Thursday, December 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông - “sân khấu” của những toan tính chiến lược?

Biển Đông – “sân khấu” của những toan tính chiến lược?

Tàu ngầm Nga xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines không đơn thuần là vấn đề hàng hải. Động thái này còn đặt ra những câu hỏi lớn về mức độ phức tạp gia tăng tại khu vực Biển Đông – điểm nóng đối ngoại giữa các cường quốc và khu vực ASEAN.

Hình ảnh chiếc tàu ngầm Ufa của Nga nổi lên ở vùng biển gần Philippines cuối tháng 11/2024

Hành động của Nga, một cường quốc ngoài khu vực, khiến nhiều người cho rằng đây là biểu hiện của chiến lược biểu dương sức mạnh quân sự. Tàu ngầm Ufa thuộc lớp Kilo – loại tàu ngầm tăng cường khả năng tàng hình và tự chủ động cao – đã lựa chọn cách nổi lên mặt nước trong EEZ của Philippines, lý giải do điều kiện thời tiết xấu. Theo quá trình phát triển quân sự toàn cầu, Nga có lệ thuật sử dụng tàu ngầm để duy trì ảnh hưởng ở những khu vực xa trung tâm của họ; và Biển Đông đang trở thành một khu vực quan trọng trong chiến lược này. Dù không vi phạm luật quốc tế, động thái này vẫn khiến một số quốc gia lo ngại xét trên bình diện khu vực.

Nga từng triển khai tàu ngầm tại khu vực Biển Đông như một phần trong các chuyến tuần tra quốc tế hoặc các chuyến di chuyển chiến lược. Đầu năm 2022, một đội tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã có cuộc diễn tập ở Biển Đông trong lúc trên đường đến Ấn Độ Dương. Năm 2021, tàu ngầm lớp Kilo của Nga đã được phát hiện trong khu vực lân cận Biển Đông khi di chuyển từ Thái Bình Dương đến các khu vực khác. Năm 2019, một tàu ngầm Nga khác cũng đã nổi lên mặt nước gần eo biển Malacca trên đường di chuyển về căn cứ hải quân. Những hoạt động này, mặc dù được lý giải bằng lý do kỹ thuật hoặc an toàn, vẫn khiến dư luận quan tâm, thậm chí lo lắng.

Về phía Philippines, giám sát tàu ngầm Nga lần này được coi là thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền hàng hải và tăng cường năng lực giám sát khu vực. Lực lượng hải quân Philippines, mặc dù hạn chế về nguồn lực, đã triển khai các biện pháp giám sát và thông báo sự hiện diện của tàu ngầm Nga tới cộng đồng quốc tế. Điều này không chỉ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về chủ quyền, mà còn là một lời kêu gọi trách nhiệm từ đồng minh: Hoa Kỳ với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, liệu có thể coi hành động của Nga là một yếu tố thách thức đối với lợi ích của họ trong khu vực?

Nhiều nhà quan sát còn cho rằng: rất có thể Trung Quốc, nước vốn có yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông, có thể sử dụng sự hiện diện của tàu ngầm Nga để củng cố lý lẽ quân sự hóa của mình. Trong khi đó, về phía Nga, Moscow cũng cẩn trọng trong việc giữ mối quan hệ cân bằng với Bắc Kinh, tránh để tình hình leo thang hoặc gây bất lợi cho các lợi ích chiến lược dài hạn của mình.

Tại sao Biển Đông lại trở thành điểm nhiều hơn của tàu ngầm Nga? Một phần lý do là Nga đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng toàn cầu thông qua việc phô diễn sức mạnh quân sự tại các khu vực có ý nghĩa chiến lược. Biển Đông không chỉ là tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng mà còn là nơi tập trung nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên và có ý nghĩa địa chính trị đối với các cường quốc lớn. Việc Nga tăng cường hiện diện tại đây có thể được hiểu là một cách để khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gia tăng.

Ngoài ra, sự hiện diện của tàu ngầm Nga tại Biển Đông còn có thể nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo và thử nghiệm khả năng hoạt động trong điều kiện phức tạp. Các vùng biển trong khu vực này có địa hình đa dạng và nhiều thử thách, là nơi lý tưởng để kiểm tra hiệu suất và năng lực của các tàu ngầm hiện đại. Đồng thời, Nga có thể tận dụng cơ hội này để theo dõi các hoạt động của Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, từ đó điều chỉnh chiến lược của mình một cách phù hợp.

Trong bối cảnh này, các quốc gia khu vực như Philippines, Việt Nam, và Malaysia cần tăng cường hợp tác để đối phó với các thách thức an ninh ngày càng phức tạp. Việc thúc đẩy các cơ chế đối thoại đa phương, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus), có thể giúp giảm thiểu nguy cơ xung đột và tăng cường lòng tin giữa các bên. Đồng thời, các nước ASEAN cần khẳng định vai trò trung tâm của mình trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Nhìn tổng thể, vụ việc tàu ngầm Nga tại Biển Đông không chỉ là một sự kiện riêng lẻ. Nó nên được coi là dấu hiệu của sự cạnh tranh quyền lực đang gia tăng trong khu vực. Trong bối cảnh các cường quốc ngày càng đẩy mạnh hiện diện quân sự tại Biển Đông, chẳng còn cách nào khác, các nước nhỏ như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam cần xây dựng chiến lược đối phó linh hoạt, tận dụng sự hỗ trợ quốc tế, đồng thời tăng cường năng lực quốc phòng nội tại để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia một cách hiệu quả. Bởi Biển Đông không chỉ là câu chuyện của những con tàu, mà còn là “sân khấu” của những toan tính chiến lược lớn lao trong thế kỷ 21.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới