Wednesday, January 8, 2025
Trang chủQuân sựTiết lộ về vũ khí chi phối toàn diện xung đột Nga...

Tiết lộ về vũ khí chi phối toàn diện xung đột Nga – Ukraine

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, máy bay không người lái đang gây ra những xáo trộn trên không, trên bộ và trên biển.

UAV được sử dụng trong cuộc xung đột này để thu thập thông tin tình báo, cung cấp dữ liệu nhắm vào mục tiêu, làm tê liệt tàu chiến và xe tăng, cũng như tham gia vào các cuộc không chiến với UAV của đối phương.

Trong xung đột Ukraine, với sự kết hợp kỳ lạ giữa phong cách chiến đấu kiểu Thế chiến I và những cải tiến công nghệ hiện đại, máy bay không người lái đã thay đổi đáng kể cách chiến đấu và thăm dò chiến trường của các binh lính. Những hệ thống này đặt ra những thách thức cho xe tăng, xe bọc thép, quân đội và theo nhiều cách đã đảo lộn các phương thức giao tranh truyền thống.

Các quan chức nhận định, công nghệ này thường phát triển với tốc độ nhanh đến mức khó có thể theo kịp.

Chi phối mọi khía cạnh của giao tranh hiện đại

Các hệ thống máy bay không người lái của Nga và Ukraine đang tham gia vào các cuộc tấn công một chiều nhằm vào quân đội, các phương tiện và trang thiết bị của đối phương. Các mô hình này bao gồm từ các thiết bị dân sự có sẵn chất nổ thô sơ đến các loại đạn tuần kích lưu động cấp quân sự và chúng được sử dụng để nhắm vào bất kỳ thứ gì di chuyển.

Các cảnh quay chiến đấu trong cuộc xung đột đã ghi lại cảnh những người điều khiển UAV đưa thiết bị vào các cửa sập mở của xe tăng, thả bom vào các binh lính, đặt mìn để gây bất ngờ và ngăn chặn đối phương tiến công.

Đối mặt với một lực lượng lớn hơn nhiều, Ukraine đã sử dụng UAV như một chiến thuật giao tranh bất đối xứng. Ukraine đang sử dụng robot mặt đất, UAV và xuồng không người lái để chiến đấu với quân đội Nga trên hầu hết khía cạnh của xung đột, ngoại trừ trong không gian mạng, vũ trụ và dưới biển.

Xuồng không người lái của Ukraine đã tấn công mạnh vào Hạm đội Biển Đen và máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) làm phức tạp thêm các cuộc điều động lực lượng dọc khắp các tiền tuyến của đối phương.

Hai bên đều sử dụng UAV tầm xa như một cách hỗ trợ cho đạn dẫn đường chính xác. Nga liên tục tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine bằng UAV và tên lửa, trong khi Kiev đáp trả bằng cách nhắm vào các sân bay và kho đạn để phá hủy chiến đấu cơ và đạn dược của đối phương.

Ukraine đã dựa vào UAV để lấp đầy khoảng trống năng lực trong bối cảnh thiếu hụt đạn pháo do sự trì hoãn trong hỗ trợ quân sự của phương Tây, đồng thời coi đó như một giải pháp thay thế cho vũ khí nước ngoài mà nước này có nhưng không được sử dụng để nhắm vào các mục tiêu bên trong nước Nga.

Những người điều khiển UAV thường là những binh lính có khả năng. Họ tấn công các mục tiêu di động, các vị trí cố định như chiến hào và thậm chí săn lùng những người điều khiển UAV của đối phương.

Thu thập thông tin tình báo và định hình nhận thức về xung đột

UAV đóng vai trò quan trọng trong tình báo, giám sát và trinh sát, cũng như tạo ra các giải pháp khai hỏa. Chẳng hạn, hoạt động trinh sát không người lái mở rộng của Nga trong bối cảnh phòng không Ukraine bị kéo căng đã mang lại cho Moscow khả năng tấn công sâu tốt hơn. Mặt khác, Ukraine ngày càng cải tiến UAV của mình để tiêu diệt các mục tiêu trên không.

Tuy nhiên, góc nhìn về chiến trường do UAV cung cấp không chỉ dành cho những người lính đang chiến đấu. Thế giới đã theo dõi cuộc xung đột ở Ukraine chủ yếu thông qua máy bay không người lái. Điều này có thể làm thay đổi nhận thức về việc bên nào đang chiến thắng trong cuộc giao tranh.

Các video thường là góc nhìn thứ nhất được lan truyền rộng rãi trên các kênh Telegram của Nga và Ukraine, cho thấy UAV bay qua các chiến trường bị tàn phá, sau đó xác định vị trí mục tiêu và cố gắng tiêu diệt chúng. UAV cũng đang ghi lại các cuộc giao tranh giữa lực lượng pháo binh của hai bên, các cuộc tấn công bằng tên lửa, giao tranh trên bộ, giao tranh bằng xe bọc thép….

Riêng Ukraine đã dựa vào việc chia sẻ những video như vậy để chứng minh khả năng chiến đấu của mình, nhưng các video có thể được chọn lọc như một yếu tố tuyên truyền cho cả hai bên. Nga và Ukraine đều đang phải vật lộn với nhiều thách thức khi giao tranh diễn ra.

Sự hiện diện liên tục của UAV khiến việc ẩn náu và di chuyển trở nên khó khăn. Với rất nhiều UAV đang hoạt động, ngay cả từng binh lính riêng lẻ cũng có thể bị phát hiện và trở thành mục tiêu. UAV trinh sát cũng đã ghi lại cảnh các UAV tấn công mục tiêu, đảm bảo rằng có cảnh quay nếu cuộc tấn công không thành công. Tuy nhiên, chiến trường không phải lúc nào cũng rõ ràng và vẫn còn chỗ cho những bất ngờ – điều Ukraine đã chứng minh bằng cuộc đột kích vào Kursk.

Giao tranh với máy bay không người lái của đối phương

Sử dụng UAV để chống lại UAV của đối phương đã trở nên phổ biến trong cuộc xung đột. Chẳng hạn, Ukraine đang phát triển một UAV đánh chặn, được thiết kế để đối phó với các UAV Shahed-136 của Nga. Kiev cũng sử dụng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất nhắm vào các UAV trinh sát cao cấp của Nga.

Lợi ích của việc sử dụng UAV để tiêu diệt UAV rất rõ ràng. Đó là nó có thể giúp các binh lính tránh xa nguy hiểm và tiết kiệm đạn dược cũng như tên lửa đắt tiền thường được sử dụng để chống lại chúng.

Bài học về giao tranh bằng UAV

Quân đội Mỹ đã theo dõi chặt chẽ cuộc giao tranh bằng UAV đang diễn ra ở Ukraine, ghi chép lại những điều có ý nghĩa với các cuộc giao tranh trong tương lai. Họ đã theo dõi khi những bên tham chiến thực hiện các biện pháp thích nghi, chẳng hạn như Nga và Ukraine đã gắn thêm giáp lồng vào xe tăng để bảo vệ nó khỏi các cuộc tấn công UAV và việc sử dụng tác chiến điện tử để gây nhiễu kết nối của UAV với người điều khiển.

Có rất nhiều công nghệ mới nổi trong cuộc giao tranh này. Chẳng hạn, Nga bắt đầu sử dụng UAV có dây được kết nối với người điều khiển bằng cáp quang để đảm bảo kết nối vẫn ổn định. Một biện pháp thích nghi như vậy không thay đổi hoàn toàn cuộc chơi nhưng nó cho thấy cả hai bên liên tục nghiên cứu để giải quyết các vấn đề phát sinh.

Ukraine cho biết UAV do AI hỗ trợ đang được phát triển, thử nghiệm và triển khai nhanh chóng. Một chỉ huy đã nói vào tháng 9 rằng UAV sẽ không cần người điều khiển trong ít nhất là 6 tháng.

Đối với các loại UAV đó, binh lính chỉ cần phóng chúng. Sau đó, UAV sẽ “tự quyết định nơi cần đến và cách bắn trúng mục tiêu”, chỉ huy này cho hay. Sự phát triển đó, nếu trở thành hiện thực sẽ là một bước ngoặt.

Một tổ chức phi lợi nhuận của Ukraine thực sự đã đào tạo AI bằng các đoạn băng chiến đấu do UAV ghi lại trong 2 triệu giờ.

Đối với một cuộc chiến tranh trong tương lai, Mỹ có thể sẽ cần dựa vào các hệ thống không người lái để hoàn thành các hoạt động mà quân đội của họ không thể tiến hành. Sáng kiến Replicator của Lầu Năm Góc, được công bố vào năm ngoái, có mục tiêu triển khai các bầy đàn UAV cho nhiều chức năng khác nhau trong một cuộc xung đột tiềm tàng. Mỹ cũng đang nghiên cứu máy bay không người lái trên không, trên bộ và trên biển.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới