Saturday, January 25, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga lên tiếng việc ông Putin thách phương Tây "đấu tay đôi"...

Nga lên tiếng việc ông Putin thách phương Tây “đấu tay đôi” tên lửa

Điện Kremlin cho biết đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc “đấu tay đôi” với phương Tây là phản ứng trước những tuyên bố về lỗ hổng của tên lửa Oreshnik.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

“Đó là câu trả lời cho một câu hỏi. Câu hỏi từ các chuyên gia phương Tây rằng hệ thống vũ khí này có lỗ hổng”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng tin Tass (Nga).

Ông Peskov cho biết, Tổng thống Putin có ý nói rằng tên lửa Oreshnik vượt trội hơn tất cả các loại vũ khí hiện có, nhưng tên lửa này không phải là vũ khí hạt nhân.

“Đây thực sự là một cuộc cách mạng tuyệt đối về công nghệ vũ khí. Đây chính xác là những gì tổng thống đang nói đến”, người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 20/12, Tổng thống Putin đã thách thức phương Tây thử khả năng hệ thống phòng không tối tân của họ trước tên lửa siêu thanh Oreshnik mới của Nga trong một “cuộc đấu tay đôi công nghệ”. Theo nhà lãnh đạo Nga, hệ thống tên lửa này hiện không thể bắn hạ.

“Nếu họ tin Oreshnik có thể bị bắn hạ, hãy đề xuất một thí nghiệm. Chọn mục tiêu ở Kiev, tập trung toàn bộ hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, rồi chúng tôi sẽ bắn một quả Oreshnik. Cùng chờ xem kết quả. Chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc thử nghiệm như vậy, họ có dám không?”, ông Putin nói.

Ông Putin cho biết ông đã đích thân đưa ra quyết định về việc sản xuất tên lửa Oreshnik.

Cuối tháng trước, Nga đã tấn công một tổ hợp công nghiệp quốc phòng ở Ukraine ở Dnipro để trả đũa việc Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ.

Ông Putin cho biết, Oreshnik là tên lửa siêu vượt âm tầm trung với tốc độ gấp 10 lần âm thanh khiến nó không thể bị đánh chặn. Theo ông, nếu sử dụng số lượng lớn, Oreshnik có sức công phá tương đương vũ khí hạt nhân.

Theo nhà lãnh đạo Nga, Oreshnik có khả năng mang nhiều đầu đạn, bao gồm cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa có thể nhắm mục tiêu vào những công trình được bảo vệ tốt, nằm sâu trong lòng đất, giúp nó trở nên hiệu quả trước các mục tiêu kiên cố như boong-ke.

Ông Putin cho biết, phương Tây đã lập 2 vùng phòng không lớn sát biên giới Nga, một ở Romania, một ở Ba Lan, song các hệ thống phòng không này không thể đánh chặn Oreshnik.

Mặc dù không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng Oreshnik vẫn có khả năng gây ra sự hủy diệt lớn mà không cần sử dụng năng lượng hạt nhân.

Việc Nga sử dụng hệ thống tên lửa thử nghiệm này chống lại Ukraine gần như chắc chắn nhằm đưa ra thông điệp chiến lược sau khi Ukraine sử dụng tên lửa của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga.

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matviyenko nhấn mạnh, phương Tây chắc chắn đã nhận được thông điệp từ vụ phóng Oreshnik cùng các tuyên bố của Tổng thống Putin.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới