Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTân Tổng thống Georgia từ chối gia nhập NATO và EU

Tân Tổng thống Georgia từ chối gia nhập NATO và EU

Ông Mikhail Kavelashvili, 53 tuổi, cựu cầu thủ bóng đá, ứng cử viên của đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền, mới được bầu làm Tổng thống Georgia (Gruzia) đã tuyên bố cự tuyệt NATO và EU.

Tân Tổng thống Georgia Mikhail Kavelashvili.

Không có sự gay cấn trong cuộc bầu cử hôm 14/12, ông Kavelashvili đã nhận được 224 trên tổng số 300 phiếu bầu và sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 29/12 tới đây.

Như vậy, cả Thủ tướng Irakli Kobakhidze và Tổng thống Kavelashvili đều đến từ đảng Giấc mơ (Georgian Dream). Đối với Georgia đang hỗn loạn, tuyên bố này có thể đưa đất nước bước vào một giai đoạn mới, và những người ở tầng lớp ra quyết định sẽ có thể thống nhất lập trường và sớm làm dịu được tình hình hỗn loạn trong nước hiện nay.

Cựu tuyển thủ bóng đá nổi tiếng
Ông Mikhail Kavelashvili, là cựu cầu thủ bóng đá từng thi đấu cho câu lạc bộ Manchester City của Anh (từ 1995-1997), ông cũng là cựu tuyển thủ có 46 lần khoác áo thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia, ghi được 9 bàn.

Trước khi ông Kavelashvili đắc cử, tình hình chính trị ở Georgia rất bất ổn. Đất nước này đã trải qua nhiều cuộc biểu tình và khủng hoảng chính trị chủ yếu xuất phát từ tham nhũng của chính phủ, khủng hoảng kinh tế và sai lầm trong xử lý quan hệ với Nga. Đặc biệt trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử quốc hội, cuộc đấu tranh giữa các thế lực chính trị ngày càng gay gắt, dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội liên miên.

Điều này được cho là có liên quan trực tiếp đến sự can thiệp từ bên ngoài. Các nước phương Tây hy vọng mở rộng ảnh hưởng của họ ở Georgia bằng cách ủng hộ chính quyền đương nhiệm thân phương Tây, nhưng cuối cùng đảng Giấc mơ có quan điểm chống phương Tây dần dần kiểm soát được cục diện.

Không muốn trở thành Ukraine thứ hai
Sự hỗn loạn nổ ra ở Georgia liên quan trực tiếp đến mối quan hệ của nước này với phương Tây. Vì phát biểu của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush rằng Georgia có thể gia nhập NATO, cuộc Chiến tranh 10 ngày đã nổ ra giữa Georgia và Nga (từ 8/8 đến 18/8/2008).

Georgia lúc đó cũng gần giống như Ukraine bây giờ, nhưng không được phương Tây ra tay trợ giúp nên nhanh chóng thất bại. Sau đó, Georgia trở nên thực dụng và dần trở lại đường lối trung lập, đồng thời duy trì khoảng cách cân bằng với Nga và phương Tây.

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, Georgia càng thận trọng hơn và ngày càng tách xa phương Tây. Điều này đã dẫn đến sự can thiệp mới của phương Tây nhằm hỗ trợ những người thân phương Tây nắm quyền kiểm soát Georgia, biến nước này thành một lực lượng tiên phong chống Nga khác.

Tuy nhiên mới đây, hai cuộc bầu cử ở Georgia đã cho thấy họ không sẵn lòng đóng vai trò là đại diện của phương Tây trong khu vực.

Rút được bài học từ quá khứ
Nhìn lại cuộc chiến tranh Nga-Georgia khi trước, người ta có thể thấy cuộc xung đột đó đã tác động sâu sắc đến tình hình hiện nay. Cuộc chiến không chỉ làm thay đổi cục diện địa chính trị giữa hai nước mà còn khiến toàn bộ khu vực Kavkaz trở nên phức tạp hơn.

Mặc dù các nước phương Tây bày tỏ sự ủng hộ đối với Georgia nhưng trong hành động thiết thực họ không cung cấp sự trợ giúp đủ mức. Sự thất vọng này đã khiến một bộ phận dân chúng càng bất mãn với chính phủ, khiến phe đối lập nhận được nhiều sự ủng hộ hơn trong cuộc bầu cử.

