Tuesday, January 14, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiRủi ro chiến tranh điện tử ngoài không gian

Rủi ro chiến tranh điện tử ngoài không gian

Việc Mỹ bước đầu triển khai diện rộng các hệ thống gây nhiễu vệ tinh có thể kích hoạt cuộc chạy đua tác chiến điện tử ngoài không gian, thậm chí mở ra trận địa mới nếu xảy ra xung đột.

Tờ South China Morning Post đưa tin một quan chức cấp cao của Lực lượng Không gian Mỹ mới đây tiết lộ Lầu Năm Góc đang thực hiện kế hoạch triển khai các MRT là những thiết bị ở mặt đất có thể gây nhiễu trực tiếp và làm tê liệt vệ tinh.

Bước ngoặt mới

TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) giải thích động thái trên của Mỹ.

Thứ nhất, theo ông Nagao, làm chủ không gian là một lĩnh vực quan trọng của các hoạt động quân sự. Tầm quan trọng của không gian đã được xác định từ thời Chiến tranh Lạnh. Và trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, sự thống trị không gian của Mỹ đã giúp nước này tạo ưu thế tuyệt đối trên chiến trường. Nhưng vào năm 2000, Ủy ban Không gian của Thượng viện Mỹ cũng xác định rằng hệ thống quân sự của nước Mỹ có một điểm yếu là nó dựa vào các hệ thống không gian nhưng hệ thống không gian lại không được bảo vệ. Ví dụ, khi Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk, việc xác định mục tiêu, dẫn đường cho tên lửa, xác định kết quả và mọi thông tin liên lạc đều dựa vào vệ tinh không gian, bao gồm vệ tinh tình báo, hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GPS), vệ tinh liên lạc… Nếu các vệ tinh này bị tấn công do không được bảo vệ, tên lửa Tomahawk không thể bắn trúng mục tiêu. Vì thế, hệ thống không gian rất quan trọng đối với quân đội Mỹ nhưng lại thiếu sự bảo vệ.

Thứ hai, cách ứng phó với chiến tranh không gian vẫn chưa rõ ràng trên thế giới. Việc triển khai và duy trì các hệ thống trong không gian tiêu tốn chi phí rất lớn. Cách duy nhất để ngăn chặn cuộc tấn công của kẻ thù là trả đũa. Nếu bị kẻ thù tấn công vệ tinh thì có thể tấn công lại vệ tinh đối phương là cách thức phòng vệ khả dĩ nhất hiện nay. Vì thế, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã triển khai các hệ thống vũ khí tấn công vệ tinh (ASAT).

Trong khi đó, hệ thống không gian ngày nay cũng được khai thác vì mục đích dân sự rất nhiều, nên nếu chiến tranh không gian xảy ra thì thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn.

Thứ ba, Mỹ đang xác định vai trò của lực lượng không gian thành lập gần đây rất quan trọng, nhưng cách chiến đấu trong không gian rất khó xác định. Giờ đây, lực lượng không gian phụ trách triển khai các hệ thống mặt đất để gây nhiễu hệ thống của đối phương, thì đồng nghĩa với việc vai trò của lực lượng không gian sẽ còn được mở rộng trên các lĩnh vực khác liên quan chiến tranh không gian.

Thực tế, trong cuộc xung đột Ukraine, Nga thời gian qua cũng tìm cách gây nhiễu các vệ tinh Starlink nhằm tìm cách vô hiệu hóa nhiều loại vũ khí của Ukraine.

“Đến nay, hầu hết các quốc gia đều không có lực lượng không gian độc lập mà chỉ là một bộ phận của lực lượng không quân. Tuy nhiên, sau khi Mỹ mở rộng vai trò của lực lượng không gian độc lập thì các nước có thể chạy đua tương tự”, TS Nagao dự báo.

Năm 2019, Mỹ đã thành lập Lực lượng Không gian trở thành một binh chủng bên cạnh các binh chủng lục quân, không quân và hải quân.


Nóng ở Indo-Pacific

Cũng theo Lực lượng Không gian Mỹ, một số lượng đáng kể các MRT được đặt tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Mục tiêu chính của các thiết bị này là mạng lưới giám sát vệ tinh đang mở rộng của Trung Quốc, đặc biệt là dòng vệ tinh Dao Cảm (Yaogan). Theo một phân tích của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), các vệ tinh Dao Cảm từ không gian có thể theo dõi những vật thể có kích thước bằng chiếc xe hơi trên mặt đất, cung cấp cho Bắc Kinh khả năng giám sát liên tục đối với Bộ Tư lệnh Indo-Pacific của quân đội Mỹ.

Vì vậy, khi Mỹ triển khai các MRT đến Indo-Pacific thì nhiều khả năng Trung Quốc cũng sẽ điều động các thiết bị tương tự, khiến giới quan sát lo ngại về “loạt chiến tranh điện tử đóng vai trò mở màn cho các cuộc chiến trong tương lai”. Bắc Kinh và Washington gần đây đã có những căng thẳng xoay quanh Lực lượng Không gian của Mỹ. Cuối tháng 12.2024, Trung Quốc kêu gọi Mỹ tự xem xét lại “hành động nguy hiểm” trong không gian sau khi triển khai Lực lượng Không gian đóng quân ở Nhật Bản. Trước đó, từ năm 2022, Mỹ cũng đã triển khai một đơn vị thuộc Lực lượng Không gian nước này đến đồn trú ở Hàn Quốc. Các động thái vừa nêu của Mỹ diễn ra trong bối cảnh nước này cùng các đồng minh đang tìm cách đối phó những khí tài tiên tiến của Trung Quốc, Nga và CHDCND Triều Tiên ở khu vực.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới