Ông Jimmy Carter qua đời ở tuổi 100, để lại một di sản đồ sộ qua những nỗ lực đấu tranh vì hòa bình và quyền con người trên toàn thế giới.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 29-12 (giờ địa phương), cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter qua đời tại nhà riêng ở bang Georgia, hưởng thọ tròn 100 tuổi.
Ông Chip Carter, con trai cựu tổng thống Mỹ, chia sẻ: “Cha tôi là người hùng không chỉ với tôi mà còn với tất cả những ai tin vào hòa bình, quyền con người và tình yêu không ích kỷ. Các anh chị em của tôi và tôi đã cùng thế giới gắn bó với ông ấy qua những niềm tin chung này.
Thế giới là gia đình của chúng tôi nhờ cách ông ấy đưa mọi người đến gần nhau, và chúng tôi cảm ơn các bạn vì đã tôn vinh những ký ức của ông bằng việc tiếp tục duy trì những niềm tin chung này”.
Xuất thân nông dân, nhiệm kỳ tổng thống không ấn tượng
Ông Carter là tổng thống thứ 39 của Mỹ, tại nhiệm từ năm 1977 đến 1981. Ông sinh ngày 1-10-1924 tại bang Georgia trong một gia đình làm nông. Ông từng có thời gian phục vụ trong hải quân Mỹ, trước khi trở về tiếp quản cơ nghiệp gia đình.
Cuộc đời ông Carter thay đổi hoàn toàn sau khi ông rẽ hướng sang chính trị. Năm 1971, ông nhậm chức thống đốc bang Georgia – vị trí đã góp phần đưa ông vào Nhà Trắng.
Một trong những thành tựu tiêu biểu nhất của ông Carter trong vai trò tổng thống Mỹ là việc thúc đẩy ký kết Hiệp ước Trại David năm 1978 giữa Ai Cập và Israel, phần nào giúp ổn định tình hình Trung Đông.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống của ông không được đánh giá là nhiệm kỳ quá thành công. Nền kinh tế Mỹ tiếp tục ảm đạm, trong khi cuộc khủng hoảng con tin ở Đại sứ quán Mỹ tại Iran bắt đầu từ tháng 11-1979 đã gần như phủ bóng năm cuối cùng tại nhiệm của ông.
Những sự kiện không thuận lợi đó khiến ông Carter thất bại toàn tập trước đối thủ Ronald Reagan ngay trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1980.
Tuy nhiên, thất bại này đã đánh dấu sự khởi đầu của một trong những cựu tổng thống Mỹ thành công nhất trong giai đoạn sau khi rời Nhà Trắng.
Đấu tranh không mệt mỏi vì hòa bình, quyền con người
Sau khi rời khỏi chính trường, ông Carter đã dành nhiều thập kỷ tích cực hoạt động trong lĩnh vực quyền con người. Ông được biết đến là nhà hoạt động không mệt mỏi, tiếng nói cho lớp người bị tước đoạt quyền cơ bản và lãnh đạo trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Ngay cả khi về hưu, ông vẫn có những đóng góp cụ thể cho hòa bình thế giới. Năm 1994, ông đã đích thân đến thăm Triều Tiên và góp phần “tháo ngòi” cuộc khủng hoảng hạt nhân đang lớn dần trên bán đảo này.
Ông Carter đã thuyết phục nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng khi đó, ông Kim Nhật Thành, đóng băng chương trình hạt nhân để tái khởi động việc đối thoại với Washington.
Những nỗ lực trên giúp Triều Tiên và Mỹ đạt thỏa thuận mới, trong đó Bình Nhưỡng nhận viện trợ quốc tế và cam kết không tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân hay tái sử dụng nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Năm 2002, nhằm ghi nhận “nỗ lực không mệt mỏi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế, đẩy mạnh dân chủ và quyền con người, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội” của ông Carter, Ủy ban Nobel đã trao tặng giải Nobel Hòa bình cho cựu tổng thống Mỹ.
Những nỗ lực không mệt mỏi trong những tháng ngày rời Nhà Trắng đã buộc giới chính trị nhìn nhận lại và tôn trọng ông Carter bất chấp một nhiệm kỳ không mấy thuận lợi.
Những năm cuối đời, ông Carter đối diện nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm ung thư hắc tố di căn sang gan và não. Tháng 2-2023, ông quyết định chuyển sang chăm sóc giảm nhẹ thay vì tiếp tục các biện pháp can thiệp y tế.
Tháng 11-2023, bà Rosalynn Carter, người bạn đời và là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời cựu tổng thống Mỹ, cũng đã qua đời ở tuổi 96.
Ông Carter qua đời ngày 29-12, trở thành người có thời gian làm cựu tổng thống lâu nhất trong lịch sử Mỹ, đồng thời là người đứng đầu Nhà Trắng đầu tiên chạm mốc 100 tuổi.
T.P