Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng ý tưởng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc kiểm soát Greenland sẽ không xảy ra.
“Rõ ràng ý tưởng được nêu ra về Greenland không phải là một ý tưởng hay”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Noel Barrot tại Paris hôm 8/1.
“Điều đó sẽ không xảy ra, vì vậy chúng ta không nên lãng phí thời gian để bàn về nó”, ông Blinken nói thêm.
Ngoại trưởng Blinken đang thăm Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng trước khi Tổng thống Joe Biden rời nhiệm sở và Tổng thống đắc cử Trump tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.
Ông Blinken là cố vấn chính sách đối ngoại lâu năm của Tổng thống Biden và đã dành 4 năm qua để lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối các chính sách do ông Trump ban hành từ năm 2017 đến năm 2021.
Tổng thống đắc cử Trump hôm 7/11 đã từ chối cam kết không sử dụng các biện pháp quân sự hoặc kinh tế khi ông cho rằng Mỹ cần giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama và mua lại đảo Greenland, đảo lớn nhất thế giới và hiện là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo liệu ông có đảm bảo không sử dụng sức ép quân sự hoặc kinh tế đối với Panama và Greenland hay không, ông Trump trả lời: “Không, tôi không thể đảm bảo điều đó. Nhưng tôi có thể nói điều này: Chúng ta cần chúng (kênh đào Panama và Greenland) để đảm bảo an ninh kinh tế”.
Phát biểu này được đưa ra khi ông Trump trình bày chi tiết thêm về kế hoạch mở rộng lãnh thổ, chỉ hai tuần trước khi ông nhậm chức.
Trong những tuần qua, ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của kênh đào Panama và đảo Greenland của Đan Mạch, cho rằng Mỹ cần có những khu vực này.
Ông Trump mong muốn có Greenland vì vị trí chiến lược của hòn đảo, trong bối cảnh băng ở Bắc Cực tan chảy đang mở ra những cuộc cạnh tranh thương mại và hải quân mới, cũng như vì trữ lượng khoáng sản đất hiếm cần thiết cho công nghệ tiên tiến.
Ngày 7/1, con trai ông Trump, Donald Trump Jr., thậm chí còn bay tới Nuuk, Greenland cùng với các đại diện của chính quyền Mỹ sắp tới, một động thái đang làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính nghiêm túc trong phát ngôn của ông Trump.
Theo Hiến pháp Mỹ, quốc hội là cơ quan sẽ phê duyệt việc phân bổ ngân sách cho bất kỳ giao dịch mua đất đai hoặc lãnh thổ mới.
Cả Greenland và Panama đều bác bỏ những tuyên bố từ phía ông Trump. Lãnh đạo Greenland khẳng định hòn đảo lớn nhất thế giới “không phải để bán và sẽ không bao giờ để bán. Chúng tôi không được phép thua trong cuộc đấu tranh lâu dài cho tự do của mình”.
Nhiều chính trị gia, trong đó có cả Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã phát đi một thông điệp rõ ràng với ông Trump: “Greenland không phải để bán!”.
T.P