Dự án “siêu đập thủy điện” trên hạ lưu sông Brahmaputra của Trung Quốc đầy tham vọng, nhưng nó cũng gây tranh cãi nhất trong những năm gần đây, đặc biệt, trong thời điểm nó chính thức được Bắc Kinh phê duyệt.
Dự án xây dựng đập trên sông Brahmaputra (còn gọi là sông Yarlung Zangbo) tại cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc nằm trong kế hoạch xây dựng các công trình thủy điện lớn của Bắc Kinh, với số tiền đầu từ lên tới 30 tỷ USD. Khi hoàn thành, nó tạo ra một hồ chứa nước khổng lồ lưu trữ hàng tỷ mét khối, sản xuất hàng nghìn megawatt điện năng, góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhất là các tỉnh miền Tây và khu vực Tây Tạng…
Giới quan sát cho rằng, ngoài giải quyết vấn đề điện năng, dự án còn là một công cụ để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng chính trị đối với các quốc gia hạ lưu, đặc biệt là Ấn Độ và Bangladesh. Việc Trung Quốc có thể kiểm soát hoặc điều tiết dòng chảy của sông Brahmaputra sẽ đem lại cho họ thế mạnh trong các vấn đề về nước, trong bối cảnh khu vực này đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, với các mùa lũ và hạn hán ngày càng khắc nghiệt…
Quá trình chuẩn bị cho dự án siêu đập thủy điện trên sông Brahmaputra đã diễn ra trong nhiều năm và trải qua nhiều bước quan trọng, từ khâu lập kế hoạch, khảo sát địa chất đến huy động vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng. Vào những năm đầu thập niên 2000, Trung Quốc đã tiến hành các nghiên cứu ban đầu về khả năng xây dựng các đập thủy điện lớn ở khu vực Tây Tạng, đặc biệt là trên sông Brahmaputra, nơi có tiềm năng lớn về năng lượng thủy điện.
Năm 2007, chính phủ Trung Quốc đã chính thức công nhận kế hoạch xây dựng đập thủy điện trên sông Brahmaputra và thành lập một nhóm nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá tính khả thi của dự án. Các cuộc khảo sát địa chất và thủy văn được tiến hành để xác định vị trí, quy mô và các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng đập. Hàng loạt các nghiên cứu về tác động môi trường, sinh thái và các yếu tố liên quan đến việc điều tiết dòng chảy đã được thực hiện.
Dự án này cũng yêu cầu huy động một nguồn lực tài chính lớn từ cả khu vực nhà nước và các nhà đầu tư quốc tế. Các công ty xây dựng, tư vấn kỹ thuật và các chuyên gia trong ngành năng lượng đã được mời tham gia để đảm bảo công trình có thể hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng.
Cuối cùng, vào năm 2015, Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng đập thủy điện này, đồng thời thúc đẩy các biện pháp ngoại giao để giảm thiểu những phản đối từ các quốc gia hạ nguồn như Ấn Độ và Bangladesh. Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ hợp tác với các quốc gia này trong việc chia sẻ thông tin về các thay đổi dòng chảy và điều chỉnh mức nước hồ chứa.
Dù vậy, động thái đó không thể xoa dịu mối lo ngại của các quốc gia hạ lưu.
Đối với Ấn Độ và Bangladesh, việc Trung Quốc xây dựng đập thủy điện trên sông Brahmaputra là một vấn đề nghiêm trọng và gây lo ngại lớn về an ninh nguồn nước. Sông Brahmaputra, với lưu vực rộng lớn và cung cấp nguồn nước cho khoảng 130 triệu người dân, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đời sống của người dân hai quốc gia này, nhất là cho hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt tại các khu vực hạ lưu.
Ấn Độ, với phần lớn lãnh thổ phía nam sông Brahmaputra, lo ngại rằng, đập của Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến dòng chảy của sông, làm giảm lượng nước cung cấp cho các khu vực phía Nam, gây ra thiếu hụt nước và ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc có thể điều chỉnh lưu lượng nước cũng gây ra lo ngại về khả năng gây ra lũ lụt hoặc hạn hán bất ngờ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các cộng đồng dân cư sống dọc theo dòng sông. Bangladesh, quốc gia hạ lưu còn lại của sông Brahmaputra, cũng lo ngại về việc giảm lượng nước và ảnh hưởng tới các hoạt động nông nghiệp, thủy sản và đời sống của hơn 160 triệu người dân.
Ngoài ra, cả Ấn Độ và Bangladesh đều bày tỏ quan ngại về tính minh bạch và hợp tác của Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin về các dự án thủy điện. Việc thiếu một cơ chế hợp tác và thông báo kịp thời có thể làm tăng căng thẳng trong quan hệ giữa các quốc gia khu vực, đe dọa đến hòa bình và an ninh trong khu vực.
Từ dự án này, thời điểm này, dư luận đang liên hệ tới dự án kênh Phù Nam tại Campuchia. Kênh Phù Nam được Phnom Penh cho là nhằm kết nối hệ thống sông Mekong và tuyến đường biển. Vậy mà vì nó, Việt Nam phải lo ngại về những gì có thể xảy ra làm thay đổi dòng chảy, giảm chất lượng nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của sông Mekong.
Tham vọng dường như đã khiến Phnom Penh mờ mắt, hành xử vô trách nhiệm. Bằng chứng là, bất chấp phản đối của Việt Nam và những nghi ngờ của dư luận, Phnom Penh đã vẫn cứ khởi công công trình này…
Trở lại câu chuyện về dự án đập thủy điện trên sông Brahmaputra của Trung Quốc với qui mô còn lớn hơn nhiều kênh Phù Nam – Techo: siêu dự án này, khi hoàn thành, lợi ích có thể chỉ cho Trung Quốc; còn lại, nó có thể làm thay đổi toàn bộ tình hình về nguồn nước và an ninh sinh thái khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Nói cách khác, những lo ngại từ Ấn Độ và Bangladesh là hoàn toàn có cơ sở, và không hề khác với những gì mà giới khoa học quốc tế và dư luận đã cảnh báo.
Câu chuyện kênh đào Phù Nam – Techo còn chưa hết nóng, nay lại tới câu chuyện về “siêu đập” của Trung Quốc trên sông Brahmaputra. Điều có thể thấy là: cho dù đã có những cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin minh bạch; có những quy định về trách nhiệm của các quốc gia liên quan…Tuy nhiên, vẻ như đó chỉ là hình thức; còn về nội dung thì…mạnh ai nấy làm thôi.
T.V