Trong khuôn khổ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 đã trở thành một dấu mốc đầy ấn tượng.
Nhiều cơ quan truyền thông trong và ngoài nước đã lấy làm sửng sốt trước quy mô và uy tín của triển lãm: 242 doanh nghiệp trong và ngoài nước (trong đó có sự hiện diện của các tập đoàn quốc phòng hàng đầu thế giới), 66 đoàn khách quốc tế tham gia. Và, dù muốn hay không, hầu hết các cơ quan truyền thông đều phải khẳng định triển lãm đánh dấu bước ngoặt trong công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Đại biểu quốc tế, các khách mời cũng đánh giá cao khả năng tổ chức, sự chuyên nghiệp và nội dung triển lãm.
Ngoài việc thu hút trên 260 nghìn lượt người xem, một kết thúc “có hậu” đã được ghi nhận: chỉ trong vài ngày, Việt Nam đã ký kết 16 hợp đồng quốc phòng với tổng giá trị 286,3 triệu USD. Con số này không chỉ là minh chứng cho tiềm lực và uy tín của Việt Nam trong công nghiệp quốc phòng, mà còn là bước nhảy vọt trên bản đồ hợp tác quân sự quốc tế.
So sánh với lần triển lãm đầu tiên năm 2022, giá trị các hợp đồng ký kết năm nay đã tăng trưởng vượt bậc. Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022, tổng giá trị hợp đồng đạt khoảng 200 triệu USD, với số lượng hợp đồng và lĩnh vực hợp tác, có thể nói là kém đa dạng. Lần triển làm này, Việt Nam đã trưng bày 69 loại vũ khí và khí tài tự sản xuất, như súng bộ binh, pháo, radar, tàu tuần tra và thiết bị tác chiến điện tử…
Con số 286,3 triệu USD của năm 2024 thể hiện mức tăng trưởng tới 43% so với năm 2022. Nhưng theo giới quan sát, điều quan trọng hơn, nó phản ánh sức hút ngày càng lớn của các sản phẩm quốc phòng Việt Nam đối với các đối tác quốc tế, đồng thời, chứng tỏ sự kiện này là dấu mốc quan trọng. Trong danh sách các hợp đồng, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng chiếm phần lớn với 11 hợp đồng, tổng giá trị 278,3 triệu USD; Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) ký 5 hợp đồng trị giá 8 triệu USD.
Không chỉ là tiền – đó là nhận định của nhiều chuyên gia chính trị và quân sự quốc tế. Con số 286,3 triệu USD, theo các chuyên gia quân sự, thể hiện niềm tin của các đối tác vào chất lượng, tính năng các khí tài quân sự do Việt Nam sản xuất, nhất là các thiết bị điện tử, radar, tàu tuần tra, vũ khí bộ binh…Nên nhớ rằng, hiện nay, chen chân vào thị trường quốc phòng là điều vô cùng khó. Cạnh tranh được với sản phẩm của các cường quốc có nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, càng là điều khó khăn gấp bội. Chỉ khi thấu hiểu điều đó, mới có thể đánh giá hết được ý nghĩa các hợp đồng vũ khí mà nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, vừa đạt được, và đặt niềm tin vào vào khả năng xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Việt Nam trong tương lai không xa.
Nói cách khác, kết quả ví như lời tuyên bố về khả năng tự cường của Việt Nam về quốc phòng. Việc sản xuất và cung cấp thiết bị quân sự không chỉ góp phần tăng cường năng lực quân sự quốc gia, mà còn đánh dấu sự phát triển đầy tham vọng của quốc gia hình chữ S trong việc xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng độc lập và vững chắc.
Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam được tổ chức năm nay gắn với sự kiện lịch sử đặc biệt: kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Điều đó không chỉ gia tăng tính trang trọng của sự kiện, mà còn nhấn mạnh tinh thần tự lực tự cường của đất nước. Những hợp đồng được ký kết trong dịp này không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, góp phần vào tăng trưởng GDP 7% – thuộc hàng cao nhất khu vực và thế giới, mà còn có ý nghĩa như một cửa ngõ khẳng định vị thế quân sự quốc gia trên trường quốc tế.
Thế nên, không ít nhà quan sát đã nhận định rằng: con số 286,3 triệu USD được ký kết tại Triển lãm vừa qua còn là biểu tượng của niềm tin từ các đối tác quốc tế; khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc phòng toàn cầu. Đây cũng là bước đi đáng khích lệ để thực hiện tư duy “vươn lên” của ngành quốc phòng Việt Nam.
Tổng hợp lại, 286 triệu USD không chỉ là một con số, mà là biểu tượng cho một hành trình mới được mở ra cho ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Thành công này cũng thể hiện ý chí, quyết tâm của Hà Nội trong việc xây dựng một nền quốc phòng mạnh mẽ, độc lập, gắn liền với tầm nhìn phát triển toàn diện đất nước toàn diện cả về kinh tế và an ninh quốc gia.
T.V