Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết nếu dự án được phê duyệt đúng tiến độ, việc triển khai thi công sẽ rất nhanh.
Xây cầu Tứ Liên trong 2-3 năm
Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch & Tài chính thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội mới đây đã thông tin cho báo chí về việc Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đồng ý với đề xuất đẩy mạnh tiến độ các dự án xây dựng cầu qua sông Hồng, đặc biệt là dự án cầu Tứ Liên, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các cầu cũ.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành việc thẩm định dự án vào tháng 1 năm 2025 để có thể trình lên HĐND TP. Hà Nội phê chuẩn đề án đầu tư.
Cần lưu ý rằng, từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, theo Luật Thủ đô sửa đổi, dự án cầu Tứ Liên sẽ thuộc quyền quyết định của HĐND TP. Hà Nội.
Dự kiến, chủ trương đầu tư cho dự án sẽ được thống nhất trong quý I năm 2025. Kế hoạch thi công và lựa chọn nhà thầu sẽ được hoàn tất trong quý II, và dự án dự kiến sẽ khởi công vào quý III cùng năm.
Ông Thành cũng cho hay nếu dự án diễn ra đúng kế hoạch, với năng lực của các đơn vị, quá trình thi công sẽ chỉ mất từ 2 đến 3 năm dù đây là công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp.
UBND thành phố Hà Nội cũng vừa ban hành quyết định về việc Phê duyệt phương án, vị trí tuyến đường nối từ cầu Tứ Liên đến quốc lộ 3 mới, tỷ lệ 1/500 tại huyện Đông Anh (Hà Nội).
Theo phương án được phê duyệt, vị trí điểm đầu tại nút giao phía Bắc cầu Tứ Liên, điểm cuối tại nút giao với cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (quốc lộ 3 mới) và đường vành đai 3 Bắc sông Hồng.
Chiều dài tuyến đường khoảng 7,9km. Hướng tuyến xác định trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô và các Quy hoạch phân khu đô thị N9, GN, GN(A) được duyệt.
Trước đó, Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã được giao nhiệm vụ phối hợp với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tập đoàn Vingroup để bàn bạc về kế hoạch xây dựng cầu Tứ Liên, bảo đảm tiến độ và hiệu quả, nhằm sớm triển khai dự án.
Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương cũng đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thành lập liên danh nhà thầu để tham gia đấu thầu theo hình thức hợp đồng EPC cho dự án cầu Tứ Liên.
Các cây cầu khác của Hà Nội được xây dựng trong bao lâu?
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
Cầu Vĩnh Tuy 2 khởi công tháng 1/2021, song song với cầu Vĩnh Tuy 1, với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng 2.055 tỉ đồng.
Cầu được thiết kế 53 nhịp, có điểm đầu giao với đường Trần Quang Khải – Nguyễn Khoái – Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên – Thạch Bàn (quận Long Biên). Cầu dài 3,5 km, rộng 19,25 m với 4 làn xe, bao gồm ba làn ôtô và một làn xe hỗn hợp.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, hệ thống chiếu sáng đèn led có hình tên lửa, đầu nhọn chĩa lên không trung. Đây là lần đầu tiên loại đèn này được lắp đặt trên cầu ở Thủ đô để chiếu sáng và tạo hiệu ứng thẩm mỹ cho cầu.
Hoàn thành giai đoạn 2 vào ngày 30/8/2023 sau 2,5 năm thi công, Vĩnh Tuy (bao gồm hai cầu) là cầu có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất Hà Nội bắc qua sông Hồng với 8 làn ôtô. Đây cũng sẽ là cây cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt.
Cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy 1 thường xuyên ùn tắc, tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.
Cầu Nhật Tân
Cầu Nhật Tân có tổng chiều dài là 9,17 km trong đó phần cầu chính là 3,9 km (đoạn cầu vượt sông Hồng là 1,5 km) và phần cầu dẫn dài 5,27 km. Cây cầu này nối huyện Đông Anh bên kia sông với quận Tây Hồ bên này sông. Có điểm đầu từ phường Phú Thượng quận Tây Hồ đến xã Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh.
Cầu Nhật Tân là một trong những dự án trọng điểm quốc gia có mức tổng số vốn đầu tư lên đến 13.626 tỷ đồng. Sau khi khởi công xây dựng vào tháng 3 năm 2009, phải mất gần 6 năm cây cầu mới hoàn thành và đến tháng 1 năm 2015 thì cây cầu này được đưa vào khai thác sử dụng.
Kết cấu của cây cầu thuộc loại hiện đại của thế giới, được thi công bởi các chủ thầu đến từ Nhật Bản. Công trình cũng là biểu tượng của mối quan hệ Việt – Nhật.
Cầu Nhật Tân được xây dựng có nhiều ý nghĩa quan trọng trong lưu thông phát triển kinh tế của Thủ đô. Việc xây cầu Nhật Tân kết nối với tuyến đường Nhật Tân tạo nên tuyến huyết mạch thống nhất giữa sân bay quốc tế Nội Bài và trung tâm Thành phố Hà Nội.
Cầu Thanh Trì
Cầu Thanh Trì được khởi công xây dựng vào ngày 30/1/2002. Sau 5 năm xây dựng, cầu Thanh Trì đã hoàn thiện và được đưa vào sử dụng từ năm 2007.
Theo thiết kế, cầu Thanh Trì có chiều dài 3.084 m, rộng 33,1 m, có 4 làn xe với vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Phần đường dẫn hai đầu cầu dài gần 12.000 m với 5 nút giao thông kết nối khác nhau và có tổng kinh phí 5.700 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản).
Đây là cây cầu lớn nhất trong dự án các cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng. Cầu bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Thanh Trì), điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Gia Lâm).
Đây là một trong những cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài và rộng nhất Việt Nam, đồng thời cũng là công trình cầu được thi công với nhiều ứng dụng công nghệ mới.
Sau 17 năm được đưa vào khai thác, lượng phương tiện giao thông qua lại trên cầu Thanh Trì đã lên hơn 120 nghìn lượt xe mỗi ngày, quá tải gấp hơn 8 lần so với năng lực thiết kế.
T.P