Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ lo ngại khả năng Nga cân nhắc "sử dụng vũ khí...

Mỹ lo ngại khả năng Nga cân nhắc “sử dụng vũ khí hạt nhân”

Washington lo ngại Moscow có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân, mặc dù Nga tuyên bố đây là “biện pháp cuối cùng”.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Financial Times được công bố hôm 4/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington “rất lo ngại” rằng Nga có thể đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Bình luận của ông Blinken được đưa ra để trả lời câu hỏi về cáo buộc mà Washington cho là “hành động đe dọa hạt nhân” của Moscow, dường như ám chỉ đến những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga vào năm ngoái.

Ngoại trưởng Blinken cho biết Washington coi những thay đổi này là động thái làm tăng nguy cơ leo thang hạt nhân.

“Ngay cả khi nguy cơ tăng từ 5 lên 15%, khi đề cập đến vũ khí hạt nhân, thì không có gì nghiêm trọng hơn”, ông Blinken tuyên bố.

Trước đó, nhà ngoại giao Mỹ đã chỉ trích kế hoạch cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga là “vô trách nhiệm”, khi lần đầu tiên kế hoạch này được công bố vào tháng 9 năm ngoái.

Theo ông Blinken, Trung Quốc có thể đã tác động khiến Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi có lý do để tin rằng Trung Quốc đã liên hệ với Nga và nói: “Đừng đi đến bước đó””, ông nói.

Ngoại trưởng Blinken cho rằng Trung Quốc có thể đã thực hiện hành động tương tự khi Mỹ cáo buộc Nga có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian, một tuyên bố mà Moscow bác bỏ là “giả mạo”.

Vào tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, các nguyên tắc cơ bản về răn đe hạt nhân của Nga cần phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tế hiện tại.

Chủ nhân Điện Kremlin chỉ ra rằng, tình hình quân sự và chính trị hiện nay đang thay đổi mạnh mẽ và Moscow phải tính đến điều này, bao gồm cả sự xuất hiện của các mối đe dọa và rủi ro quân sự mới.

Ông Putin nhấn mạnh, Moscow có thể đáp trả hạt nhân đối với một cuộc tấn công xuyên biên giới quy mô lớn có sự tham gia của máy bay, tên lửa hoặc máy bay không người lái. Một cường quốc hạt nhân đối thủ hỗ trợ quốc gia khác tấn công Nga cũng sẽ bị coi là một bên tham gia cuộc tấn công đó.

Điều này có nghĩa rằng, việc phương Tây cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng các tên lửa tầm xa mà họ viện trợ như ATACMS của Mỹ và Storm Shadows của Anh sẽ bị coi là thuộc diện áp dụng quy tắc răn đe hạt nhân của Nga.

Trước đây, học thuyết hạt nhân cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp một quốc gia khác sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Moscow hoặc nếu “sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa”.

Học thuyết của Nga nhấn mạnh mục tiêu của Moscow là ngăn chặn những căng thẳng có thể dẫn đến xung đột quân sự, bao gồm xung đột hạt nhân.

Moscow có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Các quan chức Nga nhiều lần tuyên bố rằng họ coi việc sử dụng những vũ khí như vậy là “biện pháp cuối cùng”.

Sau khi Nga cập nhật học thuyết hạt nhân, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow “kiên quyết ủng hộ việc làm mọi cách để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân”. Ông nói thêm rằng kho vũ khí của Nga được dùng để răn đe hành vi xâm phạm lãnh thổ và là phương tiện ngăn chặn xung đột hạt nhân.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới