Friday, January 24, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐược gì từ cuộc di dân lịch sử khỏi Kinh thành Huế

Được gì từ cuộc di dân lịch sử khỏi Kinh thành Huế

Công cuộc di dân sống trên di tích Kinh thành Huế là một cuộc di dân lịch sử mang lại nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn.

Một góc của Eo bầu, Thượng thành trong quá trình giải tỏa mặt bằng, chỉnh trang không gian di sản.

Trả lại không gian cho di sản

Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế khởi động Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I di tích Kinh thành Huế với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ năm 2019 – 2023, tiến hành di dời dân cư, giải phóng mặt bằng di tích Kinh thành Huế gồm 11 khu vực.

Giai đoạn 2, từ năm 2023 – 2025, di dời dân cư, giải phóng mặt bằng phạm vi 19 khu vực. Tổng cộng có 4.915 hộ dân phải di dời để trả lại mặt bằng, đến nay việc di dời đã gần hoàn tất.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng, với vai trò là hạt nhân, nền tảng để xây dựng Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, việc di dân ra khỏi Kinh thành mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng.

Đầu tiên, giúp Kinh thành Huế nhận lại diện mạo ban đầu sau rất nhiều năm bị xâm lấn một cách nghiêm trọng. Giúp diện mạo của cả hệ thống di tích trong Kinh thành Huế dần lấy lại những giá trị đặc sắc, biểu trưng, góp phần nâng cao chất lượng bộ mặt Đô thị di sản. Từ đó, giúp mọi người càng thêm trân quý và có ý thức gìn giữ, bảo vệ những giá trị văn hóa riêng có của Huế.

Qua đó, sẽ lan tỏa để cho những người dân hiện đang còn sống trong vùng di sản càng thêm có ý thức và sẵn sàng đồng hành cùng cơ quan chức năng, địa phương trong việc gìn giữ, trả lại không gian cho di sản.

Dưới góc độ định hướng quy hoạch, chỉnh trang phát triển Đô thị di sản, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, Kinh thành Huế là di sản nằm giữa lòng TP Huế, mang trên mình nhiều giá trị văn hóa cung đình đặc trưng cho vùng đất Cố đô Huế. Chính vì vậy, di tích đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng quy hoạch, chỉnh trang phát triển Đô thị di sản.

“Với việc di dời dân cư trên Thượng thành đã giúp cho bộ mặt Đô thị di sản được khang trang, sạch đẹp, gọn gàng và từ đó sẽ mở ra tầm nhìn trong quy hoạch phát triển đô thị di sản một cách hoàn chỉnh hơn; định hướng các giải pháp chính xác và hiệu quả hơn”, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nhận định.

Người dân hưởng lợi

Theo góc độ dân sinh, đến nơi tái định cư mới giúp người dân ổn định đời sống sau nhiều năm sống lay lắt trên Thượng thành, vừa nguy hiểm, vừa thiếu thốn điều kiện sinh hoạt và gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ở khu tái định cư Hương Sơ (TP Huế) đã và đang được cải thiện chóng mặt. So với nhà cũ bên trong di tích, khu tái định cư quá hiện đại và thông thoáng; cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ.

Từng sinh sống hàng chục năm ở khu vực Tây thành Thủy quan (cửa đường thủy ra vào Kinh thành), bà Nguyễn Thị Giáp (91 tuổi) cho biết, bà cùng người thân đã từng sống cực khổ, khó khăn ở khu vực di tích, may nhờ có đề án di dân, đã giúp bà có một cuộc sống mới ngoài mong đợi.

“Nhà tôi có 3 bà cháu. Ở đây (khu tái định cư) thì thoải mái hơn, vì ở trong kia (khu vực di tích) tôi ở dưới ao hồ, dưới đó tối tăm, lũ lụt cực khổ lắm. Ra đây có chợ gần, đường sá sạch đẹp, nhà cửa kiên cố ở cũng thuận tiện, an tâm,” bà Giáp nói.

Việc di dân giúp không gian di sản được thông thoáng, phù hợp để triển khai các dịch vụ trải nghiệm văn hóa giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm mới khi tham quan di sản và tăng thu cho ngân sách cũng như tạo thêm sinh kế cho người dân.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới