Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, sáng 6/1, Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng tên lửa.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, tên lửa được phía Triều Tiên phóng lên có khả năng là một loại tên lửa đạn đạo. Tên lửa này đã bị rơi sau khi được phóng vài phút. Hiện nay, các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang khẩn trương thu thập các thông tin liên quan đến những thiệt hại mà tên lửa này có khả năng gây ra, đồng thời cho biết sẽ quan sát mọi động thái từ phía Triều Tiên.
Ngay sau khi có thông tin, Chính phủ Nhật Bản đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp giữa các bộ trưởng với Trung tâm quản lý nguy cơ trực thuộc Thủ tướng để bàn biện pháp xử lý, đối phó.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đây là lần phóng tên lửa đầu tiên trong năm 2025 của Triều Tiên. Lần phóng gần đây nhất được tiến hành vào ngày 5/11/2024. Còn vào dịp cuối năm, hôm 23/12/2024, Bộ Tham mưu tổng hợp quân đội Hàn Quốc dẫn các nguồn tin tình báo cho hay, có nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng quân đội Triều Tiên sẽ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung, sử dụng nhiên liệu rắn. Các nguồn tin tình báo Hàn Quốc cũng không loại trừ khả năng phía Triều Tiên sẽ cho phóng cả tên lửa siêu vượt âm (Hypersonic) với tốc độ gấp hơn 5 lần so với tốc độ âm thanh, có thể chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa đang được triển khai hiện nay.
Vụ phóng tên lửa đầu năm được tiến hành trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải ứng phó với những sóng gió trên chính trường, trước một số hội nghị quan trọng của Đảng Lao động Triều Tiên. Đặc biệt, khi thời điểm ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới đang đến gần. Động thái này được coi là có tính đến các yếu tố chính trị trong và ngoài nước.
Liên quan đến tình hình nghiên cứu phát triển hạt nhân – tên lửa của Triều Tiên trong thời gian tới, các nguồn tin tình báo cũng cho hay, bước sang năm 2025, phía Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng cả tên lửa liên lục địa (ICBM) và triển khai các vụ thử hạt nhân nhằm tạo lợi thế đàm phán với Mỹ khi Nhà Trắng có chủ nhân mới.
Mặc dù ra đời đã mấy thập niên nhưng tên lửa đạn đạo vẫn tỏ là rất lợi hại, được hơn 30 quốc gia triển khai hoạt động. Vào tháng 7/2017, Triều Tiên lần đầu phóng thử thành công hai tên lửa đạn đạo liên lục địa, đánh dấu bước tiến mới trong công nghệ tên lửa đạn đạo. Loại vũ khí tiên tiến này được phóng lên với độ rất cao lớn, tương đương tàu vũ trụ tầm thấp (hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km, tùy theo khoảng cách đến mục tiêu) sau đó chuyển động theo quy luật vật ném ngang với tốc độ rất lớn. Đặc biệt, dữ liệu về mục tiêu được nạp trước khi phóng để tên lửa đưa ra các tham số phóng theo một thuật toán cho trước.
Tên lửa đạn đạo có ưu thế hơn hẳn so với tên lửa hành trình, bởi tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp và rất thấp, tốc độ hành trình nhỏ. Quỹ đạo của loại tên lửa này được liên tục điều chỉnh theo thời gian thực, tùy thuộc ý đồ của người điều khiển và chương trình ban đầu.
Vì sao trong nhiều năm qua, Bình Nhưỡng vẫn “trơ như đá, vững như đồng”, bất chấp sự hăm dọa của Mỹ, sự lên án của cộng đồng quốc tế? Ý đồ này của Triều Tiên ngày càng mạnh mẽ và công khai như một sự thách thức.
Có lẽ yếu tố “sinh tồn” của quốc gia bán đảo này là nguyên nhân cốt lõi. Bởi Triều Tiên hiện vẫn đối diện đồng thời nhiều nguy cơ từ bên ngoài. Thường trực ở phía nam biên giới Triều Tiên là một quốc gia cũng thuộc tộc người Triều/Hàn, nhưng thể chế chính trị hoàn toàn khác, tình trạng chiến tranh với Triều Tiên đang đẩy lên nấc thang mới.
Quan hệ quốc tế của Triều Tiên là quan hệ khép kín, tường cao hào sâu, xa lánh hàng xóm. Đồng minh thân thiết hơn cả là Trung Quốc, gần đây Triều Tiên tỏ ra gần gũi với Nga và đã bị Bắc Kinh lườm nguýt. Nga tuy thân thiện với Triều Tiên nhưng Nga không phải là… Liên Xô trước đây. Còn Nhật Bản thì đương nhiên coi Triều Tiên là “không đáng chấp”.
Điều Bình Nhưỡng lo ngại nhất là thường xuyên bị Mỹ giơ nắm đấm sau gáy. Nhà Trắng Đe dọa bằng các tuyên bố và các động thái quân sự, như điều quân, triển khai vũ khí, tập trận, v.v.. Bài học Iraq vẫn khiến Triều Tiên hoảng hồn. Đó là sự kiện Mỹ can thiệp vũ trang vào Iraq tháng3/ 2003 khiến ban lãnh đạo Triều Tiên rúng động. Ngay sau đó, tháng 4/2003, Triều Tiên chính thức rút khỏi Hiệp ước “Không phổ biến Vũ khí hạt nhân”. Mặc dù Triều Tiên đã tham gia Hiệp ước từ năm 1985.
Xin lưu ý, Mỹ và Trung Quốc, hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân với số lượng lớn, đều ký vào Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện, tuy nhiên cả hai “con hổ” này đều vẫn chưa hề phê chuẩn Hiệp ước. Còn Mỹ và Nga mặc dù không chế tạo thêm vũ khí hạt nhân nhưng vẫn duy trì kho vũ khí hạt nhân. Hai nước này chưa có lộ trình loại bỏ hoàn toàn số vũ khí hủy diệt này. Đó là “tấm gương mờ” cho Bình Nhưỡng (!)
Đó là những tác động từ bên ngoài. Xét về mặt đối nội, việc Kim Jong-un đề cao sức mạnh quân đội và “ngang bướng” khi liên tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa là nhằm “khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc”, đồng thời tạo dựng uy thế quanh ông Kim – một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và tài năng.
Cho dù thế giới biến động đến đâu, quyết tâm của Triều Tiên là không lay chuyển. Người dân Triều Tiên vốn có tư tưởng độc lập rất mạnh, ban lãnh đạo hiện nay của đất nước này lại càng sắt đá. Nga đã rất thực tế khi liên tục khẳng định: đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chỉ có thể theo đuổi giải pháp ngoại giao và chính trị. Nếu Mỹ tấn công Triều Tiên thì chắc chắn các đồng minh của họ là Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề, vì hai nước này nằm sát Triều Tiên, ở trong tầm bắn hiệu quả của nhiều loại tên lửa Triều Tiên.
Vì những lý do nêu trên, giải pháp chính và bền vững ở đây là, Mỹ nên xây dựng cơ chế bảo đảm an ninh của Triều Tiên không bị Mỹ đe dọa, có thể là bằng việc từng bước rút quân đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc. Tất nhiên đó chỉ là một giải pháp, chưa hẳn là căn cơ.
Và có lẽ Washington cũng kiên định chẳng kém, không dễ gì đem quân trở về.
Trong cái mớ bùng nhùng ấy, chọn đúng “ngày đẹp trời” đầu năm 2025, ông Kim đã phát lệnh để răn đe các đối thủ ở khu vực Thái Bình Dương.
H.Đ