Thông tin việc ngư dân Philippines phát hiện một thiết bị lặn không người lái nghi là của Trung Quốc, trong vùng biển thuộc thành phố San Pascual, tỉnh Masbate ngày 30/12/2024, đang khiến dư luận lo ngại.
Theo giới quan sát, sự kiện này không chỉ gây lo ngại về an ninh quốc gia cho quốc đảo Philippines, mà còn làm gia tăng tính chất phức tạp trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh.
Câu hỏi đầu tiên dư luận nghĩ đến là: Tại sao thiết bị này xuất hiện ở khu vực gần bãi biển Masbate? Đây là một thiết bị nghiên cứu hải dương vô hại hay là thiết bị do thám phục vụ cho mục đích quân sự? Trung Quốc sẽ chối phắt hay lặp lại cái gọi là thiết bị này chỉ thuần túy phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học như họ đã từng nhiều lần viện ra trong các tình huống tương tự?…
Quan hệ Philippines – Trung Quốc căng thẳng từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) thành lập theo Phụ lục 7 Công ước LHQ về Luật Biển ra phán quyết bác bỏ “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông năm 2016. Từ đó, Trung Quốc liên tục gia tăng hoạt động xây dựng các cơ sở quân sự trái phép trên các bãi đá ngầm và quần đảo tranh chấp. Riêng trong năm 2024 vừa qua, Manila đã phải đối phó với hàng loạt vụ việc, tình huống gây hấn của Trung Quốc tại các điểm nóng như bãi cạn Scaborough, bãi cạn Cỏ Mây, bãi cạn Sabin. Thậm chí, trong vụ va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc trung tuần tháng 6/2024, máu đã đổ với việc một thủy thủ tàu Philippines bị lính Trung Quốc hành hung bị thương tới mức đứt ngón tay…
Không chỉ nhằm vào Philippines, hoạt động của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp cũng khiến các quốc gia khác khốn đốn và cảnh giác. Vào các năm 2023, 2024, một số tàu khảo sát của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà không được phép, gây ra những phản ứng gay gắt từ Hà Nội. Hai quốc gia trong khu vực là Malaysia và Indonesia cũng phải nhiều lần đối mặt với những tình huống tương tự khi Trung Quốc cố tình mở rộng phạm vi hiện diện của mình xuống phía nam Biển Đông…
Trong bối cảnh đó, việc thiết bị lặn không người lái nghi ngờ là của Trung Quốc mà ngư dân Philippines phát hiện có ý nghĩa như một lời nhắc các quốc gia trong khu vực và dư luận nói chung, rằng: tranh chấp chỉ tạm lắng, chứ còn lâu (nếu không nói là không) mới chấm dứt; đừng coi những phát hiện như trên là việc nhỏ, bởi chúng hoàn toàn toàn có thể là mầm mống làm bùng phát thêm những bất ổn mới…
Nhiều chuyên gia phân tích quân sự, cùng với sớm khẳng định thiết bị trên là của Trung Quốc, đã nhận định: việc Bắc Kinh triển khai các thiết bị này, không nghi ngờ gì nữa, chính là động thái gia để tăng kiểm soát đáy biển và thu thập thông tin về địa hình khu vực, tạo nên mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh khu vực…
Trên bình diện rộng hơn, thông tin này còn khiến các đối tác quốc tế của Philippines như Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN khác thêm phần lo ngại. Không loại trừ khả năng những thiết bị tương tự đang nằm đâu đó trong vùng biển của các quốc gia khác trong khu vực, như Việt Nam, Indonesia, Malaysia. Các nước này đều đã từng đã đối mặt với những vụ việc liên quan đến hoạt động đáng ngờ của tàu và thiết bị Trung Quốc trong vùng biển thuộc quyền tài phán của mình. Nói cách khác, sự kiện lần này xảy ra với Philippines cần xem là lời cảnh tỉnh cho toàn bộ khu vực về những nguy cơ an ninh tiềm tàng từ các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh.
Không chỉ gây gây xáo trộn cho những quốc gia ven biển, việc gia tăng hoạt động giám sát và quân sự của Trung Quốc còn đe dọa đến tự do hàng hải tuyến thương hải quan trọng bậc nhất thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế toàn khu vực…Tháng 7 năm 2020, Mỹ, với vai trò đối tác chiến lược của Philippines, từng lên tiếng phản đối “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc và thể hiện đồng thuận với phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) xác định Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông; cái Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn” không có cơ sở pháp lý; đồng thời nhấn mạnh cam kết bảo vệ tự do hàng hải và thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực…
Trong khi chờ phản hồi chính thức của Bắc Kinh về thiết bị lặn không người lái, giới quan sát cho rằng, vụ việc sẽ khiến Manila gắn bó chặt chẽ với Washington; Philippines và Mỹ sẽ gia tăng hơn nữa các hoạt động tuần tra và hợp tác quân sự nhằm đối phó với các nguy cơ tiềm tàng từ Trung Quốc. Và họ dự đoán, Philippines hẳn đang khẩn trương điều tra nguồn gốc và chức năng thực sự của thiết bị lặn này; kết luận vụ việc sẽ đóng vai trò quan trọng trong các ứng xử sắp tới của Manila trên Biển Đông…
Nhìn chung, so với các vụ việc khác từng xảy ra, hiện tại, “vụ thiết bị lặn không người lái” chưa ầm ĩ bằng. Tuy nhiên, nó vẫn thành một điểm “nổi” trong biển thông tin vốn đã đầy rẫy những xì xầm, bàn tán về an ninh, chủ quyền, lợi ích, âm mưu…của “5 nước 6 bên” liên quan.
T.V