Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBRICS - Sức mạnh kinh tế tăng

BRICS – Sức mạnh kinh tế tăng

Từ đầu năm nay, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã có thêm chín nước đối tác mới, mở đường cho tăng trưởng kinh tế và hợp tác thương mại.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, từ ngày 1-1-2025 nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS có thêm chín nước đối tác mới gồm: Belarus, Bolivia, Cuba, Indonesia, Kazakhstan, Malaysia, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan.

Như vậy BRICS hiện chiếm khoảng một nửa dân số toàn cầu và hơn 41% GDP thế giới (PPP). Nhưng sự đa dạng vừa là cơ hội vừa là thách thức cho BRICS.


Sức mạnh kinh tế tăng

Một thước đo cho thấy sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của BRICS là năng lực sản xuất của các nền kinh tế trong nhóm. Các thành viên và đối tác của BRICS là những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất các mặt hàng thiết yếu, chẳng hạn như ngũ cốc, thịt, dầu thô, khí đốt tự nhiên và các khoáng sản chiến lược như quặng sắt, đồng và niken.

Các nước này cũng thống trị sản lượng các loại cây trồng chính trên toàn cầu như mía, ngô, gạo, lúa mì…

Về dầu mỏ, với sự tham gia của Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng như khả năng bao gồm cả Saudi Arabia, BRICS có thể kiểm soát gần một nửa sản lượng dầu của thế giới và chiếm khoảng 35% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu, theo phân tích của S&P Global.

Hơn nữa, các quốc gia BRICS cũng có lợi thế từ lượng người tiêu dùng và lực lượng lao động khổng lồ. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), vào năm 2024 tỉ lệ tham gia lực lượng lao động tại các quốc gia BRICS là 60,6%, tương đương 1,5 tỉ người.

Theo Tổ chức nghiên cứu India Foundation, khi thế giới đang trên đà phục hồi sau đại dịch, vật lộn với những thách thức địa chính trị và chứng kiến sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi, BRICS đã đưa ra những góc nhìn có giá trị về cách các quốc gia này có thể định hình nền kinh tế và thương mại toàn cầu.

Trong thông báo hợp tác cùng BRICS, Bộ Ngoại giao Thái Lan kỳ vọng quan hệ đối tác này mang lại những cơ hội quan trọng để tăng cường quan hệ kinh tế với các thành viên BRICS, những thị trường mới nổi và các nước đang phát triển có tiềm năng tăng trưởng cao trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, du lịch.

Trong khi đó, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel cho rằng BRICS mang lại hy vọng lớn cho nhóm các quốc gia đang phát triển Nam Bán cầu (Global South) trong cuộc đấu tranh vì một trật tự quốc tế công bằng và dân chủ hơn.

Việc hợp tác sẽ mở cửa tiềm năng của Havana trong lĩnh vực công nghệ sinh học, sản xuất dược phẩm, khoa học và công nghệ. Đối với các nước như Cuba, Bolivia, BRICS sẽ mở ra các luồng thương mại mới, tiếp cận các thị trường khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ.

Ngược lại, sự mở rộng cũng mang lại những cơ hội quan trọng cho BRICS. Nhờ sự đa dạng từ các thành viên và đối tác – đến từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới – BRICS trở thành tiếng nói mạnh mẽ và đại diện hơn cho các quốc gia đang phát triển và mới nổi.

“Điều này giúp BRICS đóng vai trò lớn hơn trong việc thiết lập trật tự chính trị quốc tế và tạo ra các thể chế thay thế cho trật tự thế giới do phương Tây thống trị”, kênh Press TV của Iran, thành viên mới gia nhập BRICS năm nay, nhận định.


Nhiều thách thức khi mở rộng

Sự trỗi dậy của BRICS cảnh báo thực tế đáng ngại: một thế giới đang phân mảnh thành các khối đối địch, do sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Đông và Tây và sự chia rẽ ngày càng tăng giữa phía Bắc và Nam, theo India Foundation.

“Với việc Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đe dọa BRICS sẽ áp thuế 100% nếu khối này phát hành đồng tiền riêng, rõ ràng là Mỹ đã bắt đầu coi BRICS là đối thủ chính”, ông Kirill Babaev, giám đốc Viện Trung Quốc và châu Á hiện đại thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, nhận định với Đài RT.

BRICS cũng sẽ đối mặt với những thách thức từ bên trong nhằm phát huy sự đa dạng của mình. Chẳng hạn các nước sáng lập nhóm như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga đều có đặc điểm chính trị và xã hội khác nhau, dẫn đến quan điểm khác nhau. Các thành viên của tổ chức cũng không đồng đều về kinh tế và nhiều mặt khác. Một số thành viên sẽ tiến bộ hơn, trong khi những thành viên khác có thể tụt hậu trong nhiều lĩnh vực.

“Việc mở rộng BRICS chắc chắn sẽ mang đến những thách thức mới cho tổ chức này. Điều này đặt ra câu hỏi liệu đã có sự chuẩn bị đầy đủ trước khi mở rộng này hay chưa”, chuyên gia Swadesh Roy, lãnh đạo Tổ chức phân tích Look Asia, nhận định.

Theo ông Roy, khác với Liên minh châu Âu, khối BRICS không có sự gần gũi về địa lý, các cơ chế như đồng tiền chung và hiệp định thương mại tự do. “Nếu BRICS muốn duy trì sự mở rộng của mình và bao gồm nhiều quốc gia hơn thì khối này sẽ cần học những bài học giá trị từ EU, dù là gián tiếp”, ông phân tích.


Quyền lợi khi là đối tác của BRICS

BRICS là tên viết tắt theo tiếng Anh của các nước thành viên sáng lập nhóm các nền kinh tế mới nổi, gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. Chữ S được thêm vào sau khi Nam Phi gia nhập năm 2011.

Trong năm 2024, nhóm đã tiếp nhận thêm bốn thành viên. Tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm diễn ra tháng 10-2024 tại Kazan (Nga), có 13 nước được mời trở thành đối tác, trong đó chín nước đã chấp nhận lời mời.

Đại diện của các nước đối tác sẽ được mời tham dự một số cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh BRICS và các cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao. “Chúng tôi cũng tin rằng việc đưa các đối tác tham gia vào các cuộc họp của các đại diện cấp cao phụ trách các vấn đề an ninh, diễn đàn nghị viện và các sự kiện khác là phù hợp”, Điện Kremlin cho biết.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới