Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLàm gì có tranh chấp mà “gác”?

Làm gì có tranh chấp mà “gác”?

Gần đây, nhất là dịp cuối năm 2024, một số tờ báo nước ngoài không hiểu vô tình hay cố ý đã nhiều lần sử dụng cụm từ “tranh chấp” đối với một số khu vực trên Biển Đông, trong đó có những khu vực mà Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền. Đây là sự “nhầm lẫn” cần phải phê phán và chỉ rõ những cái thuộc về “thuyết âm mưu” đó.

Xin nói ngay về hai quần đảo lớn là Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều thế kỷ nay thuộc về Việt Nam. Ngôn ngữ ngoại giao ngày nay gọi là: hai quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Một số tờ báo ở ngoài nước, một số phóng viên ở hải ngoại quen gọi đây là “vùng tranh chấp”.

Đất của tôi sao tôi lại phải đi tranh chấp với ai? Trung Quốc là kẻ đi xâm lược và tham vọng của họ có bằng chứng rõ nhất là, vào năm 1909 bắt đầu thám sát đảo Hoàng Sa, rụt rè tuyên bố “chủ quyền” đối với đảo Cát Vàng của Việt Nam, khi ấy do triều đại phong kiến nhà Nguyễn cai quản. Đến những năm 1930, Trung quốc lấn dần xuống Trường Sa.

Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được thành lập theo phụ lục của UNCLOS 1982 đã phán quyết trong vụ kiện của Philippines rằng: “Trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn”.

Sự việc đã rõ như ban ngày. Làm gì có “tranh chấp” nào ở đây? Nhân đây xin nhắc lại: Trung Quốc không có chủ quyền gì ở khu vực Biển Đông. Lãnh thổ của Trung Quốc trong tất cả 24 bộ chính sử của Trung Quốc, rồi các thư tịch, bản đồ của Trung Quốc đã thể hiện, biên giới của họ chỉ kéo đến đảo Hải Nam.

Chân lý chỉ có một. Cho dù một số người viết, một số tờ báo có dụng ý xấu cũng không thể đảo ngược tình hình. Trong một cuộc hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông có chủ đề: “Định hướng tư duy, phát huy chuẩn mực”, tổ chức ngày 23/10/2024 tại Quảng Ninh, Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước này là ông Đỗ Hùng Việt đã nói một cách tế nhị để tránh động đến Trung Quốc: “Cạnh tranh giữa các nước lớn ngày nay không chỉ đơn thuần nhằm tranh giành lãnh thổ, vùng biển giành giật tài nguyên, nhằm kiểm soát thương mại, công nghệ và năng lực quân sự mà quan trọng hơn cả là để chi phối quan điểm và tầm nhìn sẽ định hình hệ thống quốc tế trong tương lai. “Định hướng tư duy, phát huy chuẩn mực” thể hiện tính thời sự và cấp thiết trong tình hình hiện nay”.

Mặc dù vậy, do tiềm năng to lớn của Biển Đông, do tham vọng bành trướng mà Trung Quốc và một số thế lực khác đã không từ bỏ âm mưu của mình. Có một số “học giả” đưa ra gợi ý: Việt Nam, Philippines nên chấp nhận “khai thác chung” ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông, vì lý do kinh tế.

Chúng tôi xin nói lại, quan điểm “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” là do ông Đặng Tiểu Bình- nhà lãnh đạo tối cao “kiến trúc sư của Trung Quốc hiện đại” – nêu ra. Ông nói khi bàn đến việc giải quyết tranh chấp với Nhật Bản về Biển Hoa Đông. Thật ra, quan điểm nhất quán, hành động trước sau như một của Trung Quốc không phải là “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, mà là “chủ quyền thuộc ngã”. Nói nôm na, cái này là của tôi, nhưng tôi tạm gác lại sự tranh chấp để cùng anh khai thác. Đừng bao giờ quên cái sự lập lờ của ông Đặng.

Xin hỏi, là bạn bè tốt, cùng chia sẻ tương lai với nhau, tại sao anh không đầu tư làm ăn với đất nước tôi, bằng luật đầu tư nước ngoài, bằng tất cả những quy định của nhà nước sở tại để khai thác, mà lại cứ khăng khăng rằng đây là chủ quyền của anh? Trung Quốc sẽ không bao giờ rút lui yêu sách “đường lưỡi bò”, nhất là tuyên bố “chủ quyền” của họ ở cái gọi là “Tam sa”, rồi “Tứ sa”.

Các nước đang bị sức ép từ Trung Quốc như Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Malaysia… đừng bao giờ quên “Ba điều kiện” Trung Quốc đặt ra ở Biển Đông. Thứ nhất, các bên phải chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông như họ đã tuyên bố; thứ hai, không được cùng nhau khai thác với các nước ngoài khu vực mà không có ý kiến của Trung Quốc; thứ ba, không được tập trận và không được liên minh với bất cứ nước nào ở ngoài khu vực Đông Nam Á.

Thật là những “điều kiện” bắt nước chảy ngược! Vậy nhưng, một số cơ quan truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Anh gần đây đã đưa ra nhiều quan điểm xuyên tạc, bóp méo sự thật. Phải chăng họ có ý đồ cá nhân, với tính cách cá nhân mà mượn danh nghĩa cơ quan truyền thông quốc tế để làm mất uy tín của cơ quan đó? Họ muốn chống phá Việt Nam, nói sai lịch sử Việt Nam, nói điều có lợi cho Trung Quốc. Nếu là cơ quan truyền thông quốc tế sử dụng tiếng Việt, muốn tỏ ra trung thực, khách quan thì khi đưa một dữ kiện, quan điểm, phải mở rộng lĩnh vực đó ra, để cho các nhà khoa học, các học giả phản biện bằng. Thế mới là khách quan, toàn diện, dân chủ. Đã bước vào thời của trí tuệ nhân tạo, xin bỏ ngay trò “cả vú lấp miệng em”.

Không phải như cách đây hàng thế kỷ, thời Việt Nam còn non yếu, còn là thuộc địa của cường quốc phương Tây, Việt Nam ngày nay đã có cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế lớn; có một đội ngũ nghiên cứu trình độ cao. Họ sẵn sàng tranh luận lại với các luận điểm đi ngược lại quyền lợi của Việt Nam. Âm mưu thôn tính Biển Đông của Trung Quốc không đễ dàng như khi vẽ bản đồ 9 hay 10 đoạn.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới