Là thế mạnh ‘tỷ đô’ của Việt Nam, thế nhưng nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Bởi, lượng lớn nguyên liệu dừa qua sơ chế được bán sang Trung Quốc để chế biến sâu.
Giữa thủ phủ dừa, doanh nghiệp ‘đói’ nguyên liệu chế biến
Tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa”, sáng 13/12, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (gồm cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa).
Hiện dừa Việt Nam trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân.
Theo thống kê, năm 2023, giá trị xuất khẩu toàn ngành dừa đạt 900 triệu USD – kỷ lục lịch sử. Năm nay, kim ngạch xuất dừa được kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD.
Dừa được coi là ngành hàng “tỷ đô” mới trong lĩnh vực nông nghiệp, có nhiều tiềm năng để mở rộng thị trường xuất khẩu. Song, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam, chỉ rõ thực trạng ngành công nghiệp chế biến dừa của nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng.
Các doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, nhà máy tại Bến Tre nhưng lượng cung nguyên liệu của tỉnh không đủ cho tất cả nhà máy hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với công suất chỉ đạt 10-15%.
Đáng chú ý, những năm gần đây, nguyên liệu dừa khô thuế suất 0%, nên nhiều doanh nghiệp đặt cơ sở sơ chế dừa khô rồi đưa sang Trung Quốc chế biến sâu. Do đó, nguồn nguyên liệu dừa khô phục vụ sản xuất của doanh nghiệp Việt đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Để bảo vệ nguyên liệu trong nước và kêu gọi đầu tư chế biến sâu, bà Thanh dẫn chứng, từ 1/1/2025, Indonesia (quốc gia xuất khẩu dừa khô hàng đầu) đã áp dụng thuế xuất khẩu dừa 80%.
Từ thực trạng trên có thể thấy, nếu không sớm có chính sách thuế, tạo hàng rào thuế quan để giữ lại nguồn nguyên liệu dừa cho ngành công nghiệp chế biến trong nước thì ngành dừa của chúng ta chắc chắn sẽ lao dốc, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam cảnh báo.
Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho rằng, trong nước đã có nguồn nguyên liệu chất lượng cao thì các doanh nghiệp phải có chiến lược nâng giá bán sản phẩm ở các thị trường, để lấy phần gia tăng đó quay trở lại hỗ trợ giá mua cho người dân, thay vì tìm cách thu mua nguyên liệu giá rẻ và bán giá rẻ như hiện tại.
“Lợi nhuận cho cây dừa đang nằm ở đâu? Đã đến lúc chúng ta phải cạnh tranh bằng chất lượng, chứ không còn là hạ giá”, ông Hoà nói.
Vi phạm nhiều sẽ bị dừng nhập khẩu
Liên quan đến tình trạng mua bán mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói (CSĐG) trong ngành dừa và nông sản, ông Nguyễn Phong Phú – Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group, nhấn mạnh, đây là một vấn đề nổi cộm cần giải quyết triệt để.
Theo ông Phú, nhiều tổ chức sau khi được cấp MSVT đã bán lại hoặc cho thuê, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm. Thậm chí, một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đăng ký, dẫn đến việc vi phạm kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu mà còn khiến các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc tăng cường kiểm soát hoặc đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Từ đó, gây thiệt hại lớn cho nông dân và doanh nghiệp chân chính. Đồng thời, việc gian lận này đang đe dọa uy tín quốc gia, làm giảm niềm tin của đối tác quốc tế và cản trở việc mở rộng thị trường.
Để khắc phục, ông Phú cho rằng cần xây dựng hệ thống số hóa nhằm quản lý MSVT và CSĐG chặt chẽ từ sản xuất đến xuất khẩu. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi gian lận và tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức cho nông dân và doanh nghiệp về trách nhiệm bảo vệ thương hiệu quốc gia.
Theo ông, chỉ khi các biện pháp giám sát và quản lý được thực hiện đồng bộ, ngành xuất khẩu dừa mới có thể khai thác hiệu quả tiềm năng tại các thị trường lớn như Trung Quốc, đảm bảo vị thế cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai.
Chia sẻ dưới góc độ kỹ thuật, bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết, việc mở cửa cho một loại nông sản sang các nước cần trải qua một thời gian dài đàm phán, ví dụ với quả xoài xuất khẩu đi Mỹ phải mất đến 10 năm.
Thế nên, việc tham gia chuỗi xuất khẩu đòi hỏi doanh nghiệp, nông dân buộc phải tuân thủ các điều kiện của nhà nhập khẩu, thậm chí phải làm tốt hơn.
Vấn đề vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp mã số chỉ là sự khởi đầu, quan trọng hơn cả là duy trì được thương hiệu của cá nhân công ty, vùng trồng và hình ảnh nông sản Việt Nam.
“Trong quá trình tham gia xuất khẩu, nếu doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, phía nhà nhập khẩu có thể tăng cường các rào cản, thậm chí dừng nhập khẩu”, bà Hiền cho hay.
Từ Lễ hội trái cây Việt Nam tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết, nhiều doanh nghiệp nước ngoài có nguồn lực mạnh, sẵn sàng thâm nhập thị trường Việt Nam. Do đó, việc cạnh tranh sẽ càng trở nên gay gắt.
Qua các ý kiến tại diễn đàn, ông Hòa “bất ngờ” khi biết giá dừa tươi bán có thể xuống thấp tới 1.000 đồng/quả. Để tránh lặp lại chuyện “được mùa mất giá” này, ông kêu gọi các bên cùng chung tay, hợp tác để cùng đem lại lợi ích cho người dân và phát triển ngành hàng bền vững.
T.P