Monday, January 13, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNăm âm lịch Ất Tỵ 2025 siêu dài có đến 384 ngày...

Năm âm lịch Ất Tỵ 2025 siêu dài có đến 384 ngày với hai tháng 6, bạn có biết vì sao?

Nhiều người ngạc nhiên khi biết năm mới Ất Tỵ 2025 kéo dài tận 384 ngày với hai lần đón tháng 6. Điều này có bất thường trong âm lịch?

Năm Ất Tỵ có thêm tháng 6 nhuận nên tổng 384 ngày


Thông tin đang nhận được sự quan tâm lớn của cư dân mạng những ngày vừa qua trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 cận kề.

Bạn có để ý lịch Ất Tỵ 2025 năm nay?
Nếu để ý trong lịch năm mới bạn sẽ thấy 2025 âm lịch có 384 ngày tính từ ngày 29.1.2025 đến ngày 16.2.2026. Trong khi đó, dương lịch vẫn 365 này. Như vậy năm nay, số ngày trong năm âm lịch dài hơn dương lịch tới 19 ngày.

Nếu lật giở cuốn lịch đến tháng 6 âm lịch, chúng ta sẽ thấy có tới hai lần tháng 6. Trong đó, tháng 6 âm lịch đầu tiên có 30 ngày, bắt đầu từ ngày 25.6 – 24.7 dương lịch. Tiếp đến là một tháng 6 nhuận kéo dài 29 ngày từ ngày 25.7 – 22.8 dương lịch. Chính việc có thêm một tháng nhuận này đã đưa tổng số ngày trong năm Ất Tỵ 2025 lên tới 384 ngày.

Thông tin trên được chia sẻ ào ạt trên các trang mạng xã hội, kèm theo đó là sự tò mò về số ngày siêu dài trong năm âm lịch 2025 này. Bên cạnh những ý kiến cho rằng điều này vô cùng thú vị, có phần bất thường thì cũng có người khẳng định đây là điều bình thường trong âm lịch.

Tài khoản B.T.T chia sẻ thông tin trên, mô tả: “Góc lạ lùng! Vì sao năm Ất Tỵ lại có tới 384 ngày? Bất thường đến đáng sợ!”. “Liệu có ảnh hưởng gì không nhỉ, vụ này mới biết”, Lê Dung bày tỏ. “Chuyện này là bình thường mà nhỉ, chỉ là tháng nhuận trong âm lịch”, Phan Anh nêu quan điểm.

Vì sao âm lịch có tới hai tháng 6?
Qua tìm hiểu, thông tin được chia sẻ về tháng 6 nhuận năm Ất Tỵ 2025 là chính xác. Tuy nhiên, các chuyên gia lịch pháp cho rằng đây là điều bình thường trong âm lịch, không có gì kỳ lạ.

Như chúng ta đã biết, một năm trong dương lịch (hay lịch Gregory) hiện là lịch được sử dụng phổ biến trên ở nhiều quốc gia trên thế giới dài chính xác 365 ngày. Lịch này dựa trên chu kỳ quay của trái đất quanh mặt trời. Tuy nhiên, thời gian cần thiết để trái đất quay hoàn toàn một vòng quanh mặt trời khoảng 365,24 ngày.

Nếu chúng ta không tính đến sự khác biệt này thì cứ mỗi năm vượt qua khoảng cách giữa dương lịch và thời gian trái đất quay quanh một vòng mặt trời sẽ chênh lệch 5 giờ, 48 phút và 56 giây. Để điều chỉnh, dương lịch áp dụng quy tắc năm nhuận, cứ 4 năm lại thêm một ngày, đưa tổng số ngày của năm nhuận lên 366.

Trong khi đó, âm lịch hoạt động dựa trên chu kỳ tròn khuyết của mặt trăng, theo sát sự thay đổi pha của mặt trăng từ không trăng, trăng lưỡi liềm, trăng bán nguyệt, trăng khuyết, trăng tròn và ngược lại.

Mỗi tháng âm lịch bắt đầu vào ngày không trăng, tức là ngày mà mặt trăng ở cùng phía với mặt trời. Thời điểm này được gọi là điểm sóc và nó rơi vào ngày nào thì ngày đó sẽ là ngày mùng 1 đầu tháng âm lịch.

Thời gian từ điểm sóc này tới điểm sóc tiếp theo (gọi là tuần trăng) dài ngắn tùy mỗi tháng. Theo đó, tuần trăng dài trung bình 29 ngày 12 giờ 44 phút và dao động hơn kém giá trị này tới 7 tiếng đồng hồ. Do đó, một năm âm lịch thông thường chỉ có 354 hoặc 355 ngày, ngắn hơn dương lịch khoảng 11 ngày.

Để đồng bộ hóa với chu kỳ 4 mùa và giảm thiểu chênh lệch giữa âm lịch và dương lịch, hệ thống âm lịch áp dụng bằng cách tính thêm 1 tháng nhuận. Quy tắc này giúp âm lịch gần khớp với chu kỳ của dương lịch.

Năm 2025 là năm Ất Tỵ, một năm nhuận theo âm lịch khi có tới 384 ngày với hai tháng 6 âm lịch là tháng 6 thường và tháng 6 nhuận. Việc thêm tháng nhuận tuân theo chu kỳ 19 năm, được gọi là chu kỳ Meton.

Vì sao lại là tháng 6 mà không phải tháng khác?
Trả lời cho câu hỏi này, anh Phạm Vũ Lộc, nghiên cứu viên tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cho biết tháng nhuận được xác định bằng tính toán chi tiết vị trí của mặt trời trên hoàng đạo dựa vào 24 tiết khí như bảng dưới đây.

Theo đó, tháng nhuận được sắp xếp vào các tháng không có trung khí. 12 trung khí bao gồm Vũ thủy, Xuân phân, Cốc vũ, Tiểu mãn, Hạ chí, Đại thử, Xử thử, Thu phân, Sương giáng, Tiểu tuyết, Đông chí, Đại hàn ứng với các tháng âm lịch.

Để ý theo bảng trên năm 2025, từ điểm sóc 25.6 đến điểm sóc 25.7 có chứa trung khí Đại thử (22.7) nên nó là tháng 6 âm lịch bình thường. Tiếp theo, từ điểm sóc 25.7 đến điểm sóc 23.8 (tháng âm lịch tiếp theo), trung khí Xử thử lại diễn ra vào đúng ngày 23.8. Mà theo quy ước đã phân tích ở trên, ngày nào có điểm sóc, đó là ngày mùng 1 đầu tháng.

Theo quy ước, ngày 23.8 là ngày mùng 1 đầu tháng âm lịch của tháng tiếp theo. Như vậy, từ ngày 25.7 đến trước ngày 23.8, trong âm lịch không có trung khí nào và người ta quy ước đây là tháng nhuận. Và đó là tháng 6 nhuận trong năm 2025.

Việc điều chỉnh tháng nhuận không chỉ đảm bảo âm lịch phản ánh đúng chu kỳ tròn khuyết của mặt trăng mà còn giữ cho các mùa và tiết khí không bị lệch xa so với thực tế, phù hợp với nông nghiệp, lễ hội và các hoạt động văn hóa truyền thống của người Việt.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới