Saturday, January 4, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTổng thống Putin bác bỏ kế hoạch của nhóm ông Trump cho...

Tổng thống Putin bác bỏ kế hoạch của nhóm ông Trump cho Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng đề xuất trì hoãn thời gian Ukraine gia nhập NATO để đối lấy thỏa thuận ngừng bắn là chưa đáp ứng đủ các yêu cầu của Moscow.

Các phương tiện truyền thông Nga cho biết, Moscow đã lên tiếng bác bỏ kế hoạch do nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất nhằm hướng tới chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.

Theo như phương án dự kiến của nhóm ông Trump thì họ sẽ trì hoãn tiến trình gia nhập NATO của Ukraine, đổi lại, Nga sẽ chấp nhận triển khai một lệnh ngừng bắn.

Việc ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua và kèm với đó là những lời chỉ trích các khoản viện trợ của Washington cho Kiev, đồng thời lại tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc chiến trong vòng 24h sau khi lên nắm quyền đã khiến các đồng minh NATO lo ngại về sự nhượng bộ mà ông có khả năng sẽ đòi hỏi Ukraine phải thực hiện.

Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ nội dung chủ chốt trong đề xuất mà nhóm ông Trump nêu ra như ở trên. Điều này khiến giới phân tích lo ngại về khả năng Nga muốn kết thúc cuộc chiến theo những điều khoản của riêng họ.

Vậy đề xuất hòa bình của ông Trump cho Ukraine là gì và tại sao Nga lại phản đối?

Kế hoạch của nhóm ông Trump cho Ukraine

Ông Trump đã rất cẩn trọng khi không tiết lộ nhiều về kế hoạch của mình.

“Tôi không thể cho anh biết những kế hoạch này vì nếu như vậy tôi sẽ không còn sử dụng được chúng. Như vậy là không thành công. Một phần kế hoạch sẽ có yếu tố bất ngờ”, ông Trump chia sẻ trong buổi phỏng vấn với nhà khoa học máy tính và người dẫn chương trình podcast người Mỹ Lex Fridman hồi tháng 9.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đưa ra những cam kết chấm dứt cuộc xung đột trong vòng 24h. Thế nhưng, ngày 12/12 ông lại phát biểu trên tạp chí Time rằng “Trung Đông là vấn đề còn dễ xử lý hơn những gì đang diễn ra với Nga và Ukraine”.

Tuy vậy, thời gian qua, ông Trump và đội ngũ cố vấn của mình đã nêu ra một số ý tưởng cho thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine, bao gồm các nội dung như sau:

Kế hoạch của ông Trump cho một lệnh ngừng bắn ở Ukraine có liên quan tới việc trì hoãn thời gian Kiev gia nhập NATO, cụ thể là lùi lại 20 năm.

Tháng 9, cấp phó của ông Trump là Phó Tổng thống đắc cử JD Vance tiết lộ, đường giới tuyến hiện nay giữa Nga và Ukraine sẽ trở thành khu vực phi quân sự (DMZ), kéo dài gần 1.290km và nhiều khả năng sẽ do châu Âu giám sát.

Theo kế hoạch đề xuất, Ukraine sẽ phải chấp nhận nhượng bộ một số vùng lãnh thổ hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga, gồm các khu vực ở Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.

Ngày 27/11, ông Trump chỉ định tướng về hưu Keith Kellogg làm phái viên đặc biệt cho cuộc chiến Nga – Ukraine. Trước đó vào tháng 4, ông Kellogg từng đặt điều kiện Mỹ sẽ tiếp tục vũ trang cho Ukraine nếu Kiev đồng ý tham gia vào các cuộc thảo luận ngừng bắn.

Ông Kellogg cũng đề nghị NATO bảo lưu khả năng Ukraine gia nhập khối và nới lỏng một số lệnh trừng phạt Nga để đối lấy việc hai bên tham gia vào các thương thuyết hòa bình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói gì?

Trong buổi họp báo cuối năm ngày 26/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ ý tưởng trì hoãn tư cách thành viên NATO với Ukraine, cho rằng, đó là điều kiện chưa thỏa đáng yêu cầu mà Moscow đặt ra.

Nhà lãnh đạo Nga nói rằng ông chưa rõ các thông tin cụ thể trong kế hoạch của ông Trump nhưng Tổng thống Mỹ hiện tại là ông Biden cũng đã từng đưa ra đề nghị tương tự vào năm 2021, đề xuất lùi thời gian kết nạp Ukraine vào NATO chậm lại 10-15 năm.

“Xét về chiều dài lịch sử và khung thời gian, đó chỉ là một khoảnh khắc. Với chúng tôi, điều đó có gì khác biệt đâu? Hôm nay, ngày mai hoặc 10 năm nữa?”, ông Putin chất vấn khi trả lời một câu hỏi của phóng viên.

Đến ngày 29/12, hãng thông tấn TASS trích phát biểu của Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh tới phản bác của ông Putin với một số đề xuất của ông Trump về vấn đề Ukraine.

“Chúng tôi chắc chắn không hài lòng với những đề xuất do các đại diện của nhóm Tổng thống đắc cử Mỹ đưa ra với đề nghị hoãn tư cách thành viên NATO cho Ukraine trong 20 năm và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine có sự tham gia của các lực lượng Anh và châu Âu”, ông Lavrov tuyên bố.

Ngoại trưởng Nga Lavrov còn nói thêm rằng Moscow chưa nhận được “bất cứ tín hiệu chính thức nào” từ Mỹ để giải quyết vấn đề Ukraine, đồng thời khẳng định, từ nay tới khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025 thì chính quyền Tổng thống Biden, dù sắp mãn nhiệm, vẫn là bên chính danh làm việc với Nga.

Ngày 26/12, Tổng thống Putin bày tỏ sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine dưới vai trò trung gian của Slovakia. Trong chuyến công du tới Moscow hôm 22/12, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tỏ ra hoài nghi về sự hỗ trợ quân sự của Liên minh châu Âu dành cho Ukraine.

Mặc dù các thành viên NATO luôn quả quyết con đường Kiev gia nhập liên minh quân sự này là “không thể đảo ngược” nhưng họ vẫn lo ngại công nhận Ukraine khi nước này đang có chiến tranh với Nga.

Hiệp ước NATO có một điều khoản phòng thủ chung, trong đó quy định nếu một thành viên bị tấn công đồng nghĩa với việc các thành viên khác cũng đang bị tấn công. Vì vậy, nếu chấp nhận Ukraine gia nhập NATO có nghĩa rằng, tất cả các thành viên NATO đang chiến tranh với Nga.

Nga bác bỏ thỏa hiệp về tư cách thành viên NATO của Ukraine, dù là sau 20 năm nữa, trong khi đây lại là yêu cầu chủ chốt trong kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelensky. Thế nên, chưa rõ liệu Kiev và Moscow có thể quay trở lại bàn đàm phán như thế nào thời gian tới đây.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới