Trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine đang diễn ra ác liệt, một tín hiệu mới đã được đưa ra khi tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận rằng Moscow không phản đối việc Slovakia tổ chức các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 26.12 vừa qua, đã công nhận rằng Slovakia có thể là một địa điểm thích hợp để tổ chức đàm phán hòa bình, bởi quốc gia này giữ lập trường trung lập và không bị xem là bên tham gia vào cuộc chiến. Giới quan sát cho rằng, sự lên tiếng của người đứng đầu điện Kremlin có thể coi một tín hiệu tích cực từ phía Nga. Nó cho thấy, Nga sẵn sàng mở ra cơ hội để tìm kiếm một giải pháp hòa bình, ít nhất là trên phương diện ngoại giao.
Đối với một cuộc xung đột như cuộc chiến tại Ukraine, việc các bên, đặc biệt là Nga, thể hiện sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán, đóng vai trò quan trọng. Slovakia, do đó, có thể trở thành một mắt xích trong việc giảm căng thẳng và thúc đẩy đàm phán.
Tuy nhiên, con đường từ quyết định của tổng thống Putin đến việc hiện thực hóa đàm phán tại Slovakia còn nhiều thử thách. Mặc dù Slovakia có mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga, nước này vẫn là một thành viên của EU và NATO, khiến cho vị thế trung lập của Slovakia không phải lúc nào cũng được các bên coi là “vô tư và trong sáng”. Trong khi các nước phương Tây, bao gồm các thành viên EU như Đức và Pháp ra mặt ủng hộ Ukraine, việc Slovakia đứng ra làm trung gian hòa giải sẽ gặp phải không ít sự phản đối từ các quốc gia này.
Mối quan hệ chặt chẽ của Slovakia với Nga, nhất là về mặt dầu thô, có thể khiến Ukraine nghi ngờ về khả năng nước này tác thành cho một giải pháp công bằng cho cuộc xung đột. Slovakia và Hungary cũng là hai nước phản đối phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga…
Dù rằng quốc gia này duy trì một chính sách đối ngoại không liên kết quân sự và tìm kiếm sự hòa bình trong các vấn đề quốc tế, nhưng Slovakia vẫn phải đối mặt với sự nghi ngờ từ các quốc gia khác về khả năng thực sự đảm bảo trung lập trong các cuộc đàm phán. Ukraine, với những mất mát và tổn thất lớn trong suốt thời gian qua, chắc chắn sẽ không dễ dàng chấp nhận một quốc gia có quan hệ gần gũi với Nga đứng ra làm trung gian, bởi họ sợ rằng điều này có thể dẫn đến một thỏa thuận không có lợi cho chính mình.
Về mặt vị thế và năng lực, Slovakia chưa bao giờ được xem là một cường quốc chính trị trên trường quốc tế. Nói cách khác, vai trò của quốc gia này trong các cuộc đàm phán lớn là một điều hoàn toàn mới, chưa từng được thể hiện và kiểm chứng.
Trước khi Slovakia được nhắc đến như một nơi tổ chức hòa đàm, Việt Nam cũng từng được các nhà phân tích quốc tế nhắc tới như một lựa chọn tiềm năng cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Mỹ. Việt Nam, với vị thế là một quốc gia trung lập trong các vấn đề quốc tế và có mối quan hệ với cả hai cường quốc Nga và Mỹ, được xem là một ứng viên sáng giá để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng: Việt Nam “dễ chấp nhận” hơn, bởi có thể tạo ra một không gian không thiên vị, nơi các bên có thể ngồi lại và đàm phán mà không phải lo lắng về sự can thiệp từ các yếu tố bên ngoài. Xét về năng lực, nhiều người còn dẫn ra việc Hà Nội từng được chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên năm 2019.
Sự lựa chọn khả năng Slovakia làm nơi tổ chức hòa đàm là một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với cuộc chiến Ukraine. Trước đây, nhiều quốc gia phương Tây đã thể hiện sự hoài nghi về khả năng của các quốc gia trung lập trong việc đóng vai trò hòa giải. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài và những tổn thất không thể đong đếm được về người và của, khả năng tìm kiếm một giải pháp hòa bình dường như không thể muộn hơn được nữa. Một quốc gia trung lập có thể giúp các bên giảm bớt căng thẳng, tạo ra không gian cho các cuộc đối thoại và tìm kiếm các giải pháp hợp lý cho cuộc xung đột. Slovakia không phải là một cường quốc, nhưng lại có thể là một ngã rẽ quan trọng trong quá trình này.
Dẫu vậy, để Slovakia thực sự đóng vai trò là nơi tổ chức hòa đàm giữa Nga và Ukraine, cần có sự hợp tác mạnh mẽ từ cả hai bên, cùng sự hỗ trợ từ các quốc gia và tổ chức quốc tế khác. Các yếu tố như lòng tin, sự trung lập và khả năng đảm bảo một thỏa thuận công bằng…chắc chắn sẽ là những yếu tố quyết định.
Nếu Slovakia có thể chứng minh được khả năng này, họ sẽ không chỉ giúp giảm bớt căng thẳng mà còn tạo ra một cơ hội quan trọng để đưa cuộc chiến đến hồi kết. Slovakia, với vị thế trung lập và những tín hiệu thể hiện sự tin tưởng từ tổng thống Putin, có thể sẽ trở thành một cầu nối trong quá trình tìm kiếm hòa bình cho Ukraine…
Cuối cùng, dù có thể Slovakia hay Việt Nam là nơi tổ chức hòa đàm, điều quan trọng là cả hai bên Nga – Ukraine phải có sự sẵn lòng và cam kết để tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Những quốc gia trung lập như Slovakia có thể không có sức mạnh quân sự lớn, nhưng được kỳ vọng ở sự công bằng và khả năng giúp các bên xích lại gần nhau. Trong cuộc chiến này, việc đàm phán hòa bình có thể không chỉ là giải pháp duy nhất mà còn là giải pháp quan trọng nhất. Hy vọng rằng Slovakia, như một cầu nối trung lập, sẽ đóng vai trò quan trọng hóa giải cuộc chiến khốc liệt đã kéo dài tới gần 3 năm ở Ukraine.
T.V