Ngày 13/1/2025, trong cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, ông Biden đã khen ông Marcos “khéo léo” trong cách xử lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Giới quan sát bình rằng, lời khen này ví như sự “nịnh khéo”. Nghĩa là, nó nằm trong toan tính thực dụng của Washington chứ không hẳn là một lời ca ngợi chân thành. Một mặt, ông Biden công nhận về cách thức Philippines đã ứng xử linh hoạt trong mối quan hệ với các cường quốc lớn. Mặt khác, sâu xa hơn, nó chưa đựng trong đó sự kỳ vọng của Mỹ đối với Philippines trong câu chuyện Biển Đông – một điểm nóng trong khu vực, nơi diễn ra các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các quốc gia khác như Philippines, Việt Nam, Malaysia…
Trung Quốc, với tham vọng bành trướng của mình, không ngừng gia tăng các hành động quân sự và dân sự trong khu vực, khiến tình hình ngày càng căng thẳng. Trong bối cảnh đó, khả năng ngoại giao của Tổng thống Marcos, đặc biệt là trong việc duy trì sự cân bằng giữa các đối tác chiến lược như Mỹ và Nhật Bản, đồng thời không làm căng thẳng thêm với Trung Quốc, chính là yếu tố khiến ông Biden lấy làm hài lòng.
Washington không che giáu mong muốn Manila tiếp tục duy trì lập trường vững vàng trong vấn đề chủ quyền Biển Đông, đồng thời duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh chiến lược. Mối quan hệ này không chỉ mang tính đối tác chiến lược mà còn là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ tự do hàng hải và ổn định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, điều mà Mỹ đặc biệt quan tâm, và luôn lấy đó làm lý do để dèm pha, chỉ trích, cạnh tranh với Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo nhiều người, có lẽ Mỹ cũng nhắc nhở Philippines làm sao để không vì hợp tác với đồng minh chiến lược mà sa vào những căng thẳng không cần thiết.
Trong hai năm qua, Trung Quốc đã có nhiều hành động gây hấn đối với Philippines. Điển hình, là việc Trung Quốc nhiều lần điều tàu đến gần bãi cạn Cỏ Mây mà Philippines khẳng định chủ quyền để ngăn cản tàu của Philippines tiếp tế cho nhóm binh sĩ đồn trú. Những động thái gây hấn không đơn lẻ cho thấy chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm đe dọa Philippines cũng như các quốc gia khac đang tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã xây dựng các đảo nhân tạo và triển khai các cơ sở quân sự trên các bãi đá ngầm, bất chấp sự phản đối của các quốc gia có yêu sách chủ quyền khác, trong đó có Philippines. Sau căng thẳng tại bãi cạn Cỏ Mây, Trung Quốc còn trở lại khiêu khích tại bãi cạn Scarborough và bãi cạn Sabin – những khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Các cuộc và chạm, xô sát đã xảy ra. Thậm chí, có lúc nhiều người đã lo lắng nghĩ tới tình huống sẽ có tiếng súng nổ. Tuy nhiên, tới tận lúc này, điều đó đã không xảy ra nhờ trong những tình huống căng thẳng nhất, Manila vẫn tỏ ra khôn ngoan và tỉnh táo không đẩy va chạm dẫn đến những hành động quân sự.
Thế nên, suy cho cùng, ông Biden “nịnh khéo” ong Marcos cũng là phải!
Vấn đề đặt ra, sau lời “nịnh khéo” của ông chủ Nhà Trắng, Manila cần phải làm gì nếu Bắc Kinh, trong năm 2025 này, tiếp tục sử dụng thủ đoạn gây hấn quyết liệt hơn? Hiển nhiên, ý tứ của Mỹ là Philippines sẽ cần tiếp tục phát huy vai trò trung gian giữa các cường quốc trong khu vực. Một mặt, Manila cần duy trì mối quan hệ hợp tác với Mỹ và Nhật Bản, những đối tác chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ tự do hàng hải và an ninh khu vực. Mặt khác, Philippines cũng không thể làm mất đi mối quan hệ với Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn và một quốc gia có ảnh hưởng lớn tại Biển Đông.
Không có tin chính thức, nhưng có nhà quan sát cho rằng, đâu như trong cuộc họp trực tuyến ngày 13/1 vừa qua, hai người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản đã đề nghị Manila tiếp tục thúc đẩy các giải pháp ngoại giao trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế như ASEAN, Liên Hợp Quốc, và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Theo họ, việc tăng cường vai trò trong các cơ chế đa phương sẽ giúp Philippines không chỉ bảo vệ quyền lợi quốc gia mà còn duy trì sự ổn định trong khu vực.
Bên cạnh đó, Philippines cần tăng cường năng lực quân sự để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng điều này không có nghĩa là phải đi đến đối đầu với Trung Quốc. Việc duy trì một lực lượng phòng thủ đủ mạnh, cùng với sự phối hợp với các quốc gia đồng minh sẽ giúp Philippines bảo vệ chủ quyền và quyền lợi một cách chắc chắn. Việc kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc của UNCLOS và các quy định quốc tế về biển sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược của Philippines. Manila cũng cần sử dụng các diễn đàn như ASEAN để tạo dựng một mặt trận thống nhất với các quốc gia có chung lợi ích trong việc bảo vệ tự do hàng hải và đảm bảo an ninh khu vực.
Nói tóm lại, lời “nịnh khéo” của Tổng thống Biden đối với Tổng thống Marcos không chỉ là sự tán dương về khả năng ngoại giao của ông Marcos, mà còn phản ánh những kỳ vọng chiến lược của Mỹ đối với Philippines trong bối cảnh Biển Đông đang thực sự trở thành nơi đối đầu không chỉ các nước tranh chấp trực tiếp trong khu vực, mà còn giữa các cường quốc.
T.V