toàn bất ngờ đối với Moscow và có thể lại là một lực đẩy khiến Nga quyết giành mục tiêu địa chính trị lớn, buộc phải chiến thắng, kết thúc gần ba năm xung đột quân sự với Ukraine, đã tốn kém quá lớn, binh sĩ và người dân Nga đã quá mệt mỏi.
Dường như đối với Tổng thống Nga Putin, việc mất đi đồng minh Trung Đông thân cận này rất có thể chỉ là một bước lùi tạm thời trong hành trình định vị vai trò lớn hơn, đặc biệt là những tham vọng trong cuộc xung đột với Ukraine.
Thắng trong trận quyết chiến chiến lược mở đầu năm 2025 sẽ bảo vệ nhà nước Nga và vị thế toàn cầu của Nga, cũng là sự bù đắp cho những thất bại của Nga ở các “mặt trận khác”. Hơn 1000 ngày qua, Tổng thống Nga Putin đã “đánh cược” cao độ vào vấn đề Ukraine. Phải chăng, ông trùm tình báo Nga có niềm tin vững chắc rằng: Vận mệnh thế giới nói chung và tương lai Syria nói riêng sẽ được quyết định tại vùng Donbass của Ukraine.
Lúc này đã leo lên lưng ngựa chiến chỉ còn cách kéo căng dây cương. Nga sẽ tăng cường đà tiến công ở Ukraine và đặt ra những điều kiện đàm phán sít sao hơn, cũng thể nhượng bộ tạm thời một số điểm.
Tranh thủ gây thanh thế, từ bên kia Đại dương, ngài Tổng thống chờ Donald Trump vội bắn ra các tín hiệu với Nga. Trump đã kêu gọi Tổng thống Putin “mau chóng đạt một thỏa thuận về Ukraine”. Ông viết trên tài khoản mạng X: “Nga đang trong trạng thái suy yếu do Ukraine và nền kinh tế hết sức khó khăn. Tôi biết rõ Putin. Đây là lúc ông ấy phải hành động!”. Hành động thế nào thì chính Trump cũng… chịu.
Còn hành động của ông Putin sẽ là gì? Ông khẳng định, bất cứ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải cho phép Nga duy trì ít nhất những vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm được. Bất cứ thỏa thuận nào cũng phải bảo đảm Ukraine trung lập về mặt quân sự, không bao giờ cho phép nước này đgia nhập NATO. Putin cũng rất “tỉnh” khi lưu ý thuộc cấp: “Chúng ta không được phép nói về một lệnh ngừng bắn trong nửa tiếng đồng hồ hay là trong nửa năm. Điều này là nối giáo cho giặc, tạo điều kiện cho đối phương tái cung cấp đạn dược”. Quả là ông Putin đã nhận được bài học từ các sai lầm của Tổng thống Syria Assad.
Bài học rút ra từ sự sụp đổ chế độ Assad là không nên để các cuộc xung đột bị đóng băng. Phải tấn công liên tục, không lùi một bước, dẫu có thể chấp nhận thất bại tạm thời. Nếu xung đột bị đóng băng, kẻ thù sẽ khai thác ngay thời khắc yếu kém đó. Chính các khu vực bị tranh chấp là nguyên nhân dẫn tới các xung đột bất tận. Và chiến dịch của quân đội Nga nhằm dồn đối thủ của ông al-Assad vào các vùng đất riêng rẽ đã chứng tỏ là vô ích.
Một số nhà quân sự còn kêu gọi quân đội Nga đáp trả tình thế bất lợi ở Syria bằng những hành động cứng rắn hơn nữa ở Ukraine (!). Một nhà sử học Nga dân tộc chủ nghĩa cực đoan, ông Aleksei Pilko viết trên ứng dụng Telegram hôm 8/12 rằng “đã đến lúc thể hiện sự cứng rắn cực đoan, thậm chí cả tàn nhẫn”. Ông kêu gọi thực hiện ám sát các quan chức Ukraine và không kích nhiều hơn nữa vào các trụ sở chính phủ Ukraine và cơ sở năng lượng của nước này.
Lúc này, hơn bao giờ hết, Nga phải buộc Ukraine chấp nhận một thỏa thuận hòa bình, trong đó có nội dung cấm Ukraine trở thành thành viên của NATO; chấp nhận không đòi lại các tỉnh đã bị Nga sáp nhập, đó chỉ là một cố gắng tuyệt vọng.
Về tranh chấp lãnh thổ, gần đây Tổng thống Zelensky đã xuống thang khi ông nói rằng, Ukraine có thể tạm thời chấp nhận mất một số lãnh thổ. Có điều đất nước ông sẽ không bao giờ chấp nhận thay đổi biên giới quốc gia lâu dài.
Hiện tại, Điện Kremlin khẳng định, sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine theo kế hoạch. Rằng, họ “ít khả năng bị phân tán” bởi những sự kiện bên lề không dễ tác động, hoặc không có tác động đến tình hình chiến trường, đến tư tưởng và sức mạnh của quân đội Nga.
Nước Nga không thất bại tại Syria. Nước Nga ý thức rõ mình đang làm gì. Không rõ cái đầu lạnh của ông Putin – được ví là vị tướng ngoài mặt trận- đang nghĩ gì? Liệu ông có thể chọn phương án đặt ra những điều kiện mới về đàm phán hòa bình? Liệu ông có quyết định leo thang các cuộc tập kích bằng tên lửa, như tên lửa đạn đạo tầm xa Oreshnik – một loại tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới của Nga, được thiết kế với khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại?
Bài toán này, ông Donald Trump cũng khó có thể trả lời.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine còn nhiều diễn biến khó lường.
H Đ