Tình hình này cứ lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Đối mặt với Nga, một số chính trị gia Georgia muốn tăng cường an ninh của mình bằng cách gia nhập phe phương Tây. Tuy nhiên, chiến lược dựa vào sức mạnh phương Tây cũng làm gia tăng xung đột nội bộ.

Vì lần trước xảy ra chiến tranh là vì muốn gia nhập NATO nên chỉ cần không gia nhập NATO và giữ khoảng cách với phương Tây thì Georgia sẽ không gặp nguy hiểm.

Đây có thể được coi là một bài học người Georgia rút ra. Không thể nói rằng lần trước chiến tranh với Nga vì muốn gia nhập NATO, rồi xung đột nổ ra ở Ukraine vì họ muốn gia nhập, mà bây giờ vẫn muốn đi ngược chiều gió.

Phương Tây không giúp được Georgia
Phe đối lập cho rằng, việc các nước phương Tây thúc đẩy Georgia gia nhập EU không phải vì những cân nhắc thân thiện mà vì một âm mưu sâu xa hơn. Những mục đích này thường được che giấu dưới lớp vỏ “dân chủ” và “tự do”.

EU hy vọng sẽ mở rộng ảnh hưởng của mình đối với Đông Âu và vùng Kavkaz bằng cách sáp nhập Georgia và đưa nước này vào hệ thống kinh tế của mình. NATO thì mưu đồ tăng cường hợp tác quân sự với Georgia để xây dựng nước này thành đầu cầu chống lại Nga.

Chiến lược này không phải hoàn toàn không phải trả giá đối với Georgia. Một khi Georgia được kết nạp vào EU hoặc NATO, các chính sách quốc gia của nước này chắc chắn sẽ bị phương Tây chi phối và chủ quyền của nước này sẽ bị tổn hại. Điều nghiêm trọng hơn là Georgia có thể trở thành “chiến trường ủy nhiệm” tương tự Ukraine và trở thành nạn nhân của trò chơi giữa các cường quốc.

Rõ ràng, những lời hứa hẹn của phương Tây không phải là thiện ý mà đầy tính toán. Người ta so sánh với Ukraine, nước này đã yêu cầu gia nhập NATO và EU, kết quả là đã mất 10 năm và rơi vào một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn vẫn không có tiến triển vì phương Tây chỉ đang “thả câu”.

Khi Ukraine không muốn tham gia, họ ép tham gia; khi Ukraine thực sự muốn tham gia, họ lại không đồng ý.

Thay đổi trong chính sách đối ngoại
Georgia trong nhiều thập kỷ qua từng được coi là một trong các nước từng thuộc Liên Xô nghiêng về phương Tây nhất. Nhưng sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát vào đầu năm 2022, Đảng Giấc mơ Georgia đã tìm cách cải thiện quan hệ với Nga.

Quan hệ giữa nước này với phương Tây đặc biệt xấu đi trong năm nay, sau khi đảng Giấc mơ cầm quyền thông qua các đạo luật về “đặc vụ nước ngoài” và quyền của cộng đồng LGBT, điều bị những người chỉ trích cho là áp dụng theo mô hình của Nga.

Thủ tướng Kobakhidze cũng đã tạm dừng tiến trình gia nhập EU của Georgia cho đến năm 2028, dù đây là mục tiêu lâu dài đã được nêu trong Hiến pháp đất nước, gây ra phẫn nộ trong một bộ phận dân chúng.

Hàng chục nghìn người đã biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội hàng đêm trong hơn hai tuần. Lực lượng an ninh phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông. Bộ Nội vụ Georgia cho biết khoảng 150 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ với người biểu tình.

Các nước phương Tây bày tỏ lo ngại về thay đổi trong chính sách đối ngoại của Georgia, trong đó EU đe dọa sẽ áp trừng phạt với Georgia do cảnh sát trấn áp người biểu tình.

Phe đối lập thân phương Tây cho rằng đã có sai phạm trong đợt bầu cử hồi tháng 10, họ không đề cử ứng cử viên tổng thống nào cũng như không tham gia bỏ phiếu. Vì vậy đây là lần đầu tiên cả Thủ tướng và Tổng thống đều là người của đảng Giấc mơ. Người ta hy vọng tình hình Georgia sẽ sớm được ổn định.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới