Ngày 17/12, Trung Quốc thông báo đã thử nghiệm thành công động cơ kích nổ xoay “Jindouyun-400”, đánh dấu bước tiến quan trọng của nước này trong nghiên cứu và phát triển máy bay siêu thanh.
Động cơ có tính đột phá công nghệ
Theo các trang tin Trung Quốc ngày 18/12, chuyến bay đầu tiên thành công của động cơ kích nổ xoay “Jindouyun-400” (Cân đẩu vân-400) do doanh nghiệp Hàng không vũ trụ Lăng Không (Lingkong Tianhang) Tứ Xuyên chế tạo đã thể hiện những ưu thế công nghệ mạnh mẽ.
Động cơ máy bay truyền thống như động cơ phản lực, thường dựa vào máy nén và tua-bin để nén và tăng tốc luồng không khí, quá trình này hạn chế tốc độ bay của chúng. Ngược lại, động cơ kích nổ xoay không dựa vào máy nén và tua-bin mà sử dụng sóng kích nổ để trực tiếp tạo ra lực đẩy. Điều này giúp cấu trúc động cơ đơn giản và nhẹ, đồng thời có thể dễ dàng đạt được chuyến bay siêu thanh hoặc thậm chí siêu bội thanh mà không cần gia tăng độ phức tạp của cấu trúc.
Theo dữ liệu liên quan, hiệu suất nhiệt của động cơ kích nổ xoay đạt gần 50%, trong khi hiệu suất nhiệt của động cơ truyền thống chỉ là 27%. Mức tiêu thụ nhiên liệu chỉ bằng 1/3 so với động cơ thông thường nên cực kỳ tiết kiệm. Quan trọng hơn, động cơ này có chế độ làm việc linh hoạt, có thể chuyển đổi giữa chế độ tên lửa thuốc phóng rắn và phản lực ramjet. Điều này có nghĩa là nó không chỉ được sử dụng làm động cơ cho máy bay siêu thanh mà còn đáp ứng nhu cầu động cơ của các khí cụ bay phức tạp siêu bội âm và phi thuyền vũ trụ.
Trong chuyến bay thử nghiệm thành công này, động cơ “Jindouyun-400” chỉ sử dụng mô hình xác minh thu nhỏ, có chiều dài chưa đến 3 m và đường kính chỉ 0,3 m nhưng lực đẩy của nó lại đạt mức đáng kinh ngạc.
Được biết, tốc độ bay trong lần thử nghiệm này đạt Mach 4 (khoảng 5.000 km/h) và độ cao bay vượt quá 20 km. Dữ liệu chuyến bay thử nghiệm cho thấy động cơ không chỉ đạt được các mục tiêu kỹ thuật định trước mà còn tạo ra bước đột phá ở nhiều công nghệ chủ chốt như đánh giá tích hợp hệ thống cung cấp nhiên liệu, hệ thống điện và hệ thống điều khiển. Thành công của cuộc trình diễn công nghệ này mở đường cho việc chế tạo các phương tiện siêu thanh trong tương lai.
Sẽ được ứng dụng cả trong quân sự lẫn dân sự
Với sự thành công của động cơ “Jindouyun-400”, thế giới bên ngoài bắt đầu suy đoán xem công nghệ này sẽ mang lại những thay đổi gì cho phương tiện bay siêu thanh của Trung Quốc.
Điều gây chú ý nhất chắc chắn là động cơ này có thể trở thành sức mạnh cốt lõi của máy bay trinh sát cao không và tốc độ cao SR-71 “Blackbird” phiên bản Trung Quốc.
SR-71 “Blackbird” của Mỹ từng là máy bay trinh sát nhanh nhất và bay cao nhất thế giới. Ý tưởng thiết kế của nó đến nay vẫn ảnh hưởng đến sự phát triển của máy bay trinh sát trên không hiện đại. Mặc dù “Blackbird” đã dừng bay từ lâu nhưng vai trò quan trọng của nó trong Chiến tranh Lạnh cũng như khả năng bay ở độ cao và tốc độ tuyệt vời của nó vẫn gây ấn tượng với các chuyên gia hàng không trên thế giới.
Giờ đây, Trung Quốc đã có động cơ kích nổ xoay “Jindouyun-400”, sẽ là sự hỗ trợ công nghệ mạnh mẽ cho việc phát triển máy bay trinh sát cao không tốc độ cao của nước này.
Điều đáng chú ý là việc nghiên cứu và phát triển động cơ “Jindouyun-400” không chỉ giới hạn ở ứng dụng quân sự.
Theo thông tin được công ty Lingkong Tianxing (Lăng Không Thiên Hàng) Tứ Xuyên đưa ra, động cơ này còn có thể được sử dụng trong lĩnh vực thương mại. Không giống như máy bay siêu thanh truyền thống, máy bay với động cơ “Jindouyun-400” có thể bay hơn 5.000 km với tốc độ Mach 4, đồng nghĩa với việc thời gian bay từ Bắc Kinh đến New York sẽ rút ngắn xuống chỉ còn 3 giờ. Hơn nữa, thiết kế mô-đun và giải pháp sản xuất chi phí thấp của loại máy bay này có tiềm năng thương mại hóa rất lớn và có thể mang lại những thay đổi mang tính cách mạng cho lĩnh vực hàng không dân dụng.
Đối với Trung Quốc, sự thành công của động cơ kích nổ xoay không chỉ mang ý nghĩa đột phá về công nghệ mà nó còn có thể trở thành một phần trong chiến lược quốc gia.
Với sự tiến bộ của công nghệ phòng không, máy bay có người lái đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng. Cùng với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ máy bay không người lái, máy bay trinh sát siêu thanh trong tương lai có thể không phải là máy bay có người lái như SR-71 “Blackbird” mà là máy bay không người lái.
Máy bay trinh sát không người lái siêu thanh sẽ là một trong những lực lượng chủ chốt trong các cuộc chiến tương lai. Về vấn đề này, sự tích lũy công nghệ của Trung Quốc được cho là đã khá sâu. Các máy bay không người lái hiện có như “Wuzhen-8” đã có khả năng bay ở độ cao lớn, máy bay trinh sát siêu thanh trong tương lai sẽ giúp tăng cường thêm khả năng trinh sát trên không toàn cầu của nước này.
Theo NetEasy, một nguồn tin tiết lộ, mẫu SR-72 Mỹ trước đây có ý tưởng nhưng không làm được, tới đây sẽ được Trung Quốc thực hiện với động cơ “Jindouyun-400”.
T.P