Đài Loan đã chính thức tiếp nhận 38 chiếc xe tăng M1A2T Abrams trong số 108 chiếc mà nước này đã đặt mua từ Mỹ. Những chiếc tăng đầu tiên đã đưa tới một trung tâm huấn luyện thiết giáp ở thành phố Tân Trúc vào sáng 16/12 – theo CNA (Channel NewsAsia).
Theo giới quan sát, trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Mỹ – Trung hiện nay, sự kiện này không chỉ thể hiện quyết tâm của Đài Loan trong việc bảo vệ lãnh thổ, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với đồng minh châu Á. Nó cũng cho thấy, những răn đe, cảnh báo của Trung Nam Hải phản đối thỏa thuận mua bán xe tăng tối tân Abrams giữa Mỹ và Đài Loan cách đây 5 năm, chỉ ví như “nước đổ đầu vịt”.
Còn nhớ, năm 2019, khi chính quyền Mỹ khẳng định sẽ bán vũ khí cho Đài Loan, trong đó có xe tăng M1A2T Abrams, Bắc Kinh đã làm om sòm, coi đây là hành động vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc”. Trong cuộc họp báo quốc tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, đã ví đây là một “hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”; yêu cầu Washington hủy bỏ thương vụ này, nếu không muốn nhận từ Bắc Kinh “các biện pháp đáp trả”…
Trung Quốc phản đối dữ dội thương vụ vũ khí trị giá hơn 2 tỷ USD, bởi Đài Loan, theo quan điểm của Bắc Kinh, chỉ là một phần của lãnh thổ Trung Quốc; mọi sự can thiệp từ bên ngoài liên quan Đài Loan đều bị coi là hành động xâm phạm chủ quyền, ví như “lằn ranh đỏ”. Thế nên, Bắc Kinh cho rằng: việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan, nhất là loại vũ khí tối tân không chỉ khuyến khích Đài Bắc ương bướng theo đuổi quan điểm độc lập, mà còn làm tăng nguy cơ xung đột tại Eo biển Đài Loan, một khu vực chiến lược quan trọng…
Trong khi đó, Đài Loan coi việc sở hữu những chiếc xe tăng M1A2T là một yếu tố then chốt trong việc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của mình.
Xe tăng M1A2T được thiết kế để chịu đựng các tác động của chiến tranh hiện đại, với khả năng phòng thủ và tấn công vượt trội. Được ví là “quái vật”, dù nặng nề nhưng di chuyển linh hoạt cùng cơ chế bắn vượt trội giúp nó tác chiến hiệu quả trong nội đô. Mỗi chiếc tăng loại này có giá gần chục triệu USD. Địa hình Đài Loan đặc thù với các khu vực đồi núi và các con sông lớn, trang bị tăng M1A2T là hết sức cần thiết…
Ngoài ra, các chuyên gia quân sự còn phân tích: M1A2T có thể làm gia tăng khả năng phòng thủ của Đài Loan trước các cuộc tấn công từ quân đội Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh có thể triển khai các cuộc tấn công hòn đảo này theo hướng đổ bộ từ biển.
Với Mỹ, không chỉ là một động thái quân sự, việc cung cấp xe tăng M1A2T cho Đài Loan còn là một tín hiệu chính trị mạnh mẽ phản ánh cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Đài Loan và duy trì hiện trạng tại Eo biển Đài Loan. Bên cạnh đó, giới quan sát nhận định: Mỹ quyết tâm giữ Đài Loan bằng mọi giá còn vì Đài Loan tuy nhỏ, nhưng hiện có vị trí cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, nắm tới 80% sản lượng chíp tiên tiến trên thế giới. Với vài trò đó, giữ Đài Loan cũng là một một phần trong chiến lược dài hạn của Washington nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc nói chung về mặt công nghệ. Đồng thời, đây cũng là một cơ hội để Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự và củng cố liên minh với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN, trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ở khu vực này.
Nói cách khác, việc Đài Loan tiếp nhận xe tăng M1A2T không chỉ mang lại sự tự tin về quân sự cho đảo quốc này mà còn phản ánh Mỹ đã, đang và sẽ làm tất cả để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình thông qua việc việc bảo vệ các đồng minh chống lại đe dọa từ Trung Quốc…
Chắc chắn, sự kiện Đài Loan tiếp nhận lô xe tăng M1A2T đầu tiên này sẽ khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn. Không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ lại tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô, vừa để phản ứng, vừa để đe dọa. Chỉ có điều, Mỹ dường như đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những phản ứng của Bắc Kinh.
Chiều ngược lại, giới quan sát cho rằng, Washington cần hiểu Bắc Kinh một cách thực tế hơn. Trung Quốc giờ đây đã khác, thực sự là một siêu cường, cả về kinh tế và quân sự. Một siêu cường thì hẳn chẳng ngán “bố con thằng nào”! Coi đây là một sự khiêu khích nghiêm trọng, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không dễ dàng để Mỹ thực hiện các thương vụ quân sự với Đài Loan mà không có phản ứng tương xứng – như lời ông Cảnh Sảng cách đây 5 năm.
Thậm chí, rất có thể, cách phản ứng lần này của Bắc Kinh còn mạnh hơn nhiều so với những gì giới quan sát từng chứng kiến. Đồ rằng, cũng không lâu nữa đâu.
T.V