Tuesday, December 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững kịch bản cho xung đột Nga - Ukraine

Những kịch bản cho xung đột Nga – Ukraine

Các diễn biến gần đây nhất trên chiến trường Ukraine cũng như việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ cho thấy dấu hiệu về những kịch bản có thể xảy ra với cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Sau gần 3 năm giao tranh ác liệt và những cuộc tấn công hàng loạt, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang có dấu hiệu tăng tốc tiến tới giai đoạn cuối.

Chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ của ứng viên Cộng hòa Donald Trump đã đặt ra nhiều nghi vấn cho tương lai của Ukraine. Ông Trump và nhóm của mình nhiều lần công khai chỉ trích viện trợ quân sự và tài chính của Mỹ cho Ukraine.

Về phía các quốc gia châu Âu, họ đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải mở rộng quy mô sản xuất quốc phòng khi ông Trump, người đã công khai nghi ngờ Điều 5 của Hiệp ước NATO, chuẩn bị trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Tuy nhiên, đằng sau những tuyên bố công khai của các nhà lãnh đạo châu Âu về việc chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với an ninh của chính lục địa, những kế hoạch của họ chưa từng chắc chắn về việc đảm bảo tương lai của Ukraine.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến lễ nhậm chức của ông Trump, cả Kiev và Moscow đều đang nỗ lực cải thiện tốt nhất vị thế đàm phán của họ trước những gì có thể diễn ra cả trên chiến trường và trên đấu trường địa chính trị.

Bỏ qua những hy vọng khó khả thi của Ukraine như các chiến dịch phản công lớn hay việc kinh tế Nga đột ngột sụp đổ, hãy nhìn vào những kịch bản thực tế nhất có thể xảy ra.

Hòa bình với tiền tuyến đóng băng và Ukraine được đảm bảo an ninh

Đây là kịch bản tích cực nhất để chấm dứt xung đột dành cho Kiev: đạt được hòa bình cùng những biện pháp bảo vệ vững chắc chống lại sự tấn công trong tương lai, ngay cả khi không thể giữ lại tất cả lãnh thổ của mình vào lúc này.

Trong Kế hoạch Chiến thắng được trình bày trước các nhà lãnh đạo thế giới vào tháng 10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói về lời mời tham gia NATO và việc đặt tên lửa tầm xa ở Ukraine như một biện pháp răn đe.

Gần như chắc chắn, châu Âu sẽ phải dẫn đầu bằng cách tích hợp Ukraine vào cấu trúc an ninh của họ. Vấn đề chính là làm cách nào để Nga đồng ý ngừng chiến với những điều khoản như vậy.

Ngừng bắn với tiền tuyến đóng băng, Ukraine không nhận được sự đảm bảo

Kịch bản này bao gồm việc chấm dứt các hành động thù địch đang diễn ra mà không có những điều khoản răn đe cứng rắn ngăn xung đột lặp lại. Đây là kết quả của một phương Tây bị phân tâm và chia rẽ. Họ chỉ đơn giản là muốn chiến sự chấm dứt mà không mất mát quá nhiều, trong khi đó sức ép từ Nga ngày càng lớn.

Các biến thể của kế hoạch hòa bình này có thể tương đồng với Thỏa thuận Minsk, bao gồm các quan sát viên quốc tế không vũ trang, các quy tắc về vũ khí hạng nặng và rất có thể yêu cầu Ukraine từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO trong ngắn hạn.

Tuy vậy, với lập trường cứng rắn từ cả hai phía, kịch bản này có thể chỉ dừng ở một lệnh ngừng bắn không chắc chắn. Cuối cùng, chiến sự sẽ lại tiếp diễn, Kiev và châu Âu sẽ phải chạy đua để chuẩn bị.

Hòa bình với sự lép vế hoàn toàn của Ukraine

Ukraine đang ở trong tình thế xấu đi nhanh chóng trên chiến trường, họ không có đủ sự hỗ trợ cứng rắn từ Mỹ hoặc châu Âu để có thể đàm phán đóng băng tiền tuyến. Trong một nỗ lực tuyệt vọng để ngăn chặn thất bại hoàn toàn, Kiev có thể yêu cầu hòa giải.

