Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNgười Greenland mừng hay lo khi ông Trump muốn Mỹ thâu tóm...

Người Greenland mừng hay lo khi ông Trump muốn Mỹ thâu tóm đảo?

Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn Washington kiểm soát Greenland, thậm chí còn bỏ ngỏ phương án quân sự, khiến người dân trên hòn đảo ở Bắc Cực có nhiều cảm xúc lẫn lộn.

Những đề xuất gần đây của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump về việc muốn Washington kiểm soát Greenland đã được một số người dân hòn đảo đón nhận, đồng thời cũng gây ra những ý kiến trái chiều.

Ông Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, tuyên bố rằng việc Mỹ kiểm soát hòn đảo Bắc Cực chiến lược này là một “điều cần thiết tuyệt đối.” Tại một cuộc họp báo hôm 7/1, ông không loại trừ khả năng sử dụng hành động quân sự hoặc kinh tế để đạt được mục tiêu này.

Cùng ngày, con trai cả của ông Trump, Donald Trump Jr., đã có chuyến thăm cá nhân đến Greenland.

Mikael Ludvidsen, một cư dân ở thủ đô Nuuk, tỏ ra hoài nghi về ý định của Tổng thống đắc cử, cho biết: “Tôi nghĩ ông ấy nói quá. Tôi không nghĩ bạn có thể nghiêm túc khi ông ấy nói rằng sẽ kiểm soát Greenland bằng phương án quân sự”.

“Tôi nghĩ điều này quá sức”, Niels Nielsen, một người dân địa phương, nói thêm. Greenland “không thể mua được”, ông nói.

Tuy nhiên, những người khác cho rằng việc hợp tác với một cường quốc có thể sẽ mang lại lợi ích cho Greenland, nơi chỉ có 57.000 dân.

Cư dân Jens Ostermann cho biết: “Chúng ta nên hợp tác với một cường quốc vì Greenland là một vùng đất giàu tài nguyên, chúng ta có mọi thứ ở đây”.

Trong khi đó, lãnh đạo Greenland, Mute Egede, đã kêu gọi người dân giữ bình tĩnh và đoàn kết. Ông cũng nhấn mạnh mong muốn của mình rằng Greenland sẽ trở nên hoàn toàn độc lập khỏi Đan Mạch.

Một số người dân địa phương đã đội mũ lưỡi trai “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Khẩu hiệu tranh cử của ông Trump) để chào đón ông Trump Jr, trong khi nhật báo Greenlandic Sermitsiaq chạy dòng tít: “Sự chào đón nồng nhiệt nhưng dè dặt dành cho ông Donald Trump Jr”.

Theo Aki-Matilda Hoegh-Dam, một thành viên của đảng Dân chủ xã hội Siumut của Greenland trong Quốc hội Đan Mạch, quan điểm của người dân Greenland về tương lai của đất nước đang bị chia rẽ.

“Động thái của ông Trump cho thấy tầm quan trọng của Greenland trong khu vực địa chính trị vào thời điểm hiện tại”, bà nói.

Mặt khác, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch cho biết hôm 8/1 rằng, Greenland có thể trở thành một quốc gia độc lập nếu cư dân tại đây mong muốn, nhưng khó có khả năng trở thành một bang của Mỹ.

Lãnh đạo Greenland đã gặp Nhà vua Đan Mạch tại Copenhagen vào cùng ngày, một ngày sau những phát biểu của ông Trump về vấn đề tương lai của hòn đảo giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược quan trọng này.

Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, là một phần của Đan Mạch trong 600 năm, mặc dù 57.000 cư dân tại đây hiện quản lý các vấn đề nội bộ của chính mình. Chính quyền Greenland, do ông Egede lãnh đạo, hướng đến mục tiêu độc lập hoàn toàn.

Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen tuyên bố: “Chúng tôi hoàn toàn công nhận tham vọng của Greenland. Nếu những tham vọng đó thành hiện thực, Greenland sẽ trở thành một quốc gia độc lập, nhưng khó có khả năng với tham vọng trở thành một bang liên bang của Mỹ”.

Ông cũng cho biết mối quan tâm ngày càng tăng của Mỹ về an ninh tại Bắc Cực là hợp lý, do hoạt động gia tăng của Nga và Trung Quốc trong khu vực này. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang trong một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với phía Mỹ về cách thức hợp tác chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo tham vọng của Mỹ được thực hiện”, ông nói.

Lãnh đạo cơ quan Tài chính Greenland Erik Jensen cũng lặp lại tuyên bố rằng Greenland không phải để bán: “Chúng tôi mong muốn trở thành một quốc gia độc lập vào một ngày nào đó. Nhưng tham vọng của chúng tôi không phải là chuyển từ việc bị quản lý bởi một quốc gia sang quốc gia khác”.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới