Đó là thách thức đến từ Trung Quốc. Với loại máy bay không người lái thế hệ mới, Trung Quốc sẽ mở rộng tầm kiểm soát ở Biển Đông.
Không chỉ tham vọng kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ vươn dài cánh tay tới khu vực Tây Thái Bình Dương. Không dừng ở những tuyên bố mang tính đe dọa, thách thức người khổng lồ Mỹ, nó đã và đang trở thành hiện thực. Hiện thực bởi vì quân đội Trung Quốc đã liên tục công bố những “vũ khí hiện đại đầu tiên”, những “máy bay ba nhất”, đã bay thử, bắn thử, và là mối… đe dọa thật.
Cuối tháng 12/2024 Trung Quốc đã dồn dập thông tin về các cuộc thử vũ khí tối tấn, khí tài hiện đại, nào là thế hệ máy bay cảnh báo sớm, tàu tấn công đổ bộ được trang bị máy phóng điện từ; nào là công nghệ radar có con mắtg “siêu nhạy”,v.v.. Báo mạng Hồng Kông South China Morning Post đưa tin hôm 1/1/2025: “Cuối năm 2024 đánh dấu một chặng lịch sử mới cho Trung Quốc với hàng loạt vũ khí tối tân ra đời”.
Về loại máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AEW&C) KJ-3000, đây là loại “đại bàng” có thiết kế dựa trên máy bay vận tải Y-20 lớn nhất thế giới. Máy bay được trang bị một vòm radar lớn trên nóc, có thể được sử dụng làm sở chỉ huy trên không. Điểm đáng chú ý, công nghệ radar được sử dụng cho KJ-3000 là một bước “đại nhảy vọt”. Từ đây khả năng hoạt động của quân đội Trung Quốc sẽ được mở rộng hơn, đến tận Tây Thái Bình Dương, Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Không chỉ có “đại bàng” xuất hiện, hôm 28/12, một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một loại máy bay không người lái drone WZ-9 Divine Eagle, được cho là “drone ba nhất” (lớn nhất, bay cao nhất và có sức bền nhất). Theo các chuyên gia quân sự, WZ-9 có thể được tích hợp với các thành tố phòng không khác, bao gồm hệ thống tên lửa phòng không và hệ thống đánh chặn. Điều này cho phép Trung Quốc tạo ra hệ thống phòng thủ nhiều lớp, có thể vô hiệu hóa các mối đe dọa từ máy bay chiến đấu đến tên lửa hành trình và đạn đạo của đối phương. Đây cũng sẽ là máy bay không người lái chống tàng hình đầu tiên trên thế giới, mang lại cho Trung Quốc lợi thế đáng kể trong các hoạt động trên không.
Những hình ảnh nêu trên không thể không gây “choáng” đối với quân đội các nước, kể cả các cường quốc như Mỹ, Nga. Bởi gần như cũng lúc, quân đội Trung Quốc công bố các chiến đấu cơ đầu tiên của thế hệ thứ 6 và tàu đổ bộ đầu tiên trên thế giới được trang bị máy phóng điện từ, Type 076. Tất cả những phát minh này được chuyên gia Phó Tiền Thiệu đánh giá là “một cách tiếp cận chiến lược” mới của quân đội Trung Quốc, hướng đến mục tiêu “Đổi mới độc lập”.
Đổi mới độc lập được hiểu là, đi theo một con đường độc đạo, bất ngờ, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra mục tiêu: Quân đội Trung Quốc phải trở thành lực lượng hàng đầu thế giới. Theo đó, sẽ trở thành cường quốc quân sự vào năm 2050, đủ sức giành chiến thắng trong thời đại mới.
Đương nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không dễ cho ai “một mình một chợ”. Cách đây 7 năm, tại Nga, tuyên bố tại Học viện tên lửa chiến lược ở ngoại ô Moscow, Tổng thống Nga Putin cho rằng: “Nga sẽ thuộc nhóm đi đầu, trong một số lĩnh vực chắc chắn là đứng đầu trong việc tạo ra một đội quân thế hệ mới, một đội quân của công nghệ mới”.
Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố: Đang đứng bên bờ những khám phá lớn. Họ cho biết đã đầu tư hơn 2 tỷ USD để xây dựng khu nghiên cứu chuyên về trí tuệ nhân tạo. Thậm chí, Trung Quốc “vào hang bắt cọp”, đầu tư ngay vào những công ty khởi nghiệp ở Mỹ nhằm thu thập các phát triển mới của nước này.
Khi chỉ tuyên bố, khi mới đưa ra chiến lược và kế hoạch thì thiên hạ có thể còn nghi ngờ. Những khi các loại vũ khí tối tân ra đời, cái này là “sát thủ” của cái kia thì đối phương không thể chần chừ. Hoặc là phải ra tay ngay, hoặc là chịu thất bại.
Việc Trung Quốc với cánh tay rất dài khắp Biển Đông, Biển Tây để thực hiện tham vọng của mình, vừa tấn công, vừa chống đỡ bằng vũ khí mới nhất, nguy hiểm nhất là một thách thức vô cùng lớn. Thế nhưng, nêu các quốc gia trong khu vực đoàn kết chặt chẽ, cùng nhau giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, thì sẽ chẳng có thứ vũ khí tối tân nào đáng sợ.
Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2.0 Donald Trump với vẻ ngạo nghễ thường thấy, với con mắt ráo hoảnh, trấn an các cộng sự Nhà Trắng rằng: “Tôi không muốn nói chuyện với ông Tập nữa. Nhưng nếu ông ấy muốn thì có thể hợp tác để giải quyết tất cả mọi vấn đề của thế giới!”
Đúng là “miệng kẻ sang có gang có thép”. Vậy thì cho dù Trung Quốc có vũ khí hiện đại đến bao nhiêu, khả năng kiểm soát Biển Đông rộng lớn đến thế nào thì Mỹ cũng không ngán. Ông Trump có “bí quyết” khác. Hãy chờ xem.
H.Đ