Nắm giữ lợi thế, Moscow có thể đặt ra hầu hết mọi điều khoản mà họ thấy phù hợp để dừng các cuộc tiến công.

Chúng có khả năng bao gồm các giới hạn về quy mô quân sự và vũ khí. Nếu Moscow quyết định đi xa hơn, họ có thể yêu cầu cứng rắn hơn dưới hình thức buộc Ukraine nhượng bộ về lãnh thổ.

Những điều kiện như vậy là hoàn toàn không thể tưởng tượng được đối với Ukraine nhưng có khả năng xuất hiện nếu thực sự không có rào cản nào khác chống lại lực lượng Nga.

Cả Mỹ và châu Âu đều không đưa ra câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi “Tại sao Nga phải dừng lại?”.

Viện trợ không đủ để ngăn chặn Moscow trên chiến trường, và cuộc khủng hoảng nhân lực gây ra những lỗ hổng lớn hơn trong phòng thủ của Ukraine, điều này tiếp tục bị các lực lượng Nga khai thác.

Đội ngũ của ông Trump đưa ra các kế hoạch hòa bình khác nhau với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng Moscow chỉ đơn giản quyết định tiếp tục cuộc chiến. Châu Âu không thể đưa ra phản ứng nằm ngoài giới hạn của thỏa thuận 3 phía Mỹ – Nga – Ukraine.

Kịch bản này có thể xảy ra khi Kiev từ chối yêu cầu hòa giải hoặc cố gắng làm như vậy nhưng bị Moscow từ chối. Theo đó, các mặt trận mới dọc theo biên giới phía bắc có thể được mở ra. Một làn sóng mới gồm hàng triệu người tị nạn hướng về châu Âu. Kiev trở nên bất ổn trên bờ vực thất bại quân sự và kết quả cuối cùng của cuộc chiến sẽ phụ thuộc vào các mục tiêu lãnh thổ của Nga.

Trong khi chờ đợi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, vẫn chưa có bước đột phá lớn nào. Nhìn về phía trước, liệu Ukraine có thể tránh được kịch bản thứ 3 tồi tệ hay không dường như phụ thuộc vào 4 điểm chính.

Đầu tiên là trên chiến trường: liệu Ukraine có thể giữ ổn định tuyến phòng thủ trong những tháng tới và đưa cuộc tấn công của Nga lên đỉnh điểm hay không.

Nếu vậy, tính toán của ông Putin có thể nghiêng về việc chấm dứt cuộc chiến. Nhưng nếu tốc độ của Nga tiếp tục tăng trong việc kiểm soát lãnh thổ, Moscow có thể chọn chống lại áp lực bên ngoài và tăng gấp đôi các mục tiêu tối đa của mình.

Yếu tố thứ hai nằm ở Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Cả hai kịch bản 1 và 2 đều yêu cầu buộc Nga phải nhanh chóng dừng lại, nhưng với một đội ngũ nhiều quan chức và cố vấn có thiện cảm với Nga, trong khi việc áp đặt lên Kiev dễ dàng hơn rất nhiều, ý tưởng rằng ông Trump sẽ cứng rắn đối với người đồng cấp Putin là khả năng khó xảy ra.

Vấn đề thứ ba liên quan đến việc liệu Tổng thống Putin có quan tâm đến việc dừng lại trên chiến trường hay không và cách nhà lãnh đạo Nga đáp ứng các yêu cầu của ông Trump. Đây sẽ là một tính toán về lợi ích tổng thể, toàn cảnh và không chỉ phụ thuộc vào đòn bẩy do ông Trump mang lại mà còn phụ thuộc vào tầm nhìn của ông Putin cho giai đoạn tiếp theo đối đầu với phương Tây.

Cuối cùng, phần lớn kết quả sẽ phụ thuộc vào châu Âu. Ukraine là lợi ích sát sườn của khối EU cũng như khối NATO ở châu Âu, vì vậy người châu Âu cần phải đưa ra những quyết định để tránh những kịch bản tệ nhất dành cho Ukraine cũng như cho chính họ, để hướng tới một hòa bình hoàn toàn cho Ukraine.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới