Ứng dụng các công nghệ mới, Trung Quốc xây đường hầm cao tốc dài nhất thế giới chỉ trong 4 năm thay vì 10 năm.
Báo Straits Times ngày 31-12 cho biết Trung Quốc mới đây đã hoàn thành quá trình xây dựng đường hầm cao tốc dài nhất thế giới, xuyên qua các dãy núi quanh năm được bao phủ bởi tuyết ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng nước này.
Theo đó, đường hầm Thiên Sơn Thắng Lợi dài 22,13km sẽ giúp rút ngắn quãng thời gian di chuyển qua dãy núi Thiên Sơn – một trong những dãy núi dài nhất thế giới – từ ba tiếng xuống chỉ còn 20 phút.
Đường hầm này sẽ đặc biệt tăng cường kết nối giữa hai miền bắc và nam Tân Cương, giúp khu vực này – vốn là một phần quan trọng của chiến lược “Vành đai, Con đường” – mở rộng hơn nữa quan hệ với các quốc gia châu Á và châu Âu.
Từ tháng 4-2020, công tác đào hầm bắt đầu được tiến hành. Đội ngũ thi công đã phải đối mặt với rất nhiều trở ngại và liên tục thay đổi cách thức xây dựng để đối phó với các thách thức như độ cao trung bình của công trình hơn 3.000m, điều kiện địa chất phức tạp nơi đây và phải tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ sinh thái cực kỳ nghiêm ngặt.
Theo thông tin từ Công ty đầu tư và phát triển giao thông Tân Cương, đơn vị thi công đường hầm, đội ngũ thi công đã áp dụng mô hình xây dựng gồm ba đường và bốn giếng cho công trình quy mô này.
Hai máy khoan hầm đặc biệt được thiết kế để xây dựng đường hầm giữa và tạo nền tảng làm việc cho các công đoạn đào hầm tiếp theo, công ty cho biết.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng máy khoan hầm để xây dựng một đường hầm giao thông, đánh dấu một bước đột phá công nghệ quan trọng. Việc ứng dụng các công nghệ mới đã giúp rút ngắn thời gian xây dựng đường hầm này từ 10 năm xuống còn hơn bốn năm.
“Tôi cảm thấy rất xúc động khi đường hầm cuối cùng cũng hoàn thành. Cảm giác này giống như khi mình nhìn thấy đứa con của mình chào đời vậy”, ông Yang Dongdong, thành viên của đội ngũ xây dựng đường hầm, chia sẻ.
Ông Cui Jingchuan, chủ tịch Công ty đầu tư và phát triển giao thông Xinjiang thuộc Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc, cho biết tất cả các thiết bị máy móc dùng để đối phó với các thử thách chưa từng có trong quá trình xây dựng đường hầm Thiên Sơn Thắng lợi đều được phát triển trong nước.
“Chúng tôi đã phá vỡ sự độc quyền công nghệ của các quốc gia nước ngoài trong lĩnh vực này, và dẫn đầu quá trình đổi mới sáng tạo”, ông khẳng định.
Đường hầm Thiên Sơn Thắng Lợi là một phần quan trọng, mở đường cho việc khánh thành tuyến cao tốc Urumqi – Yuli dài 319,72km nối từ thủ phủ Urumqi ở miền bắc Tân Cương đến huyện Yuli ở miền nam Tân Cương. Đường hầm này sẽ giúp rút ngắn gấp đôi thời gian di chuyển giữa hai địa điểm trên, từ 7 tiếng chỉ còn hơn 3 tiếng.
Tuyến cao tốc này được dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025.
T.H