Từ nay đến khoảng giữa thế kỷ 21, cuộc cạnh tranh địa chính trị tiếp tục diễn ra gay gắt. Quốc gia nào sẽ thống trị thế giới? Mỹ, Trung Quốc, hay Nga? Để giành ngôi bá chủ cần phải có quyền lực tổng thể về kinh tế, chính trị, quốc phòng, trong đó quyền lực công nghệ giữ vai trò hết sức quan trọng.
Trong những năm qua, Mỹ luôn xác định Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” số 1 trong lĩnh vực AI quân sự. Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành yếu tố quyết định trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về quyền lực công nghệ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược quân sự giữa các cường quốc. Thời nay AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn được xem là “vùng đất trung tâm” của quyền lực công nghệ. Vũ khí tự động được hỗ trợ bởi AI sẽ không chỉ thay đổi cục diện các cuộc chiến tranh trong tương lai mà còn tạo ra những tác động mới đến tình hình an ninh quốc tế.
Mỹ luôn tự nhận là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Washington nhận thức ngày càng sâu sắc tầm quan trọng này và không ngừng điều chỉnh Chiến lược. Chiến lược AI quân sự mới của Mỹ đã có sự thay đổi lớn trong việc định vị vai trò chiến lược của Trung Quốc trong lĩnh vực AI quân sự. Vào năm 2018 khi xây dựng Chiến lược, Bộ Quốc phòng Mỹ xem cả Trung Quốc và Nga là các “đối thủ cạnh tranh” và “đối thủ chính” điển hình trong ứng dụng AI quân sự.
Thế nhưng, trong khi Nga đang sa lầy bởi cuộc chiến với Ukraine và bị phương Tây liên tục tấn công bằng các đòn trừng phạt kinh tế, Trung Quốc đã rảnh tay để nâng cao năng lực tổng hợp, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhận định: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dự định sẽ thống trị toàn cầu về AI vào năm 2030. Vì thế Washington xác định bằng mọi giá phải cạnh tranh để giành chiến thắng”.
Tư duy này được cụ thể hóa hơn trong Chiến lược An ninh quốc gia 2022, xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược trọng yếu nhất”, còn Nga chỉ được coi là “mối đe dọa nghiêm trọng”. Đến Chiến lược Khoa học và Công nghệ Quốc phòng 2023, Mỹ tiếp tục nhấn mạnh: Trung Quốc là đối thủ chiến lược lớn nhất. Nhà Trắng đã bỏ qua Nga và nhìn nhận Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” duy nhất của Mỹ trong lĩnh vực AI quân sự.
Dấn thêm một bước, Washington nhận định, Trung Quốc đã thể hiện rõ ý định sử dụng AI để giành lợi thế quân sự. Đó chính là những thách thức trực tiếp đối với an ninh quốc gia Mỹ, buộc Bộ Quốc phòng nước này phải nhanh chóng phát triển năng lực AI để duy trì và tăng cường khả năng răn đe đối với Trung Quốc, cũng như các đối thủ chiến lược khác.
Từ quan điểm này, các “kiến trúc sư” của Chiến lược AI quân sự mới đã lần đầu tiên xây dựng một cấu trúc nhu cầu về trí tuệ nhân tạo mang tính hệ thống trong các lĩnh vực dữ liệu, phân tích và ứng dụng AI của quân đội Mỹ. Cấu trúc nhu cầu về trí tuệ nhân tạo này được mô tả giống như một “kim tự tháp” với ba tầng có quan hệ gắn bó chặt chẽ. Đáy của kim tự tháp là nền tảng của nhu cầu phát triển trí tuệ nhân tạo quân sự của Mỹ, đáp ứng nhu cầu về “dữ liệu chất lượng cao”.
Tầng kế tiếp của tháp thể hiện nhu cầu về “phân tích và số liệu sâu sắc”. Các phân tích được xây dựng trên nền tảng dữ liệu chất lượng cao sẽ tạo thành cơ sở, hình dung trực quan cần thiết để các nhà lãnh đạo và chuyên gia nhận thức sâu hơn về các lĩnh vực quan trọng, cũng như các biến số then chốt ảnh hưởng đến kết quả trong các lĩnh vực đó.
Cuối cùng, chiến lược đặt nhu cầu về “trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm” ở đỉnh kim tự tháp. Điều này cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ theo đuổi việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo an toàn, trên cơ sở đáp ứng nhu cầu về dữ liệu chất lượng cao và phân tích sâu sắc, để đưa trí tuệ nhân tạo đạt đến trạng thái “đáng tin cậy”. Đỉnh kim tự tháp này còn phản ánh hướng phát triển lâu dài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của quân đội Mỹ.
Bên cạnh đó, sự ổn định của cấu trúc kim tự tháp phân cấp nhu cầu trí tuệ nhân tạo này phụ thuộc vào hàng loạt mục tiêu chiến lược đóng vai trò như “bộ kích hoạt”. Chẳng hạn như mục tiêu cải thiện quản lý dữ liệu cơ bản, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái, tăng cường đào tạo nhân tài…, tất cả cùng góp phần thúc đẩy ứng dụng AI ngày càng sâu rộng trong quân sự.
Khoa học công nghệ-quốc phòng-kinh tế gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Mỹ đang theo đuổi chính sách “đối lập nhị nguyên”, thực hiện tách rời toàn diện với Trung Quốc. Qua đây ép buộc hoặc liên kết các quốc gia khác phải chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ, làm trầm trọng thêm quá trình “chia rẽ” nền kinh tế thế giới.
Xu hướng khu vực hóa, khối hóa, tập đoàn hóa nền kinh tế toàn cầu đang hình thành rõ rệt. Quý vị có thể hình dung bản đồ kinh tế thế giới dường như đang bị “nứt ra” thành nhiều nhóm kinh tế, hoặc các khối kinh tế tách biệt. Chiến tranh là sự tiếp nối của chính trị, và chính trị lại là sự tiếp nối của kinh tế.
Qua sự phân tích này thấy rằng, khi xác định AI quân sự là “vùng đất trung tâm” của quyền lực công nghệ, Mỹ đã ở thế cưỡi lưng hổ. Một quốc gia phát triển khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, vũ khí tiên tiến nhất thế giới vẫn đang choáng váng trước sức vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc. Xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” duy nhất trong lĩnh vực AI quân sự, Mỹ đang tìm cách vô hiệu hóa “quả đấm thép” công nghệ quân sự của nước này bằng sức mạnh tổng hợp của một siêu cường, để tránh rơi vào thảm cảnh “cú đấm dưới thắt lưng”.
H.Đ