Monday, January 6, 2025
Trang chủThâm cung bí sửCon đường dẫn tới cuộc đảo chính năm 1963 ở miền Nam...

Con đường dẫn tới cuộc đảo chính năm 1963 ở miền Nam Việt Nam

Tạp chí Phương Đông trích dịch giới thiệu tới độc giả Chương 42 cuốn sách “The secret history of the CIA” (Lịch sử bí mật của CIA) xuất bản năm 2001 của tác giả Joseph J. Trento. Chương sách này có thể được coi như một bức tranh toàn cảnh về quá trình can thiệp của Mỹ, đặc biệt là của CIA, trong các diễn biến chính trị ở miền Nam Việt Nam từ sau Hiệp định Geneva năm 1954 cho tới khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính và ám sát tháng 11/1963. Trong phần cuối chương, tác giả cũng đưa ra một phương án trả lời cho câu hỏi: Ai là người ra lệnh giết hai anh em Diệm – Nhu, nếu không phải Tổng thống Kennedy hay CIA? (Ngôn từ trong bài viết được giữ nguyên so với bản gốc để bạn đọc tiện nghiên cứu, tham khảo; tiêu đề bài do Tòa soạn đặt).

William R. Corson, Trung tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, sĩ quan tình báo đặc nhiệm của CIA.

Đến năm 1966, CIA đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh. Theo lệnh của Tổng thống Johnson, cơ quan này sẽ chuyển sự tập trung từ Castro và người Cuba sang một dân tộc còn cương quyết hơn: người Việt Nam. Vụ ám sát Tổng thống Kennedy và thậm chí cả việc săn tìm điệp viên Liên Xô cài cắm trong CIA của Trưởng phòng phản gián CIA James J. Angleton cũng bắt đầu trở nên mờ nhạt so với “kẻ thù” mới này ở vùng Viễn Đông.

Thực ra “cuộc phiêu lưu Việt Nam” của Mỹ bắt đầu từ sớm hơn rất nhiều – từ năm 1954, khi Tổng thống Eisenhower quyết định rằng Hoa Kỳ có thể thay thế Pháp trở thành thế lực thực dân ở Việt Nam. Đến khi Kennedy lên cầm quyền thì Lầu Năm góc đã “thúc đẩy tiến tới một cuộc chiến tranh lớn hơn”, theo lời William Corson, người đã từng vài lần công tác tại Việt Nam và Lào.

Corson và Kennedy quen biết nhau khi Kennedy tới thăm vùng Viễn Đông khi còn làm Thượng nghị sĩ còn Corson đang làm việc tại đó theo phân công của Tổng thống Eisenhower. Tháng 4/1962, Nhà Trắng đưa Corson từ Lào về Washington để báo cáo tình hình với Tổng thống Kennedy. Như sau này Corson kể lại, “Kennedy đã mất niềm tin vào CIA. Ông ấy liên tục phải xử lý các cuộc khủng hoảng. Rồi ông ấy bảo tôi báo cáo tóm tắt về những gì CIA đang làm ở Việt Nam. Ông ấy yêu cầu như vậy vì không còn tin tưởng vào những gì được nghe từ quân đội hay từ Langley (nơi đặt trụ sở chính của CIA) nữa. Ông ấy đã phát hiện những lần họ nói dối”.

Vào thời điểm đó, Corson đang ở một vị trí đặc biệt để nói với Tổng thống về những gì đang thực sự diễn ra. Trong các cuộc phỏng vấn sau này, Corson cho biết: “Khi đó chúng tôi đang trong quá trình điều tra một điệp viên Liên Xô cài cắm trong đội ngũ cấp cao của Cơ quan Chỉ đạo các Dự án nghiên cứu Quốc phòng (ARPA). Tôi đã nghe lén khắp nơi trong cơ quan. Và như một “phụ phẩm” của cuộc điều tra, tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng các sĩ quan đồng nghiệp của tôi muốn có một cuộc chiến tranh. Họ đã chọn Việt Nam và đang làm mọi thứ có thể để thuyết phục Kennedy”.

Corson đã kể cho vị Tổng thống trẻ nghe những quan sát của chính mình về Việt Nam trong một bài tóm tắt mà chính Kennedy gọi là “no shit” (thật thế ư?). Corson mở đầu bằng: “Tôi nói với Tổng thống rằng Lucien Conein là người đầu tiên của CIA ở Việt Nam”. Conein, một cựu binh rất “rắn” từng đóng ở cơ sở CIA Berlin, đã đến Việt Nam năm 1954.

Conein sinh ra tại Pháp và lớn lên ở vùng trung tây nước Mỹ. Anh ta tham gia giai đoạn đầu của Thế chiến II cùng Quân đội Pháp. Khi người Đức tràn vào Pháp, anh ta gia nhập OSS (cơ quan tiền thân của CIA) và lập thành tích nổi bật khi nhảy dù vào Đông Dương và dẫn đầu các cuộc đột kích chống Quân đội Hoàng gia Nhật với cái tên “Trung úy Laurent” huyền thoại. Sau chiến tranh, đầu tiên là ở Nuremberg với Ted Shackley và sau đó là ở Cơ sở Berlin, Conein đã cố gắng tổ chức nhiều hoạt động bán quân sự phía sau Bức màn Sắt nhưng không thành công lắm.

Conein đến Việt Nam ngay sau khi người Pháp quyết định rời đi sau thất bại ở Điện Biên Phủ. Hiệp định đình chiến ký kết tại Geneva ngày 21/7/1954 đã chia đôi đất nước Việt Nam tại Vĩ tuyến 17. Phía Nam nằm trong tay vị Hoàng đế thân Pháp Bảo Đại, và phía Bắc thuộc quyền quản lý của chiến binh giải phóng theo chủ nghĩa Cộng sản, Hồ Chí Minh (người từng hợp tác với OSS chống quân Nhật trong Thế chiến II). Việc phân chia này sẽ chỉ là tạm thời: Trong Hiệp định Geneva có một điều khoản về cuộc bầu cử dân chủ cho một đất nước mới, thống nhất trước tháng 7/1956.

Tổng thống Eisenhower đã đưa ra quyết định chính trị là không thay thế Quân đội Pháp bằng một sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ quá sớm sau chiến tranh Triều Tiên, nhưng ông ta rất muốn ngăn chặn Việt Nam đi theo chủ nghĩa Cộng sản. Eisenhower và Giám đốc CIA Allen Dulles biết rằng chuyên gia bán quân sự Edward Landsdale đã ngăn chặn thành công việc phe Cộng sản lên nắm quyền ở Philippines. Họ muốn ông ta lặp lại thành công đó ở Việt Nam.

Rồi Lansdale lại chọn Conein vì không giống nhiều người khác ở CIA, Conein đã thực sự hoạt động chống lại một kẻ thù ở châu Á. Kinh nghiệm của anh ta ở Đông Dương cùng chuyên môn trong chiến tranh phi truyền thống khiến anh ta trở thành ứng viên đương nhiên cho vị trí này. Lansdale và Conein, cùng với khoảng một trăm lính Mỹ, đã lập thành Nhóm Cố vấn Viện trợ Quân sự (MAAG) tại Việt Nam.

Nhiệm vụ của Tướng Lansdale là tạo ra một chính phủ thân Mỹ chống Cộng tại Sài Gòn. Công việc đầu tiên của ông ta là tìm một nhà lãnh đạo mà phía Mỹ chấp nhận được, trước đó không hợp tác với Pháp, và thực sự chống Cộng. Lansdale đã chọn Ngô Đình Diệm, một người theo Công giáo La Mã, và thuyết phục Hoàng đế Bảo Đại bổ nhiệm Diệm làm Thủ tướng. Đổi lại, CIA đã cung cấp cho Bảo Đại một khoản trợ cấp hậu hĩnh để “xoa dịu” cuộc sống tha hương dài vô tận của ông ta ở Riviera, Pháp.

Lansdale hiểu rằng một lãnh đạo “chấp nhận được” với Mỹ có thể sẽ không phải là lựa chọn của người dân Việt Nam trong cuộc bầu cử theo HIệp định Geneva. Cho dù đại đa số người Việt Nam có ủng hộ Chủ nghĩa Cộng sản hay không, thì họ vẫn tôn vinh Hồ Chí Minh là người lãnh đạo cuộc chiến tranh giải phóng chống Pháp. Nếu cuộc bầu cử là giữa Diệm và Hồ Chí Minh, thì Diệm sẽ không có một cơ hội chiến thắng nào. Và vì thế, Chính phủ Mỹ chuẩn bị can dự vào một cuộc bầu cử dân chủ vì họ không thích kết quả sẽ xảy ra.

Một trong những công cụ của CIA trong chiến dịch này là một điều khoản khác của Hiệp định Geneva, điều khoản tái định cư. Đến tháng 5/1955, tất cả người dân Việt Nam đều phải chọn sống ở miền Bắc hay miền Nam. CIA cấp cho người của mình một tờ séc trắng để tái định cư đủ số người theo Công giáo ở miền Nam để tạo nền tảng chính trị cho Diệm. Đây là một cơ chế kỳ lạ nhưng lại hiệu quả. CIA đã chi 100 triệu USD để đưa gần một triệu người Việt Nam từ Bắc vào Nam.

Một trong những nhiệm vụ của Conein là tạo ra cảm giác lo lắng và sợ hãi về cuộc sống có thể xảy ra đối với những người ở lại miền Bắc. Conein phối hợp với các giám mục Công giáo để thuyết phục những người cả tin rằng Đức mẹ Đồng trinh đang đi về phía Nam và tốt hơn hết là họ nên đi theo. Conein cũng dàn dựng việc xuất bản một cuốn lịch vạn niên trong đó các nhà chiêm tinh nổi tiếng của Việt Nam dự báo nhiều loại thảm họa khác nhau dưới sự lãnh đạo của Cộng sản. Một hoạt động tuyên truyền hiệu quả khác của anh ta là phân phát những tờ rơi thể hiện những địa điểm Mỹ có kế hoạch ném bom nguyên tử nếu nội chiến bùng nổ.

Lansdale và Conein đã thuyết phục thành công 600.000 người Công giáo chuyển xuống dưới Vĩ tuyến 17. Đến thời điểm cuộc di dời hoàn tất, 65% người Công giáo ở miền Bắc đã chạy vào Nam. Không may, trong đó có gần 400.000 người Việt Nam từng cộng tác với chính quyền thuộc địa Pháp, bao gồm các viên chức nhà nước và quân nhân. Những người tị nạn này là một vấn đề đối với Diệm và các sĩ quan CIA bởi họ tự coi mình là người Pháp hơn là người Việt. Cũng trong số những người tị nạn là hơn 15.000 người của Việt Minh mà Hà Nội đưa vào định cư ở miền Nam để chờ đến lúc được huy động. Cũng giống như Cơ sở CIA ở Berlin đã không phát hiện được các điệp viên Liên Xô như Igor Orlov, hay CIA Miami không tìm được các điệp viên của Castro trong những người tị nạn Cuba bỏ trốn, CIA đã không phát hiện ra hàng nghìn điệp viên của đối phương ở miền Nam Việt Nam, một sai lầm chết người.

Do việc bầu cử để có một chế độ phi Cộng sản trên cả nước chắc chắn sẽ thất bại, Lansdale và Conein quyết định sử dụng cuộc tái định cư cho một mục đích nữa: cài cắm điệp viên và vũ khí ở lại phía cộng sản để “kích hoạt” nếu nội chiến xảy ra. Những điệp viên này sống bằng tiền Đông Dương giả (đồng piastre) do CIA cung cấp. Lượng tiền giả này cũng góp phần gây bất ổn cho nền kinh tế của miền Bắc.

Conein là sĩ quan đầu mối của CIA phụ trách liên lạc với một linh mục người Philippines được đưa vào Hải Phòng, vờ là để điều hành một căn bếp nấu súp và chuẩn bị khu vực di tản. Trên thực tế, linh mục này phụ trách việc phân phối tiền giả cho các điệp viên cài cắm ở lại. Chính phủ của Hồ Chí Minh đã nhanh chóng phát hiện ra linh mục này, cùng nhiều điệp viên khác. Các hoạt động cài cắm người ở lại tại Việt Nam của CIA cũng chẳng khá hơn gì họ từng làm ở Đức và Triều Tiên.

Sau đó, Lansdale và Conein quay sang công việc biến Ngô Đình Diệm thành một thế lực chính trị hiệu quả. Dù có nhiều sai lầm nhưng Diệm vẫn mạnh, và ở một đất nước căm ghét thực dân Pháp, thì ông ta rất chống Pháp. Tuy nhiên, dù cá nhân Diệm ghét người Pháp nhưng quân đội và đội ngũ viên chức dân sự của ông ta đều do Pháp đào tạo và vẫn chịu ảnh hưởng của Pháp.

Theo hướng dẫn của Conein, Diệm và em trai Ngô Đình Nhu – bộ não chính trị thực sự phía sau chế độ này – bắt đầu lập mưu chống lại các kẻ thù chính trị của họ. Như William Corson sau này nói với Tổng thống Kennedy, “Trong khi Hồ Chí Minh nắm quyền kiểm soát chắc chắn miền Bắc, thì Diệm phải chiến đấu không những với 5 đến 10 nghìn điệp viên cộng sản cài cắm, mà với cả hai nhóm tôn giáo có vũ trang là Hòa Hảo và Cao Đài. Diệm cũng phải đối mặt với lực lượng quân đội và viên chức dân sự do Pháp thống trị, cũng như lực lượng Bình Xuyên – mafia phiên bản Sài Gòn. Trong tất cả các đối thủ thì Bình Xuyên là mối nguy lớn nhất đối với Diệm”.

Trong thập niên 1950, Giám đốc CIA Allen Dulles và anh trai John Foster Dulles, Ngoại trưởng Mỹ, vẫn chưa chắc chắn liệu Diệm có phải là nhà lãnh đạo mà họ muốn hay không. Ngày 27/4/1955, John Foster Dulles quyết định thay thế Diệm theo lời khuyên của Tướng J. Lawton Collins, Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Việt Nam. Collins cho rằng việc Diệm không sẵn sàng thỏa hiệp với các kẻ thù của mình – bao gồm những tên du côn trong lực lượng Bình Xuyên – sẽ làm cho chế độ của ông ta bị diệt vong. Diệm biết được việc Chính phủ Mỹ đang bỏ rơi mình nhờ các điệp viên của chính ông ta tại Washington. Ông ta đã đối chất với Lansdale và Conein – hai người này đã nhận được lệnh nhưng vẫn chưa hành động theo.

Ngay sau ngày Dulles kêu gọi loại bỏ Diệm, 25.000 thành viên của Bình Xuyên bắt đầu nã súng cối vào Dinh Độc Lập. Conein và Lansdale đã chỉ đạo một trận chiến kéo dài 12 giờ đồng hồ và phản công lại nhóm Bình Xuyên, buộc nhóm này phải rút về Chợ Lớn.

Sự cố này đã khiến Tướng Collins không thể lên tiếng được nữa. Đây là sự việc diễn ra nhiều năm trước khi Chính phủ Mỹ lại một lần nữa nghiêm túc cân nhắc việc thay thế Diệm. Washington triệu hồi Lansdale về nước cho nhiệm vụ mới. Lucien Conein ra vào Việt Nam nhiều lần trong thập niên tiếp theo với tư cách cố vấn và là sĩ quan đầu mối của CIA liên lạc với Diệm. Trên thực tế, Conein là nhân vật chính của CIA tại Việt Nam. Mặc dù chưa từng giữ vị trí cao, nhưng anh ta ở Việt Nam lâu hơn cả các trưởng trạm CIA ở Sài Gòn là Anderson (1956), Nick Natsios (1957-1960), và thậm chí cả William Colby (1960-1962).

Hiệp định Geneva quy định cuộc bầu cử thống nhất đất nước muộn nhất là vào năm 1956. Khi thời hạn đến gần, tổng hành dinh CIA lệnh cho Conein phải đảm bảo chắc chắn rằng cuộc bầu cử sẽ không diễn ra. Sau khi nhận được tín hiệu từ Allen Dulles, Conein đã thuyết phục Diệm chỉ đơn giản là từ chối lên lịch cho cuộc bầu cử, và Diệm đã làm đúng như vậy, với tuyên bố rằng thảo luận về việc bầu cử sẽ là vô nghĩa chừng nào miền Bắc cộng sản không cho phép “tự do dân chủ”. Phát ngôn viên của Diệm còn nói thêm rằng ông ta không coi bản thân mình bị ràng buộc bởi Hiệp định Geneva, bởi ông ta không phải là người ký kết. Thay vì cuộc bầu cử thống nhất đất nước với miền Bắc, Diệm tổ chức trưng cầu dân ý ở miền Nam để chọn giữa ông ta và Bảo Đại, và ông ta đã thắng áp đảo. Tháng 10/1955, Diệm tự tuyên bố mình là Tổng thống, và nói rằng cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra trong vòng một năm. Đột nhiên Conein thấy mình trở thành “bà đỡ” của nền Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau này William Corson nói với Tổng thống Kennedy rằng CIA đã dựng lên một Chính phủ. Họ làm thế với hy vọng một cộng đồng Công giáo thiểu số, dưới sự dẫn dắt của Diệm, có thể tạo ra một nền kinh tế đủ mạnh để Chủ nghĩa Cộng sản không thể bén rễ ở miền Nam.

Với sự trợ giúp của Conein, phe của Diệm đã chiến thắng gian lận trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên bầu Quốc hội mới vào năm 1956. Trong vòng ba năm tiếp theo, Ngô Đình Diệm, người tự coi mình là một nhà độc tài tử tế chứ không phải một lãnh đạo dân chủ, tiếp tục từ chối các sáng kiến bầu cử thống nhất đất nước của miền Bắc. Những người Cộng sản bắt đầu nhận ra rằng chiến tranh là cách duy nhất để họ có thể có tiếng nói trong chính quyền miền Nam Việt Nam. Ngày 8/7/1959, cuộc chiến tranh ở Việt Nam lấy đi những mạng sống đầu tiên của người Mỹ – hai thành viên Nhóm Cố vấn Viện trợ Quân sự bị giết ở gần Biên Hòa. William Colby, khi đó là Phó trưởng trạm CIA tại Sài Gòn, báo cáo rằng CIA không nhận được cảnh báo trước. 6 tháng sau đó, vào ngày 26/1/1960, những người Cộng sản tấn công một đồn quân sự gần biên giới Campuchia, và chiến tranh thực sự bắt đầu.

Những nỗ lực của Conein và Lansdale ở Việt Nam là một thảm họa. Conein, dù với tất cả khả năng phát động chiến tranh của mình, lại hiểu quá ít về lịch sử hai nghìn năm của người Việt Nam. Ở một đất nước mà đại đa số người dân theo đạo Phật, anh ta lại giúp tạo ra một chính phủ được Vatican hậu thuẫn và hỗ trợ. Một trong những người vận động hành lang chính cho Diệm và chế độ của ông ta là Hồng Y Francis Spellman ở New York. Diệm có thể còn gọi quốc gia mới của ông ta là “Nước Cộng hòa Công giáo Việt Nam”.

Như tình hình diễn biến sau này, Conein và các đồng nghiệp CIA của anh ta ở Việt Nam (năm 1959 là khoảng 40 người) đã không báo cáo về trụ sở chính ở Langley rằng cộng đồng Công giáo thiểu số, với sự khích lệ của em trai Diệm là Ngô Đình Nhu và vợ ông ta, đã trở thành kẻ đàn áp cộng đồng Phật giáo chiếm đa số ở miền Nam Việt Nam. Hoạt động thực hành tôn giáo của những người theo đạo Phật bị áp đặt những hạn chế ngày càng nghiêm ngặt, và rồi đến mùa xuân năm 1963, chính phủ ra lệnh cấm tổ chức công khai lễ Phật đản, ngày 8/5, một phần bởi đó cũng là dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, một ngày lễ quan trọng của Cộng sản. Tất cả những sự kiện này dần biến Việt Nam thành một điểm nóng của thế giới.

Theo lời William Corson, “Đến năm 1963, Diệm và Việt Nam là vấn đề chính của Tổng thống Kennedy”. Quyết định lật đổ Diệm của anh em Kennedy đã hình thành từ một năm trước ngày 8/5, khi hàng ngàn Phật tử biểu tình phản đối chính quyền Diệm và đã bị quân đội Việt Nam Cộng hòa đàn áp tàn bạo theo lệnh của Ngô Đình Nhu. Một cuộc tấn công bằng lựu đạn đã khiến 9 Phật tử thiệt mạng. Rồi ngày 11/6, một hòa thượng là Thích Quảng Đức, với sự hỗ trợ từ vài trăm nhà sư khác, đã tự thiêu và qua đời trước sự chứng kiến của công chúng và ống kính của các phóng viên Mỹ. Trong vòng vài tháng sau đó, 6 nhà sư khác cũng đã tự thiêu. Khi các cuộc tự thiêu tiếp tục diễn ra, bà Nhu đã được đặt biệt danh “Bà rồng” khi bình luận rằng các nhà sư đang “tự nướng thịt chính mình”.

Mặc dù Diệm đã hứa với Tổng thống Kennedy sẽ để cho giới tăng lữ Phật giáo được yên, nhưng lực lượng đặc nhiệm do CIA đào tạo của Diệm vẫn tiếp tục sự quấy rối và tấn công. Diệm không chịu tách khỏi người em trai và em dâu theo đường lối cứng rắn. Giám đốc CIA John McCone lập luận mạnh mẽ rằng Diệm là lãnh đạo duy nhất có thể tập hợp toàn bộ miền Nam, nhưng Robert Kennedy quyết định rằng ông không thể ủng hộ một chế độ đàn áp như vậy, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ một số cố vấn quân sự, CIA và Giáo hội Công giáo.

CIA và Lầu Năm góc bắt đầu tìm kiếm ai đó hợp tác hơn để thay thế Diệm. Mùa hè năm 1963, Tổng thống Kennedy ủy quyền cho đại sứ mới, Henry Cabot Lodge Jr., lệnh cho Trưởng trạm CIA Sài Gòn John (“Jocko”) Richardson chuẩn bị một cuộc đảo chính.

Cuộc đảo chính được lên phương án để không đổ máu. Diệm và em trai đều sẽ không bị hại. Tổng thống Kennedy yêu cầu di tản hai người này cùng gia đình họ ra khỏi Việt Nam an toàn. Trong trường hợp này, việc giết chết họ không phải là chính sách của Kennedy, nhưng lại là chính sách của những người khác trong Chính phủ Mỹ.

Conein nghĩ rằng anh ta sẽ dàn dựng cuộc đảo chính. Kế hoạch là khi cuộc đảo chính bắt đầu, anh ta sẽ thuyết phục Diệm, Nhu và gia đình họ sang Đài Loan trong một thời gian ngắn. Conein sẽ gọi điện cho Diệm để nói với ông ta những gì đang diễn ra rồi sau đó gặp hai anh em và gia đình họ tại một ngôi nhà an toàn ở Chợ Lớn. Từ đó, anh ta sẽ tiễn họ an toàn ra sân bay để bay tới Đài Loan. Một sự cố xuất hiện khi cuộc đảo chính tạm thời bị cản trở do các điệp vụ của Diệm và Nhu cài cắm trong CIA Sài Gòn biết được về kế hoạch. Họ bắt đầu một cuộc tấn công CIA công khai trên báo chí. Nhưng cuối cùng Conein cũng có được sự hợp tác của Diệm về việc từ chức.

Ngày 1/11/1963, Diệm và Nhu nhận được điện thoại và đi tới điểm hẹn là một nhà thờ ở Chợ Lớn. Sau đó, một loạt sự kiện diễn ra không liên quan gì tới các lệnh của Tổng thống Kennedy hay kế hoạch của Conein. Khi Diệm và Nhu vào trong một chiếc xe quân sự để ra sân bay thì họ đã bị bắn chết. Conein nói rằng khi nghe tin này, anh ta “rất shock về việc giết chết Diệm và em trai; đây chưa từng là một phần trong kế hoạch của CIA”. Sau này Corson nói rằng ông ta chưa bao giờ tin rằng Conein hay Kennedy là người chịu trách nhiệm; Corson nói, khi Kennedy biết tin, ông ấy “giận dữ chưa từng thấy, hoàn toàn run rẩy”.

Ai đã biến một cuộc đảo chính phi bạo lực thành việc giết Diệm, Nhu, và một linh mục Công giáo đi cùng họ? Cho tới nay, chưa có văn bản nào trong lưu trữ của Chính phủ Mỹ gắn việc giết người này với John hay Robert Kennedy. Vậy các công cụ và kỹ năng mà Bill Harvey từng sử dụng cho các chiến dịch ZR/RIFLE và Mongoose chống Cuba đã được đưa sang Việt Nam như thế nào? Kennedy ngay lập tức lệnh cho Corson tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra và ai là người chịu trách nhiệm. Câu trả lời mà ông ta mang về là: “Theo lệnh của Averell Harriman… Các lệnh dẫn tới cái chết của Diệm và em trai bắt nguồn từ Harriman và được thực thi bởi chính trợ lý quân sự của Henry Cabot Lodge”.

Từng làm Đại sứ Mỹ ở Moscow và Thống đốc bang New York, W. Averell Harriman được Tổng thống đắc cử Kennedy bổ nhiệm làm Đại sứ lưu động vào năm 1960 để hành động “với sự tin cậy hoàn toàn của Tổng thống và một sự hiểu biết sâu sát về mọi khía cạnh trong chính sách của nước Mỹ”. Theo Corson, đến năm 1963, Harriman đã “điều hành Việt Nam mà không cần tham vấn Tổng thống hay Bộ trưởng Tư pháp – Robert Kennedy”.

Tổng thống bắt đầu nghi ngờ rằng không phải tất cả các thành viên trong đội an ninh quốc gia đều trung thành. Theo lời Corson, “Kenny O’Donnell (thư ký của Tổng thống Kennedy) tin rằng Cố vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy đã nhận lệnh từ Đại sứ Averell Harriman chứ không phải từ Tổng thống. Ông ấy đặc biệt lo ngại về Michael Forrestal, một nhân viên trẻ tuổi ở Nhà Trắng chuyên xử lý việc liên lạc về vấn đề Việt Nam với Harriman”.

Một việc quan trọng là Trưởng trạm CIA Sài Gòn Jocko Richardson đã được triệu hồi về nước một cách đột ngột và kỳ lạ, và được thay thế bằng một nhóm không tên tuổi hầu như chưa từng được biết đến. Thành viên chủ chốt là một sĩ quan Lực lượng Đặc nhiệm của Quân đội Mỹ, John Michael Dunn, người nhận lệnh không phải qua hệ thống cấp bậc thông thường trong CIA mà từ Harriman và Forrestal.

Theo Corson, “John Michael Dunn được biết là có liên hệ với những người âm mưu đảo chính”, mặc dù vai trò của Dunn chưa bao giờ được công khai. Corson tin rằng Richardson bị loại bỏ để Dunn – sau khi được giao cho Đại sứ Lodge để thực hiện “hoạt động đặc biệt” – có thể hành động mà không bị cản trở.

Vào năm 1963 thì cả Corson lẫn Kennedy đều chưa biết rằng Trưởng phòng phản gián của CIA là James Angleton cũng thấy lo ngại về Averell Harriman và đã bắt đầu một cuộc điều tra phản gián tuyệt mật có mật danh là DINOSAUR. Cuộc điều tra này vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của Angleton tại CIA. “Có một tình huống suy đoán rằng Harriman ít nhất là một điệp viên gây ảnh hưởng của Liên Xô và có thể tệ hơn thế nhiều”, Angleton nói.

Angleton cho rằng vai trò của Harriman trong cuộc đảo chính Diệm bắt nguồn không chỉ từ sự khác biệt về chính sách với Kennedy. Ông ta tin rằng các vụ ám sát được thiết kế để làm cho chính sách của Mỹ ở Việt Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn. Đó chắc chắn là tác động của chúng. “Mỹ không bao giờ thực sự hồi phục được kể từ cuộc đảo chính đó”, theo lời Corson, người sau này đã quay lại Việt Nam trong vai trò một chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ.

Các hành động của Harriman có lẽ khiến các sĩ quan KGB phụ trách Việt Nam vui mừng hơn cả. Họ hiểu rằng việc ám sát các lãnh đạo miền Nam Việt Nam đã hủy hoại chính sách của Mỹ. Averell Harriman đã khởi động ở Sài Gòn, mà Tổng thống không hề hay biết, một loạt sự kiện sẽ nhấn chìm mọi nỗ lực trong tương lai của Mỹ tại Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới